07/01/2015 - 08:56

Thời nào, sách đó

Chuyến thăm Ai Cập, Jordanie, Israel và Palestine của Thủ tướng Shinzo Abe vào trung tuần tháng Giêng này là một động thái điều chỉnh sách lược ngoại giao của Nhật Bản theo học thuyết và tình hình kinh tế mới.

Điểm đến đáng chú nhất của Thủ tướng Nhật Bản là Israel, nơi mà người tiền nhiệm Junichiro Koizumi lần đầu đặt chân hồi năm 2006. Với chính quyền của Thủ tướng Abe, Israel là một đối tác đặc biệt có giá trị về công nghệ quân sự và kỹ thuật quốc phòng mà nước Nhật cần “trao dồi” trong kế hoạch nâng cấp khả năng quân sự trước các mối đe dọa an ninh từ Triều Tiên và Trung Quốc. Người dân xứ hoa anh đào ngày nay nhìn chung cũng có cái nhìn tích cực hơn về người Do Thái bởi sự ổn định cá biệt của Israel trong làn sóng biểu tình bạo loạn lật đổ diễn ra khắp Trung Đông từ năm 2011.

Quan trọng hơn, ở thời điểm mà các nước nhập khẩu dầu mỏ trên thế giới không còn phụ thuộc quá lớn vào nguồn cung chủ chốt từ vùng Vịnh, Nhật Bản đâu cần phải lo khả năng các quốc gia A-rập cấm vận vì “tội” thông thương với Israel như hồi thập niên 90 của thế kỷ trước.

Bên cạnh thúc đẩy hợp tác các lĩnh vực trọng yếu mới với Israel, chính quyền của ông Abe còn tìm kiếm cơ hội tại Ai Cập và Jordanie, hai đất nước đã và đang trải qua biến động mạnh về chính trị và an ninh. Sách lược hiện nay của Tokyo bao gồm nới lỏng xuất khẩu trang thiết bị vũ khí nhằm mang lại nguồn thu nhập quốc gia, đồng thời gọi là giúp duy trì an ninh quốc tế.

Ngoài những bước đi “thời nào, sách đó” trong nỗ lực tăng cường lợi ích quốc gia, việc Thủ tướng Abe chọn Palestine làm điểm dừng chân cuối cùng là để chứng tỏ với thế giới Hồi giáo rằng Nhật Bản vẫn tiếp tục ủng hộ Nhà nước Palestine độc lập trong tương lai. Đây là đường lối đối ngoại thể hiện tinh thần chính trị độc lập tự chủ của đất nước mặt trời mọc.

KIẾN HÒA

Chia sẻ bài viết