Gần như ngay khi lên nắm quyền năm 2009, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chủ định sửa lại mối quan hệ bị “sứt mẻ” giữa Mỹ với thế giới Hồi giáo và “nhóm lại ngọn lửa” cho tiến trình hòa bình Trung Đông. Tuy nhiên, hai năm sau đó, ông đã không đạt được gì. Thay vào đó, những vấn đề mà ông hy vọng sớm được giải quyết ấy, lại trở thành nhân tố khiến ông bị “mất điểm” với người Israel, người Palestine và cả cử tri Mỹ.
Nhật báo Phố Wall ngày 21-9 cho biết giới chức Mỹ quyết ngăn cản Palestine gia nhập Liên Hiệp Quốc, nhưng Nhà Trắng gần như vô vọng. Phát biểu trước Đại hội đồng LHQ hôm 21-9, nơi đa số nước ủng hộ Palestine, Tổng thống Obama nói rằng Washington ủng hộ việc thành lập một nhà nước Palestine độc lập, nhưng phải thông qua đàm phán chứ không do sự thừa nhận của LHQ. Lập luận của ông Obama, cũng như giới chức Mỹ, là vì một nghị quyết công nhận nhà nước Palestine của LHQ mà vấp phải sự phản đối của Israel sẽ chỉ gây thêm khó khăn cho việc nối lại hòa đàm trực tiếp giữa hai bên về đường biên giới, quy chế người tị nạn Palestine và tương lai Jerusalem.
Thực tế, Nhật báo Phố Wall cho rằng Tổng thống Obama đang đối mặt với sức ép từ trong nước cũng như quốc tế. Đã nhiều lần ông Obama giục Israel nhượng bộ nhưng thất bại, khiến tiến trình hòa bình tiếp tục bế tắc. Trong khi đó, một số cử tri gốc Do Thái tại Mỹ và đảng Cộng hòa bắt đầu mở cuộc công kích. Hôm 21-9, Rick Perry, Thống đốc bang Texas, nói rằng chính sách đối ngoại “ngây thơ, kiêu ngạo, sai lầm và nguy hiểm” của ông Obama đã đẩy Israel và Palestine rơi vào khủng hoảng. Ứng viên tổng thống năm 2012 của đảng Cộng hòa cũng cho rằng động thái của Palestine là “hành động đáng ngại về niềm tin”. Một ứng viên tổng thống khác của Cộng hòa là Mitt Romney cũng công kích ông Obama đã “đẩy Israel vào cửa tử”.
Tuần rồi, một khảo sát cho thấy chính sách Trung Đông của ông Obama là nguyên nhân góp phần dẫn tới thất bại của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử đặc biệt, bổ sung chiếc ghế trống tại Hạ viện ở quận có đông người Do Thái, trong đó có khu vực Brooklyn và Queens. Chiến dịch tái tranh cử của ông Obama, vì vậy cũng khiến phe Dân chủ lo ngại, khi mất dần sự ủng hộ của cử tri gốc Do Thái.
Một năm trước, người Palestine đặt nhiều hy vọng vào Tổng thống Obama khi ông đọc bài diễn văn tại Đại hội đồng LHQ, nói rằng có sự tiến bộ thật sự về hòa bình Trung Đông và rằng ông ủng hộ việc thành lập một nhà nước Palestine vào năm 2011. Tuy nhiên, Jon Alterman, chuyên gia khu vực tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Washington, nói: “Cục diện ngày nay cho thấy những hành động vừa qua của Obama đã chọc giận tất cả các bên. Người Israel cảm thấy Tổng thống Mỹ không quyết tâm bảo vệ lợi ích của họ. Người Palestine cảm thấy Obama là người bội ước, vẫn ngã theo Israel”. Theo Alterman, phong trào gọi là “Mùa xuân A-rập” cũng không cải thiện hình ảnh của Mỹ ở khu vực.
Ông Obama từng tuyên bố hồi năm 2009 rằng ông sẽ thiết lập “sự khởi đầu mới” trong quan hệ giữa Mỹ với thế giới Hồi giáo. Chìa khóa để đạt được điều đó, theo ông Obama, là sự tiến bộ trong quan hệ Israel - Palestine. Thế nhưng, hiện nay hình ảnh nước Mỹ và niềm tin vào ông Obama đang sụt giảm mạnh ở nhiều nước Hồi giáo. Tại Jordanie, năm 2009, 25% người dân có quan điểm ủng hộ Mỹ, nhưng năm 2011 này chỉ có 13%, theo khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew. Tỷ lệ này cũng giảm ở Liban, Ai Cập và Pakistan.
N. MINH
(Theo WSJ, Washingtonpost)