* FED và Bộ Tài chính tiếp tục các nỗ lực đối phó với khủng hoảng tài chính
(TTXVN)- Thứ 2 (6-10) đã trở thành một trong những ngày đen tối nhất trong lịch sử của hầu hết các thị trường chứng khoán trên thế giới, khi các thị trường này đều “đua nhau lao dốc”, sụt giảm kỷ lục trong một phiên giao dịch.
Tại Mỹ, kết thúc phiên giao dịch ngày 6-10, chỉ số Dow Jones giảm 3,58% xuống mức 9.955,50 điểm. Đây là lần đầu tiên chỉ số này xuống dưới ngưỡng 10.000 điểm kể từ tháng 10-2003. Chỉ số Nasdaq cũng có lúc mất tới 8% xuống mức thấp nhất kể từ tháng 8-2003, và đóng cửa ở mức 1.862,96 điểm. Chỉ số Standard & Poor 500 có lúc đã giảm tới 7,7% xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10-2003, đóng cửa ở mức 1.056,85 điểm.
Các thị trường chứng khoán trên thế giới đồng loạt chao đảo mạnh do giới đầu tư lo ngại cuộc khủng hoảng tín dụng nghiêm trọng nhất trong gần 80 năm qua ở Mỹ tiếp tục lan rộng. Ở châu Á, các thị trường chứng khoán lớn vừa trải qua một ngày giao dịch “đỏ lửa”. Chỉ 30 phút sau khi Thị trường chứng khoán Tokyo mở cửa sáng 7-10, chỉ số Nikkei đã mất tới 5% và lần đầu tiên rơi xuống dưới 10.000 điểm kể từ năm 2003. Các thị trường chứng khoán khác ở châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Công, Đài Loan, Singapore và Ấn Độ cũng mất điểm thảm hại. Riêng thị trường Indonesia mất tới 10% điểm, mức giảm kỷ lục từ trước tới nay.
Trong cơn bão tài chính này, Phủ Tổng thống Hàn Quốc cho biết, Tổng thống Lee Myung-bak đề nghị với hai đối tác lớn tại châu Á là Trung Quốc và Nhật Bản triệu tập hội nghị thượng đỉnh tay ba cùng hợp tác để vượt qua khủng hoảng. Ngân hàng Trung ương Nhật đã ứng tiền cho Ngân hàng Trung ương Mỹ và cho phép sử dụng tích sản ngân hàng Nhật để vay mượn ở châu Âu hay ở Mỹ.
Trong khi đó, tờ Nikkei có uy tín trong giới kinh doanh Nhật Bản vừa tiết lộ một thông tin gây chấn động: tài sản của các ngân hàng ở châu Âu bị mất giá còn nặng nề hơn các ngân hàng ở Mỹ. Theo báo này, bí mật này đã bị giữ kín trong suốt thời gian qua. Thủ tướng Đức nói rằng lãnh đạo các định chế tài chính cần phải chịu trách nhiệm về cách “cư xử vô trách nhiệm” này. Trong không khí bất an chung, thêm vụ ngân hàng Đức Hypo Real Estate bị đe dọa phá sản làm cho Chính phủ Đức phải khẩn cấp huy động 50 tỉ euro cấp cứu, trong phiên giao dịch ngày 6-10, chỉ số DAX của Đức đã giảm tới 7,07% và chỉ số FTSE của Anh giảm tới 7,8%. Riêng chỉ số CAC-40 của Pháp giảm tới 9,04%, mức giảm kỷ lục kể từ sau vụ khủng bố 11-9-2001 ở Mỹ. Hai sàn giao dịch của Nga tại Mát-xcơ-va đã phải tạm ngừng hoạt động do giá của một loạt cổ phiếu đã “tuột dốc không phanh” chỉ vài giờ sau khi mở cửa, với mức giảm lên tới 14,3% và 15,4%. Đây là lần thứ hai thị trường chứng khoán Nga phải tạm ngừng giao dịch trong vòng hai tháng qua.
* Trước diễn biến phức tạp trên thị trường chứng khoán và để khai thông tình trạng tắc nghẽn tín dụng do cuộc khủng hoảng nợ xấu, cả Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (FED) và Bộ Tài chính Mỹ cùng tuyên bố đang xem xét khả năng cấp thêm các khoản vay mới nhằm duy trì luồng tín dụng trong hệ thống tài chính. FED cho biết từ nay đến cuối năm 2008 sẽ tung ra tổng cộng 900 tỉ USD, mỗi đợt 150 tỉ USD, dưới hình thức đấu giá cho các ngân hàng và tổ chức tài chính vay với tỷ lệ lãi suất ưu đãi trong thời hạn 28 ngày và 84 ngày. Ngoài ra, Bộ Tài chính Mỹ cũng thông báo sẽ phát hành thêm 100 tỉ USD trái phiếu ngắn hạn để hỗ trợ các biện pháp cứu trợ khẩn cấp của FED.