Văn phòng tổng thống Afghanistan hôm 17-1 cho biết đang tiến hành điều tra sau khi có thông tin Mohammed Yaqub Haidari, nhân vật vừa được Tổng thống Ashraf Ghani đề cử vào ghế bộ trưởng nông nghiệp, nằm trong danh sách truy nã của Hình cảnh Quốc tế (Interpol) vì “trốn thuế qui mô lớn”. Hiện Haidari đã thừa nhận việc bị Interpol săn lùng nhưng khẳng định mình vô tội, và là nạn nhân của một âm mưu chính trị. Theo Haidari, kẻ trốn thuế thật sự là người đã mua lại công ty kinh doanh tại Estonia của ông hồi năm 2003.
Thực hư chưa biết ra sao nhưng việc này chắc chắn ảnh hưởng tới thời điểm ra mắt nội các mới vốn đã bị trì hoãn quá lâu. Hồi đầu tuần rồi, tức ba tháng rưỡi sau khi nhậm chức, ông Ghani mới công bố được danh sách nội các đề cử gồm 25 thành viên. Sở dĩ có chuyện như vậy là do ông không có toàn quyền mà phải thương lượng với cựu đối thủ nhưng giờ là “lãnh đạo hành pháp” (chức danh tương đương thủ tướng) Abdullah Abdullah. Việc bốn bộ quan trọng nhất được chia đôi, phía ông Ghani nắm quốc phòng và tài chính trong khi ngoại giao và nội vụ về tay ông Abdullah, cũng có thể dẫn tới tình trạng chính sách “chỏi” nhau dù đây được gọi là chính phủ đoàn kết dân tộc. Đó là chưa kể việc các bộ trưởng được đề cử chủ yếu do quan hệ chính trị chứ không dựa trên năng lực chuyên môn.
Thật ra con đường trở thành lãnh đạo Afghanistan của ông Ghani đã không suôn sẻ ngay từ đầu. Kết quả cuộc bầu cử tổng thống vòng hai hồi tháng 6 năm ngoái không được công bố cụ thể do cựu Ngoại trưởng Abdullah tố cáo có gian lận và dọa sẽ thành lập một chính phủ song song nếu cựu Bộ trưởng Tài chính Ghani được tuyên đắc cử. Với sự trung gian của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, ba tháng sau các phái ở Afghanistan mới đạt được thỏa thuận chia sẻ quyền lực sau khi kiểm phiếu lại. Theo đó, ông Ghani làm tổng thống nhưng ông Abdullah cũng có ngang quyền.
Việc chậm ra mắt nội các mới, do đấu đá giữa hai ông Ghani- Abdullah và giờ đây là rắc rối pháp lý của bộ trưởng nông nghiệp được đề cử Haidari, đương nhiên ảnh hưởng không nhỏ tới vị thế của Tổng thống Ghani. Đối với Afghanistan, cuộc khủng hoảng an ninh và kinh tế rồi sẽ còn tiếp diễn một khi đất nước vẫn thiếu vắng những “tư lệnh ngành” có thực quyền.
QUỐC KHÁNH