04/09/2013 - 10:45

Thế giới “thấp thỏm” với 17.000 đầu đạn hạt nhân

Tên lửa mang đầu đạn hạt nhân DF-31A của Trung Quốc. Ảnh: Air Force National Air and Space Intelligence Center

Theo nghiên cứu của hai chuyên gia Hans Kristensen và Robert Norris thuộc Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, trên thế giới hiện vẫn còn khoảng 17.000 đầu đạn hạt nhân mặc dù Chiến tranh lạnh kết thúc cách đây đã 20 năm.

Công bố trên Bản tin Các nhà khoa học Nguyên tử (BAS), Kristensen và Norris ước tính có khoảng 10.000 đầu đạn hạt nhân đang nằm trong kho vũ khí của 9 quốc gia sở hữu chúng gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Israel và CHDCND Triều Tiên. Trong số đó, gần 4.400 đầu đạn hạt nhân đang được trang bị cho tên lửa hoặc triển khai tại các căn cứ để có thể phóng bất cứ lúc nào.

Theo báo cáo, hiện tổng số vũ khí hạt nhân của riêng Nga và Mỹ đã chiếm hơn 90% trên toàn thế giới. Đến nay Mỹ đã tháo dỡ 59.000 trong tổng số 66.500 đầu đạn hạt nhân, còn Nga đã tháo dỡ khoảng 46.500 và hiện đang duy trì 8.500 đơn vị, trong đó có khoảng 4.000 thuộc dạng ngừng sử dụng và đang chờ phá hủy. Pháp hiện sở hữu 300 đầu đạn và Anh 225 nhưng cả hai cho biết đang có kế hoạch cắt giảm kho vũ khí trong những năm tới.

Trong khi đó, các quốc gia còn lại trong danh sách được cho vẫn đang mở rộng kho vũ khí. Kristensen và Norris ước tính, Trung Quốc hiện đã vượt qua Anh trở thành nước có nhiều đầu đạn hạt nhân thứ tư thế giới với khoảng 250 đơn vị và có thể vượt qua Pháp vào cuối thập kỷ này.

Đặc biệt, các tác giả cho biết số liệu về kho vũ khí của Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Israel và CHDCND Triều Tiên là rất ít. Chẳng hạn như Israel chưa bao giờ công khai thừa nhận hoặc phủ nhận việc sở hữu vũ khí hạt nhân, hay như Pakistan và Trung Quốc thường xuyên “thiếu minh bạch” về kho vũ khí hạt nhân của mình. Tuy nhiên, các tác giả ước tính Pakistan có thể sở hữu 100-120 đầu đạn cùng các vật liệu phân hạch trong khi con số này của Ấn Độ dao động trong khoảng  90-110 đơn vị.

Các tác giả lo ngại tình hình nếu cứ phát triển theo xu hướng như vậy kết hợp hoạt động tăng cường phòng thủ tên lửa của Mỹ trong khu vực có thể kích động Trung Quốc mở rộng đáng kể kho vũ khí của mình, đặc biệt là tự sản xuất tên lửa đạn đạo mang  nhiều đầu đạn hạt nhân và cùng lúc tấn công nhiều mục tiêu khác nhau (MIRV).

VI VI (Theo Diplomat)

 

Chia sẻ bài viết