24/06/2024 - 18:21

Thế giới ngầm đằng sau “ngành công nghiệp Hajj” 

Hơn 1.300 người đã thiệt mạng trong cuộc hành hương đến thánh địa Mecca (Hajj) năm nay trong bối cảnh nắng nóng gay gắt, giới chức Saudi Arabia xác nhận 83% trong số đó không có giấy phép tham gia lễ hành hương. Điều này hé lộ “thế giới ngầm” của những nhà điều hành tour du lịch bất hợp pháp, những kẻ buôn lậu và lừa đảo để kiếm lợi từ những tín đồ đạo Hồi vốn mong mỏi được thực hiện nghĩa vụ tôn giáo.

Những tín đồ đi vòng quanh Kaaba, công trình kiến ​​trúc hình khối tại Nhà thờ Lớn, trong cuộc hành hương Hajj hàng năm. Ảnh: AP

Hajj là một trong những cuộc hành hương lớn nhất thế giới và là một trong 5 trụ cột của đạo Hồi mà tất cả tín đồ trưởng thành phải thực hiện ít nhất một lần trong đời, nếu có đủ điều kiện sức khỏe và tài chính. Theo cơ quan phụ trách lễ Hajj của Saudi Arabia, năm nay có hơn 1,83 triệu người Hồi giáo đã thực hiện cuộc hành hương kéo dài 5 ngày bao gồm 1,6 triệu người từ 22 quốc gia và khoảng 222.000 công dân sở tại.

Riyadh cho biết đã chi hàng tỉ USD cho các biện pháp kiểm soát đám đông và đảm bảo người tham dự cuộc hành hương thường niên này được an toàn, nhưng số lượng người tham gia quá lớn khiến công việc trở nên khó khăn. Ngoài ra, Trung tâm Khí tượng Quốc gia Saudi Arabia cho biết trong thời gian lễ Hajj diễn ra, nhiệt độ cao hàng ngày dao động từ 46oC đến 49oC ở thánh địa Mecca, các địa điểm linh thiêng trong và xung quanh thành phố. Tại khu vực Nhà thờ Lớn, nhiệt độ cao nhất được ghi nhận là 51,8oC. Thời tiết nắng nóng khiến nhiều tín đồ nôn mửa và ngất xỉu khi cố gắng thực hiện nghi thức. Đặc biệt với những người hành hương không đăng ký, họ càng dễ bị tổn thương hơn do không thể tiếp cận phương tiện cũng như khách sạn có điều hòa nhiệt độ sau nhiều giờ đi bộ và cầu nguyện ngoài trời.

Theo các nhà quan sát, với gần 2 triệu người hành hương tham gia mỗi năm và nhiều tín đồ trong số đó là người già hoặc ốm yếu thì việc có ca tử vong không phải bất thường. Tuy nhiên, số lượng quá nhiều người hành hương không giấy tờ bị thiệt mạng năm nay khiến người ta chú ý hơn khi nó vạch trần “ngành công nghiệp Hajj” của thế giới ngầm. Theo quy định, Saudi Arabia chỉ cấp thị thực riêng cho 1,8 triệu người hành hương đến Mecca và số lượng giấy phép sẽ phân bổ cho từng quốc gia. Tùy vào mỗi nước mà giấy phép có giá từ 5.000 USD đến 10.000 USD. Những người hành hương có giấy phép sẽ được ban tổ chức hỗ trợ xe đưa đón có trang bị máy lạnh và cung cấp thức uống, thực phẩm trong suốt hành trình.

Với những người không có điều kiện đăng ký nhưng muốn tới Mecca, Nhật báo Al-Ahram cho biết một số công ty du lịch và các nhà môi giới điều hành chuyến đi Hajj đã “lách” quy định bằng cách bán thị thực du lịch cho các tín đồ để họ đến Saudi Arbia vài tuần trước lễ hành hương. Điều đó khiến nhiều người phải sống trong cảnh không nơi ăn ở an toàn ở Mecca và khu vực xung quanh trong cái nóng thiêu đốt. Đáng nói là mạng lưới này cũng bao gồm những kẻ môi giới và buôn lậu bất hợp pháp. Sau khi lấy tiền, khách hàng có thể bị bỏ rơi và phải tự bảo vệ mình.

Trong số những nạn nhân có Safaa al-Tawab, đến từ thành phố Luxor của Ai Cập. Bà al-Tawab, 55 tuổi, không thể xin được giấy phép Hajj nhưng anh trai bà cho biết có một công ty du lịch Ai Cập hứa có thể giúp bà tham gia với giá khoảng 3.000 USD. Sau khi đến nơi, bà al-Tawab được sắp xếp chỗ ở kém tiện nghi và bị công ty lữ hành cấm ra ngoài. Trái với cam kết cung cấp xe buýt có máy lạnh để đưa đón những người hành hương quanh Mecca, bà al-Tawab phải đi bộ dưới ánh nắng gay gắt để đến được thánh địa. Bà al-Tawab sau đó qua đời giữa chuyến hành hương, nhưng khi người nhà liên hệ thì công ty du lịch nói rằng bà vẫn ổn. Đến khi sự việc phơi bày thì công ty cũng cắt liên lạc với người thân bà al-Tawab.

Sau khi ghi nhận số lượng lớn người hành hương thiệt mạng, một số quốc gia đã hành động để giải quyết hậu quả. Tại Ai Cập, chính quyền cho biết sẽ thu hồi giấy phép của 16 công ty cấp thị thực “chui” cho người hành hương. Còn ở Tunisia, nơi có hơn 50 người thiệt mạng, tổng thống nước này đã sa thải bộ trưởng về các vấn đề tôn giáo. Tại Jordan, nơi ghi nhận cái chết của ít nhất 99 người hành hương, công tố viên đã mở một cuộc điều tra về các tuyến đường Hajj không chính thức và những kẻ thu lợi bất hợp pháp.

MAI QUYÊN (Theo NYT, ABC News)

Chia sẻ bài viết