01/01/2013 - 09:09

Thế giới kỳ vọng vào sự ổn định trong năm 2013

Theo nhận định của tờ Csmonitor của Mỹ, các nhà hoạch định chính sách ở nhiều điểm nóng trên thế giới, từ Syrie, Nam Mỹ đến Biển Hoa Đông đều có một ước muốn "giản đơn" trong năm mới, đó là sự thống nhất của quốc tế, mở ra cơ hội củng cố sự ổn định chính trị và kinh tế.

Châu Âu hội nhập hệ thống ngân hàng

Sau một năm đắm chìm trong cuộc khủng hoảng nợ, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã tạo ra một bước tiến lớn trước khi kết thúc năm cũ bằng việc đồng ý trao quyền giám sát những ngân hàng lớn nhất tại khu vực cho Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Quyết định này sẽ mở ra hướng đi cho một liên minh ngân hàng cuối cùng ở châu Âu cũng như mở ra một năm với mong muốn hội nhập ngày càng sâu rộng. "Quyết định tạo ra một liên minh ngân hàng và một liên minh tài chính cần được thực thi nhưng đây sẽ là một sự thay đổi không hề đơn giản. Mọi việc chưa đi tới đâu nhưng nếu được thực hiện, nhất định sẽ tạo đà cho hội nhập chính trị" – ông Jan Techau, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Carnegie châu Âu, nhận định.

Một "bình minh mới" cho Somalie

Thế giới chào đón năm mới 2013. 

Sau 4 năm kiểm soát miền Nam Somalie, mạng lưới khủng bố al-Qaeda đã có dấu hiệu tháo chạy trong năm 2012 khi mà những cuộc tấn công quân sự của Liên minh châu Phi diễn ra liên tục, khiến chúng phải rời bỏ những thành trì đã từng chiếm đóng. Trong khi đó, những đồng minh phương Tây của Somalie cũng đã bắt đầu tuyên bố một "bình minh mới" cho quốc gia này. Các chuyến bay thương mại quốc tế thường xuyên hạ cánh tại sân bay Mogadishu, những nhà đầu tư từ cộng đồng người Somalie đang quay về nhà và những nhân viên cứu trợ có thể tiếp cận được hàng triệu người đang vẫn còn đối mặt với tình trạng khủng hoảng. Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh giác rằng trong khi một số chiến binh đã rời bỏ nhóm Hồi giáo cực đoan al-Shabab, một số chỉ huy còn trụ lại với nhóm, nhiều người trong số họ được al-Qaeda huấn luyện ở Pakistan đang chờ ngày tái hợp ở miền Bắc Somalie.

Trong khi đó, trên khắp Mali, các sự kiện diễn ra theo hướng trái ngược hoàn toàn so với năm 2012. Các chiến binh hồi giáo đã tiếp quản khu vực miền Bắc của nước này và tình hình càng trở nên tồi tệ hơn khi chính quân đội lại tiến hành lật đổ tổng thống nước mình. Người Mali hy vọng trong năm 2013, đất nước của họ có thể được hợp nhất và nền dân chủ sẽ được khôi phục. Nếu không, các nhà lãnh đạo châu Phi và phương tây lo ngại rằng Mali sẽ trở thành một quốc gia sụp đổ.

Hòa bình tại Trung Đông

Khi áp lực nhằm chống lại Tổng thống Syrie Bashar al-Assad ngày càng gia tăng, người ta đang bắt đầu đưa ra những câu hỏi rằng điều gì sẽ đến khi lực lượng Quân đội Syrie Tự do lật đổ chế độ ông Assad. Nhiều chuyên gia của Syrie cảnh báo rằng nếu không có một kế hoạch để đánh bậc các nhóm đối lập, nguy cơ họ sẽ gây bất ổn cho đất nước là rất cao. Trong khi đó, phần lớn lực lượng Quân đội Syrie Tự do khẳng định họ sẽ buông vũ khí và sẽ hướng đất nước theo chế độ dân chủ sau khi ông Assad bị lật đổ. Tuy nhiên, một số người giám sát lo ngại khả năng là các nhóm vũ trang này sẽ tham vào hệ thống chính phủ của Syrie. Đặc phái viên chung của Liên Hiệp Quốc và Liên đoàn A-rập Lakhdar Brahimi cảnh báo cuộc chiến tại Syrie có thể khiến thêm 100.000 người thiệt mạng trong năm 2013 và nước này trở thành một "Somalie mới" với sự ra đời của các thủ lĩnh quân phiệt, cát cứ đầy hiểm họa.

Tại Israel và các vùng lãnh thổ Palestine, tình hình trở nên êm ái hơn khi cánh cửa xung đột của hai bên đã khép lại. Israel sẽ tổ chức bầu cử vào tháng 1-2013 trong khi người Palestine trở nên hưng phấn sau khi giành chiến thắng trong cuộc xung đột tại Dải Gaza hồi tháng 11-2012 và càng vui hơn khi Palestine được Liên Hiệp Quốc công nhận là "nhà nước quan sát viên". Trong năm 2013, người dân Palestine mong muốn nhìn thấy tình trạng mở rộng khu vực định cư ở Bờ Tây của Israel kết thúc trước khi thực thi giải pháp hai nhà nước. Về phần mình, Israel sẽ ra sức tìm kiếm sự công nhận của Palestine đối với nhà nước Do Thái cũng như đảm bảo rằng một thỏa thuận hòa bình sẽ đánh đấu sự kết thúc của cuộc xung đột kéo dài dai dẳng.

Thắt chặt quan hệ khu vực Đông Á

2012 là năm mà Trung Quốc mang đến nhiều lo lắng cho một số nước láng giềng khi đưa ra những tuyên bố chủ quyền hải đảo, đặc biệt là quần đảo không người ở mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư còn Nhật Bản gọi là Senkaku trên Biển Hoa Đông. Chính vì điều này mà giữa hai nước này ngày càng căng thẳng, dẫn đến thiệt hại về kinh tế cho cả hai cường quốc châu Á này. "Trung Quốc là thị trường lớn nhất của Nhật Bản và Nhật Bản là nơi quan trọng cho Trung Quốc học hỏi khoa học và công nghệ mới. Nếu nền kinh tế lớn thứ 2 và thứ 3 thế giới không cùng chung chí hướng thì sẽ là một tin xấu cho những nền kinh tế còn lại. Vì vậy, cần có động cơ gì đó đủ mạnh để cải thiện mối quan hệ giữa đôi bên" – ông Zhou Weihong, một chuyên gia Nhật Bản tại Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh, đánh giá.

Tuy nhiên, báo Asahi Shimbun của Nhật dẫn một báo cáo của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc cho rằng cuộc xung đột giữa Trung Quốc và Nhật Bản trong vấn đề Điếu Ngư/Senkaku là "không thể tránh khỏi" khi mối quan hệ giữa hai nước sẽ bước vào "giai đoạn bất ổn mới", đặc biệt dưới chính quyền của Thủ tướng "diều hâu" Shinzo Abe.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết