06/09/2014 - 09:24

Thế giới chạy đua thử nghiệm thuốc điều trị Ebola

* Mỹ, Nhật tăng cường viện trợ y tế cho các nước Tây Phi

Ngày 5-9, các chuyên gia y tế thế giới bước vào ngày thứ hai của phiên họp khẩn cấp bàn về việc triển khai các loại thuốc thử nghiệm điều trị virus Ebola, trong bối cảnh các bác sĩ tại những nước bị dịch khẩn thiết yêu cầu cung cấp huyết thanh miễn dịch.

Cuộc họp kín với sự tham gia của khoảng 200 chuyên gia y tế diễn ra tại Genève (Thụy Sĩ) tập trung bàn về 8 liệu pháp tiềm năng chữa trị Ebola, trong đó có ZMapp – loại thuốc đã giúp 3/10 nhân viên y tế bị nhiễm virus (gồm cả người Mỹ và châu Âu) khỏi bệnh. Theo AFP, do chưa có liệu pháp nào được thử nghiệm đầy đủ nên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phải cho phép sử dụng các loại thuốc như ZMapp. Abdulsalami Nasidi, giám đốc dự án tại Trung tâm Kiểm soát Bệnh dịch Nigeria, tin tưởng cuộc họp tại Genève sẽ "mang đến nhiều hy vọng cho những người châu Phi bị bệnh và những người đang hoảng loạn" vì dịch bệnh.

Trong một động thái nhằm trấn an dư luận, WHO ngày 4-9 cho biết số người chết do nhiễm virus Ebola trên thực tế thấp hơn một chút so với con số "hơn 1.900 người" mà Tổng giám đốc Margaret Chan đưa ra một ngày trước đó. Cụ thể, chỉ 1.841 người tử vong trong tổng số 3.685 ca nhiễm bệnh ở Guinea, Sierra Leone và Liberia. Riêng Nigeria có 7 ca tử vong và 22 người nhiễm bệnh, cùng một trường hợp nhiễm bệnh vừa được xác nhận ở Senegal.

Trong lúc này, cơ quan y tế của các nước đang chạy đua thử nghiệm các loại thuốc điều trị Ebola.

Tại Mỹ, Cục quản lý Dược và Thực phẩm (FDA) vừa cấp phép thử nghiệm lâm sàng trên người lần đầu tiên vắc-xin Ebola do công ty NewLink Genetics đóng tại bang Iowa sản xuất. Giai đoạn 1 của cuộc thử nghiệm sẽ diễn ra trong vài tuần tới với sự tham gia của khoảng 40 tình nguyện viên khỏe mạnh. Các cuộc thử nghiệm lâm sàng tiếp theo sẽ tiến hành tại Thụy Sĩ, Đức, Gabon và có thể thêm nhiều nước khác. Brian Wiley, Phó chủ tịch phụ trách phát triển kinh doanh của NewLink Genetics, cho biết thử nghiệm sẽ kiểm tra độ an toàn của vắc-xin, cũng như để đánh giá liệu các tình nguyện viên có phát triển lượng kháng thể chống lại virus giống như kết quả của các nghiên cứu tiền lâm sàng trên khỉ trước đó hay không.

Theo báo Globe and Mail, trong số những liệu pháp kiềm chế dịch Ebola triển vọng nhất hiện nay, có 2 liệu pháp đáng chú ý do các nhà khoa học Canada phát triển. Đó là TKM-Ebola, một liệu pháp kháng virus Ebola của hãng dược phẩm Tekmira Pharmaceuticals và ZMapp, một hỗn hợp kháng thể đơn dòng được điều chế bởi các nhà khoa học tại Phòng Thí nghiệm Vi sinh Quốc gia (NML). Ngoài ra, các chuyên gia WHO còn đang xem xét tiềm năng phòng bệnh của một loại vắc-xin khác (cũng do Canada sản xuất) tên là VSV-EBOV.

WHO cho biết mặc dù nhiều biện pháp cấp bách đã được triển khai nhằm đẩy nhanh tốc độ các cuộc thử nghiệm lâm sàng, song vắc-xin hoặc những liệu pháp chữa trị mới có lẽ sẽ không được áp dụng rộng rãi trước cuối năm 2014. Ngoài ra, tổ chức này còn chỉ ra một số khó khăn trong việc vận chuyển thuốc thử nghiệm đến những nước nghèo, nơi mà hệ thống chăm sóc y tế dường như đã sụp đổ và đối mặt với tình trạng thiếu trang thiết bị cần thiết để cất trữ thuốc.

Hãng tin AP cho biết trong nỗ lực hỗ trợ các nước Tây Phi chống chọi với dịch bệnh, Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) ngày 4-9 thông báo sẽ tài trợ 75 triệu USD để trang bị thêm 1.000 giường bệnh tại các trung tâm điều trị Ebola ở Liberia và mua 130.000 trang phục bảo hộ cho các nhân viên y tế. Tương tự, Chính phủ Nhật cũng viện trợ hàng loạt trang thiết bị y tế trị giá 30 triệu yen để chống lại dịch Ebola chết người. Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, số hàng viện trợ cùng các vật dụng thiết yếu (như lều, túi ngủ, mùng mền, bình đựng nước…) đã được chuyển đến Liberia – nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất – trong ngày 5-9.

THANH TRÚC (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết