01/03/2008 - 11:18

Thế giới chật vật đối phó với lạm phát

Thịt heo tăng giá khiến người tiêu dùng Trung Quốc đắn đo chần chừ. Ảnh: Asianews

Với việc giá lương thực tăng nhanh, tỷ lệ lạm phát ở Trung Quốc trong tháng 1-2008 lên tới 7,1%, cao nhất trong 11 năm qua. Nhiều người lo ngại tình trạng lạm phát ở nền kinh tế lớn thứ tư và phát triển nhanh nhất thế giới này có thể sẽ lan rộng ra toàn cầu.

Tờ Guardian (Anh) cho biết sau trận bão tuyết khủng khiếp làm ảnh hưởng 7 triệu ha đất nông nghiệp và tê liệt hệ thống phân phối trên cả nước, giá lương thực tại Trung Quốc hồi tháng 1 tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Chính phủ Trung Quốc buộc phải mở kho lương thực dự trữ nhằm bù vào lượng thiếu hụt, nhưng cũng không thể ngăn chặn giá cả leo thang. Các nhà phân tích dự báo Bắc Kinh chưa thể kiềm chế lạm phát, ít nhất là trong vài tháng nữa. Theo ngân hàng Deutsche Bank (Đức), lạm phát quý đầu năm nay ở Trung Quốc có thể lên tới 8%.

Stephen Lewis, chuyên gia kinh tế tại ngân hàng Insinger de Beaufort (Hà Lan) cho rằng nhiều dấu hiệu cho thấy giá lương thực tăng ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc và tác động đến các nước nhập khẩu hàng hóa từ quốc gia này, nói cách khác là Trung Quốc có thể “xuất khẩu lạm phát”. Hàng chế tạo giá rẻ “made in China” từng được xem là yếu tố quan trọng giúp kiềm chế lạm phát toàn cầu trong 15 năm qua. Tuy nhiên, nhu cầu phát triển kinh tế với tốc độ tăng trưởng 10%/ năm của Trung Quốc đang làm giá cả hàng hóa leo thang. Bên cạnh đó, thiếu hụt lao động và nhu cầu ngày một cao của tầng lớp trung lưu cũng góp phần khiến giá lương thực và hàng xuất khẩu ngày càng đắt đỏ.

Hãng tin Bloomberg (Mỹ) cho rằng “bóng ma” lạm phát đang đe dọa các chính sách kinh tế của Tổng thống Nga Vladimir Putin và sẽ là thách thức lớn đối với người nhiều khả năng thay thế ông - Dmitry Medvedev. Sau 9 năm tăng trưởng kinh tế liên tiếp, thu nhập bình quân đầu người ở Nga tăng 6 lần và dự trữ ngoại tệ gần 500 tỉ USD. Tuy nhiên, năm ngoái, lạm phát ở Nga lên tới 11,9% bất chấp chính phủ thực hiện nhiều biện pháp can thiệp. Từ đầu năm tới nay, giá hàng hóa ở nước này tiếp tục gia tăng.

Trong khi đó, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke vừa thông báo trước quốc hội rằng nền kinh tế nước này đang trong tình trạng trì trệ nguy hiểm. Giá năng lượng cao và lạm phát tăng khiến FED rất khó khăn trong việc vừa giữ mức tăng trưởng kinh tế và kiềm chế lạm phát. Chỉ 8 ngày trong tháng 1-2008, FED hạ 1,25% lãi suất, mức giảm lớn nhất trong 25 năm qua, nhằm giúp kinh tế thoát khỏi tình trạng ì ạch. Các chuyên gia kinh tế dự báo FED có thể sẽ cắt lãi suất lần nữa trong cuộc họp vào ngày 18-3 tới và điều này càng làm cho cuộc chiến chống lạm phát trở nên khó khăn hơn.

Nhiều quốc gia khác cũng đang trong tình cảnh tương tự. Theo hãng tin Anh Reuters, tháng đầu năm nay, Nhật Bản lạm phát 0,8%, mức cao nhất trong thập niên qua. Còn tại Bỉ, lạm phát trong tháng 2 lên tới 3,6%, cao nhất trong 17 năm qua.

• N.MINH

(Theo Bloomberg, AFP, BBC, Guardian)

Chia sẻ bài viết