|
Hiện trường một vụ đánh bom ở Najaf, Nam Iraq. Ảnh: EPA |
Sự can thiệp từ bên ngoài nhằm thúc đẩy quá trình xóa bỏ chế độ độc tài và chuyển giao dân chủ ở một số nước A-rập thời gian qua đang dần phơi bày những hệ lụy khôn lường tại các nước này.
Mới đây nhất là hàng loạt vụ đánh bom và đọ súng khắp Iraq hôm 15-8, làm ít nhất 89 người chết và hơn 300 người bị thương. Hơn 35 vụ tấn công phối hợp khắp Iraq diễn ra trong ngày làm gia tăng lo ngại rằng các lực lượng an ninh nước này có thể bị “quá tải” trước làn sóng nổi dậy khi quân đội Mỹ rút lui vào cuối năm nay.
Kể từ khi Mỹ dẫn đầu liên quân tấn công Iraq năm 2003 nhằm phế truất Tổng thống Saddam Hussein, đất nước này chìm vào các cuộc xung đột sắc tộc và tôn giáo, chứ không mở ra một kỷ nguyên mới dân chủ như những tuyên bố ban đầu của giới cầm quyền Mỹ. Chính quyền Baghdad do Mỹ dựng lên yếu kém, rệu rã và vẫn đang vật lộn với khủng bố, tình trạng chia rẽ tôn giáo và sắc tộc ngày càng gay gắt. Theo giới quan sát, những vụ tấn công mới nhất dường như để báo hiệu với chính phủ của Thủ tướng Nuri al-Maliki về nguy cơ bạo lực leo thang. Thời báo Los Angeles của Mỹ cho rằng “Iraq đang ở vào thời điểm nguy nan”.
Trong khi đó, phong trào biểu tình dân chủ với sự hậu thuẫn từ bên ngoài đang lan rộng khắp thế giới A-rập. Với nghị quyết 1973 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thực hiện vùng cấm bay tại Libye, các cường quốc phương Tây do Pháp và Anh dẫn đầu đang can thiệp vào quốc gia Bắc Phi, nhằm lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gadhafi thông qua lực lượng chống đối. Sau các đợt không kích của liên quân gần như liên tục nhiều tháng qua, ngày 15-8, Hội đồng chuyển tiếp quốc gia (NTC), được Mỹ và nhiều nước phương Tây công nhận hợp pháp tại Libye, cho biết các tay súng của họ đã tiến vào Zawiyah, cách Thủ đô Tripoli hơn 48 km về phía Tây, cắt đứt nguồn tiếp viện hậu cần cho lực lượng của Gadhafi từ biên giới giáp Tunisie. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích nhận định chiến sự ở Libye vẫn trong thế giằng co, chưa sớm đi đến hồi kết.
Syrie cũng đang vất vả đối phó với biểu tình do sự kích động từ bên ngoài. Các lực lượng an ninh trung thành với Tổng thống Bashar al-Assad tiếp tục trấn áp mạnh tay phong trào chống đối mà họ cho là các phần tử cực đoan và khủng bố. Trong khi đó, Mỹ và các nước đồng minh lại ủng hộ lực lượng đối lập này hòng tìm cách can thiệp vào Syrie. Ngay sau sự kiện 23 người biểu tình thiệt mạng hôm 14-8, Mỹ, Anh và Arabie Séoudite giục các nước cắt đứt quan hệ chính trị và kinh tế với Syrie. Ngày 15-8, người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney tuyên bố Tổng thống al-Assad đã mất tính hợp pháp và rằng “người dân Syrie sẽ tốt hơn nếu không có ông ta (al-Assad)”.
Thế nhưng, dư luận đang đặt câu hỏi: Những thay đổi chính quyền liệu có tốt hơn cho các nước như Syrie và Libye? Có thể tìm câu trả lời từ Tunisie và Ai Cập, nơi phong trào biểu tình lật đổ bùng phát hồi tháng Giêng, dẫn tới sự ra đi của các nhà lãnh đạo hai nước này.
Các vụ đụng độ giữa những người biểu tình với quân cảnh tiếp tục tái diễn tại Tunisie và Ai Cập từ tháng rồi. Người dân Ai Cập phản đối kết quả cải tổ nội các, đồng thời hối thúc Chính phủ thực hiện cải cách, còn dân Tunisie đòi chính phủ phải từ chức vì không thấy sự thay đổi nào ở chính quyền mới. Những người biểu tình ủng hộ dân chủ phế truất cựu Tổng thống Hosni Mubarak tại Ai Cập giờ đây phải đối phó với lực lượng Hồi giáo muốn đưa Ai Cập đi theo mô hình nhà nước Hồi giáo. Trong khi đó, Tổng thống tạm quyền Tunisie Fouad Mebazaa phải ký lệnh kéo dài vô thời hạn tình trạng khẩn cấp nhằm đối phó với biểu tình.
Có thể nói, sự can thiệp từ bên ngoài vào cuộc xung đột của một quốc gia không thể dẫn tới kết quả hòa bình như mong đợi, nếu không muốn nói là tình hình trở nên bế tắc nghiêm trọng hơn. Nói như Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon khi đề cập đến tình hình Libye rằng quân sự không phải là giải pháp cho cuộc khủng hoảng. Một thỏa thuận ngừng bắn kèm theo tiến trình đối thoại chính trị sẽ đáp ứng được nguyện vọng của người dân và đây là cách duy nhất có thể lập lại hòa bình và an ninh tại đất nước Bắc Phi.
NGUYỄN KIỆT (Tổng hợp)