04/02/2012 - 14:34

Tháo lui có tính toán

Lính Anh trên chiến trường khốc liệt Afghanistan. Ảnh: Getty

Kết thúc cuộc họp cấp bộ trưởng quốc phòng của 28 nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Brussels (Bỉ) ngày 2 và 3-2, ông chủ Lầu Năm Góc Leon Panetta cho biết các đồng minh trong khối quân sự này đã thống nhất cần kết thúc sớm vai trò chiến đấu của họ ở Afghanistan và trao lại quyền kiểm soát an ninh cho chính quyền Kabul vào năm sau. Quyết định cuối cùng về việc cắt ngắn thời gian chiến đấu sớm hơn 1 năm như đã định ở Afghanistan sẽ còn được hội nghị thượng đỉnh NATO, diễn ra tại thành phố Chicago (Mỹ) vào tháng 5-2012, phê chuẩn.

Như vậy, tuyên bố của ông Panetta hôm 1-2 nói rằng quân đội Mỹ có thể chấm dứt chiến dịch quân sự tại Afghanistan từ giữa hoặc cuối năm 2013 không phải là một phát biểu ngẫu hứng, dù điều này đã làm kinh ngạc chính quyền Hamid Karzai và một số đồng minh trung thành của Mỹ. Thậm chí phe chủ chiến tại Mỹ, nhất là đảng Cộng hòa, đã kịch liệt phê phán, cho rằng ý định sớm “gác súng”của người đứng đầu Lầu Năm Góc sẽ làm thui chột tinh thần chiến đấu của binh sĩ ngoài mặt trận, đồng thời khiến phiến quân Taliban được nước lấn tới. Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) David Petraeus cũng cho rằng quyết định kết thúc sớm vai trò chiến đấu của quân đội nước ngoài tại Afghanistan là quá mạo hiểm, bởi thực lực của 300.000 binh sĩ chính phủ ở nước này chưa được đảm bảo trước mối đe dọa đang tăng lên từ phiến quân Taliban. Ông Petraeus nói rằng Bộ trưởng Panetta đã “đánh giá quá mức” tình hình ổn định ở Afghanistan. Tuy nhiên, người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney ngày 2-2 đã ủng hộ quan điểm của Lầu Năm Góc, cho rằng việc Mỹ muốn đẩy nhanh tiến trình chuyển giao quyền kiểm soát an ninh cho chính quyền Kabul vào năm 2013 vẫn nằm trong kế hoạch của NATO tại hội nghị thượng đỉnh ở Lisbon (Bồ Đào Nha) diễn ra hồi tháng 11 năm ngoái.

Không riêng gì Mỹ, đồng minh cật ruột Anh ngày 2-2 cũng đã tuyên bố chấm dứt sứ mạng chiến đấu tại Afghanistan vào cuối năm 2013 và rút phân nửa trên tổng số 9.500 binh sĩ ra khỏi “vũng lầy” này. Động thái này khác với tuyên bố trước đây của Thủ tướng David Cameron, rằng Luân Đôn sẽ không nối gót Pháp triệt thoái toàn bộ lính chiến đấu ra khỏi chiến trường này vào cuối năm tới do tình hình an ninh hết sức phức tạp.

Thật ra, khi Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy thông báo kế hoạch trên hồi trung tuần tháng Giêng vừa qua đã khiến dư luận lúc ấy cho rằng đó là một quyết định gây bối rối cho Mỹ và các đồng minh NATO. Nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sau đó cho biết hành động của Paris đã có sự tham vấn và chia sẻ với NATO. Theo giới phân tích, một trong những lý do dẫn đến quyết định trên của ông Sarkozy đơn giản là để lấy lòng công chúng Pháp trước cuộc bầu cử tổng thống sắp diễn ra. Và trong vấn đề này, tờ Le Figaro cho rằng một bộ phận cử tri Mỹ cũng quan tâm đến cuộc chiến hao tiền tốn của tại Afghanistan. Vì vậy, ê-kíp của Tổng thống Barack Obama tin rằng nếu Nhà Trắng cứ dùng dằng cuộc chiến không hồi kết này thì không có ích lợi gì cho tương lai chính trị của phe cầm quyền.

Ngoài lý do chính trị, khó khăn tài chính cũng là một nguyên nhân quan trọng. Mỹ đã kêu gọi các đồng minh, kể cả những nước không thuộc NATO, hỗ trợ tài chính giúp Afghanistan tăng cường khả năng quản lý an ninh để đất nước này không quay trở lại thời quá khứ khắc nghiệt. Nhưng trong thời buổi gần như ai cũng “thắt lưng buộc bụng”, Mỹ đâu dễ tìm người tiếp sức cho cuộc tháo lui có tính toán ấy.

ĐỨC TRUNG (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết