03/08/2021 - 12:27

Thành phố đông dân nhất châu Phi trước nguy cơ bị xóa sổ 

Xe cộ và nhà cửa chìm trong nước, người đi làm bì bõm lội qua những vùng nước ngập tới đầu gối trong khi chủ nhà đứng nhìn tài sản bị mưa lũ cuốn trôi. Ðó là những gì xảy ra ở Lagos (Nigeria) trong mùa mưa năm nay và báo hiệu tương lai ảm đạm của thành phố đông nhất châu Phi này trong tương lai.

 Người dân Lagos bì bõm lội nước. Ảnh: CNN

 Người dân Lagos bì bõm lội nước. Ảnh: CNN

Thật ra, người dân Lagos từ lâu đã quen với những trận lũ lụt trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 11 hàng năm. Tuy nhiên, thành phố 24 triệu dân này hồi giữa tháng 7 đã phải trải qua một trong những trận lũ lụt tồi tệ nhất trong những năm gần đây. “Tình hình mưa lũ rất tồi tệ và bất thường. Tôi vừa lái xe ra khỏi nhà thì cơn mưa ào ào kéo đến. Càng đi xa, tôi thấy tuyến đường càng bị ngập sâu. Nước dâng cao đến mức tràn vào bên trong xe” - Eselebor Oseluonamhen, chủ một công ty truyền thông ở Lagos, nói với CNN.

Hình ảnh và video được đăng tải trên mạng xã hội cho thấy nhiều phương tiện giao thông bị ngập trong nước sau cơn mưa xối xả. Mưa lũ làm tê liệt hoạt động kinh tế của thành phố, gây tổn thất với ước tính lên tới 4 tỉ USD/năm.

Biến đổi khí hậu là thủ phạm?

Lagos, thành phố nằm ở vùng trũng bên bờ Ðại Tây Dương, được giới chuyên gia dự báo là nơi không thể ở được vào cuối thế kỷ này, bởi nước biển dâng cao do biến đổi khí hậu. Song, theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Phát triển Nigeria, vấn đề nằm ở chỗ Lagos có “hệ thống thoát nước yếu kém, không được bảo trì đầy đủ, trong khi quá trình phát triển đô thị không được kiểm soát”.

Lagos được hình thành một phần trên đất liền và gồm một chuỗi đảo. Thành phố này đang vật lộn với tình trạng đường bờ biển xói mòn, khiến thành phố dễ bị ngập lụt. Nhà môi trường Nigeria Seyifunmi Adebote cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là sự nóng lên của toàn cầu và “hành động do con người gây ra trong thời gian dài”, gồm hoạt động khai thác cát để xây dựng.

Trong những năm qua, lũ lụt ở các khu vực ven biển Nigeria đã khiến nhiều người thiệt mạng và nhiều người phải di chuyển chỗ ở. Dữ liệu của cơ quan quản lý khẩn cấp Nigeria (NEMA) cho thấy, hơn 2 triệu người bị lũ lụt ảnh hưởng trực tiếp hồi năm 2020, với ít nhất 69 người chết.

Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari bày tỏ sẵn sàng hợp tác với các đồng minh và đối tác toàn cầu để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. “Chúng tôi muốn hợp tác với Tổng thống Mỹ Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris. Chúng tôi rất hy vọng và lạc quan vào việc tăng cường các mối quan hệ thân ái hiện có để cùng nhau giải quyết vấn đề chủ nghĩa khủng bố toàn cầu, biến đổi khí hậu, nghèo đói, cải thiện quan hệ kinh tế và thương mại” - Tổng thống Buhari viết trên trang cá nhân Twitter. Ðược biết, ông Buhari mới đây đã phê duyệt chính sách quốc gia về biến đổi khí hậu nhằm giải quyết “hầu hết những thách thức do biến đổi khí hậu và tình trạng dễ bị tổn hại do khí hậu”.

Theo dự báo, mực nước biển toàn cầu sẽ tăng 2 mét vào cuối thế kỷ này, khiến Lagos, nơi nằm ở độ cao chưa đầy 2 mét so với mặt biển, lâm vào trong tình trạng bấp bênh. Nghiên cứu của tổ chức Climate Central (Mỹ) thì cho rằng không chỉ Lagos, các thành phố trũng ven biển khác ở một số nơi trên thế giới cũng có thể bị nhấn chìm vĩnh viễn vào năm 2100.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết