27/01/2011 - 19:57

Quan hệ đối ngoại của Việt Nam năm 2010

Thành công mới, động lực mới

Năm 2010 là năm mà các hoạt động đối ngoại của Việt Nam diễn ra hết sức sôi động và hiệu quả, ghi đậm dấu ấn Việt Nam, khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa của chúng ta. Những thành quả về đối ngoại mà chúng ta đạt được trong năm qua không chỉ nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, góp phần xây dựng môi trường ổn định, hợp tác ở khu vực và trên thế giới, mà còn khơi nguồn động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

* Dấu ấn Việt Nam

Năm 2010 là năm Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Đây được xem là năm có ý nghĩa bản lề đối với ASEAN, khởi đầu lộ trình 5 năm xây dựng Cộng đồng ASEAN và năm thứ hai triển khai Hiến chương ASEAN. Năm qua cũng đánh dấu 15 năm chúng ta tham gia ASEAN và kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc và Nga, 15 năm bình thường hóa quan hệ với Mỹ và 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với Liên minh châu Âu (EU). Hơn nữa, đây còn là năm cả nước tưng bừng các hoạt động chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội. Do đó, việc đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2010 vừa là vinh dự, vừa đặt ra những trọng trách cho Việt Nam.

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh tiếp Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon thăm Việt Nam tháng 10-2010. Ảnh: TTXVN 

Với chủ đề xuyên suốt: “Hướng tới cộng đồng ASEAN - Từ tầm nhìn đến hành động”, hàng loạt hội nghị cấp cao được tổ chức, mở ra một cục diện mới cả trong nội bộ ASEAN cũng như quan hệ giữa ASEAN với các đối tác, trong đó nổi bật là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, New Zealand và lần đầu tiên có mặt hai đối tác Mỹ và Nga. Sự hiện diện của Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon, các vị tổng thống và thủ tướng nhiều cường quốc tại hội nghị cũng như các chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc, các nguyên thủ và thủ tướng các nước là một trong những thành công lớn của công tác ngoại giao của nước ta trong năm 2010.

Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono nhận xét: “Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc cương vị Chủ tịch ASEAN 2010, đưa các nước thành viên đến gần hơn mục tiêu thành lập Cộng đồng ASEAN vào năm 2015”. Theo các nhà phân tích, con đường hướng tới Cộng đồng ASEAN đã tiến thêm một bước dài trên cả 3 trụ cột chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội. Lần đầu tiên trong lịch sử 40 năm của ASEAN, các bộ trưởng ngoại giao đi bằng đường bộ từ Thái Lan, qua Lào, tới Việt Nam để ủng hộ cho sáng kiến kết nối ASEAN. Và cũng lần đầu tiên bộ trưởng quốc phòng 10 nước ASEAN và 8 nước đối tác đã nhất trí giải quyết các tranh chấp bằng con đường đối thoại hòa bình. Tất cả các cơ chế hợp tác như ASEAN+1, ASEAN+3 hay Cấp cao Đông Á (EAS)... tiếp tục được tăng cường và phát huy hiệu quả, đặc biệt là sự mở rộng của EAS khi các nhà lãnh đạo ASEAN chính thức đưa ra lời mời Mỹ và Nga tham gia cơ chế hợp tác này từ năm nay.

Một dấu ấn khác của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN là tại các hội nghị cấp cao nhóm 20 nước phát triển và mới nổi (G-20) diễn ra năm qua, chúng ta không chỉ chia sẻ những ý kiến, quan điểm và kinh nghiệm của ASEAN, mà còn đưa ra nhiều sáng kiến được dư luận quốc tế đánh giá cao, đặc biệt là đề xuất xây dựng cơ chế hợp tác giữa ASEAN và G-20 để có thể áp dụng những giải pháp chính sách thích hợp, mang lại lợi ích chung cho nền kinh tế toàn cầu.

* Vị thế mới, tầm vóc mới

Báo The Nation của Thái Lan từng có bài viết cho rằng thành công trước hết mà Việt Nam có được qua việc tổ chức các hội nghị ASEAN 2010 là quảng bá rộng rãi hình ảnh của một cường quốc kinh tế mới nổi ở Đông Nam Á. Việt Nam một lần nữa đã chứng tỏ kinh nghiệm và năng lực trong việc tổ chức các sự kiện đối ngoại mang tầm khu vực và thế giới. Năm qua, Quốc hội Việt Nam cũng đã hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch Liên minh Nghị viện Đông Nam Á (AIPA). Chúng ta đã có nhiều sáng kiến được quốc hội các nước thành viên đồng tình, trong đó có chủ trương xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa ASEAN và AIPA nhằm chung tay thực hiện có hiệu quả Hiến chương ASEAN.

 Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tiếp Tổng thống Nga Medvedev thăm chính thức Việt Nam năm qua. Ảnh: TTXVN

Một năm trước đó, chúng ta cũng từng để lại dấu ấn đặc biệt trong lòng cộng đồng quốc tế khi đảm trách thành công vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, vốn phải xử lý một khối lượng công việc nặng nề và khó khăn hơn nhiều. Với tinh thần trách nhiệm cao, theo phương châm độc lập, tự chủ và khách quan, chúng ta chủ trương tăng cường đồng thuận, tôn trọng lợi ích chính đáng của tất cả các bên, kiên trì tìm kiếm những giải pháp thông qua đối thoại, thương lượng hòa bình. Và với phương châm đó, chúng ta đã điều hành tốt mọi công việc mà cộng đồng quốc tế tin tưởng giao phó. Điều đó lý giải vì sao tại kỳ họp lần thứ 123 Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) với sự tham dự của gần 1.000 đại biểu đến từ 164 quốc gia và các Hiệp hội Nghị sĩ khu vực thành viên diễn ra ở Genève (Thụy Sĩ) hồi tháng 10 năm qua, chúng ta vinh dự được bầu làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng IPU, cho thấy tầm vóc, bản lĩnh, uy tín và vị thế ngày càng quan trọng của Việt Nam trên trường quốc tế.

* Động lực cho phát triển kinh tế xã hội

Qua các sự kiện ngoại giao cũng như các hoạt động ngoại giao trong năm 2010, quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam với các nước trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là với các nước láng giềng truyền thống Lào, Campuchia và Trung Quốc ngày càng thắt chặt và nâng cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-thương mại đa phương và song phương lên tầm cao mới.

Mối quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện và đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Nga trong 60 năm qua cũng không ngừng được củng cố, phát triển năng động và ngày càng đi vào chiều sâu. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Tổng thống Nga D. Medvedev trong cuộc gặp năm qua đã nhất trí cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý hợp tác song phương; nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác kinh tế - thương mại, đầu tư, nhất là hợp tác năng lượng, đặc biệt là dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân trên lãnh thổ Việt Nam.

 Chung tay xây dựng ASEAN vững mạnh, phồn vinh. Ảnh: Philtimes

Quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam cũng được nâng lên tầm cao mới. Trong cuộc gặp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bên lề Hội nghị ASEAN, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton khẳng định cam kết nâng mối quan hệ hợp tác với Việt Nam, trong đó tăng cường hợp tác giữa hai quốc gia trên lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, y tế, ứng phó biến đổi khí hậu, giáo dục đào tạo... Trong khi đó, 20 năm qua đặc biệt là kể từ khi ký kết Hiệp định khung về hợp tác giữa hai bên cách nay 15 năm, quan hệ Việt Nam - EU đã phát triển nhanh chóng và vững chắc. Gần đây, quan hệ Việt Nam - EU đã được nâng lên tầm “Đối tác chiến lược”, thể hiện chiều hướng phát triển ngày càng sâu rộng trong quan hệ Việt Nam - EU nói chung và giữa Việt Nam và các nước thành viên EU nói riêng.

Chúng ta đã kết hợp chặt chẽ giữa chính trị đối ngoại với kinh tế đối ngoại, tăng cường nội dung kinh tế trong các chuyến thăm nước ngoài của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ, góp phần duy trì đà tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và viện trợ phát triển. Ngoài ra, chúng ta cũng tích cực tham gia nhiều diễn đàn đa phương quan trọng khác như Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos (Thụy Sĩ), Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Hợp tác tiểu vùng sông Mê Công... Nhiều hội nghị quốc tế do chúng ta đăng cai tổ chức như Hội nghị Lúa gạo quốc tế, Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á... cũng đã thu hút sự tham dự của nhiều nước, nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đến Việt Nam trao đổi kinh nghiệm, đề xuất giải pháp phát triển.

“Ngoại giao văn hóa 2010” cũng đã ghi đậm dấu ấn Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, các hoạt động giao lưu giữa các nước diễn ra liên tục và hết sức sôi động trong năm chúng ta làm Chủ tịch ASEAN, cùng với Lễ hội Việt Nam tại nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Đức, CH Czech... Đặc biệt, khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa thế giới. UNESCO cũng đã chính thức công nhận 82 bia tiến sĩ ở Văn Miếu Quốc Tử Giám là di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới và Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Bên cạnh đó, công tác người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, bảo đảm quyền lợi chính đáng của kiều bào, tạo lòng tin của kiều bào đối với Đảng và Nhà nước, cùng góp phần tham gia công cuộc xây dựng đất nước giàu mạnh.

* * *

Có thể nói, thắng lợi của công tác đối ngoại năm 2010 là thắng lợi của tinh thần chủ động, tích cực triển khai các hoạt động đối ngoại đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm trọng điểm của Chính phủ dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự chung sức chung lòng của các tầng lớp nhân dân. Đó còn là sự phối hợp nhịp nhàng giữa các kênh công tác đối ngoại Đảng, Nhà nước và đối ngoại nhân dân, tạo nên động lực mới cho mục tiêu ổn định chính trị, phát triển kinh tế, đưa đất nước ta vững bước đi lên trong xu thế hội nhập quốc tế.

THẢO VY (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết