Cho đến khi tốt nghiệp trung học, Sonia Camilise chưa bao giờ thắc mắc về quốc tịch của mình. Cô sinh trưởng ở Cộng hòa Dominica, nói tiếng Tây Ban Nha và nhảy điệu merengue truyền thống. Nhưng cách đây 2 năm, khi đi xin bản sao giấy khai sinh loại giấy tờ cần thiết trong hồ sơ xin học đại học, Camilise mới phát hiện mình là người “không có tư cách công dân” theo cách gọi của các nhà hoạt động nhân quyền và các tổ chức quốc tế.
|
Thiếu quyền công dân, nhiều người lâm cảnh bần cùng, khốn khổ. Ảnh: UNHCR |
Tại CH Dominica, công dân cần có bản sao giấy khai sinh trong mọi việc, từ đăng ký vào đại học đến xin thị thực và làm giấy kết hôn. Tuy nhiên, Camilise bị chính phủ tước quyền công dân theo chính sách mới mà giới chức Dominica cho là cần thiết để chống nạn nhập cư bất hợp pháp. Các cán bộ hộ tịch cho biết cô không phải người Dominica, mà là người Haiti. Lý do là Camilise không có giấy tờ chứng minh cha mình, một người nhập cư đến từ Haiti, cư trú hợp pháp ở Dominica lúc cô chào đời. Tin này làm Camilise choáng váng. Và thật trớ trêu, Haiti cũng không nhận Camilise là công dân của mình bởi cô chưa bao giờ thuộc về đất nước này. Cô đăng ký khai sinh và chứng minh thư ở Dominica, không nói tiếng Creole và Pháp, hai ngôn ngữ chính của Haiti. Vì không có quyền công dân nên Camilise không thể học đại học hoặc tìm một công việc hợp pháp, cũng như không thể làm hộ chiếu để xuất ngoại.
Camilise không phải là người duy nhất rơi vào tình thế khó khăn này. LHQ ước tính, trên thế giới có gần 12 triệu người có hoàn cảnh tương tự. Họ hiện diện ở khắp mọi nơi, từ châu Âu đến Đông Nam Á, vùng Carribe và cả ở Mỹ. Theo thống kê của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), hơn 100.000 người dân tộc Nubian ở Kenya không được công nhận tư cách công dân bởi tổ tiên của họ là những người sinh trưởng ở Sudan và được các chủ nô người Anh đưa đến đây hồi đầu thế kỷ 20. Tại Koweit, 120.000 người hiện không được công nhận là công dân, trong khi ở Syrie, gần 300.000 người Kurd không có quốc tịch. Ở Mỹ, ít nhất 4.000 công dân vô thừa nhận là dân tị nạn. Các tổ chức bảo vệ nhân quyền cảnh báo tình trạng này có thể dẫn đến những tác động tiêu cực như: nghèo đói, xung đột, thất học, chăm sóc y tế yếu kém và nhiều vấn đề liên quan đến nhân quyền. Theo họ, nếu nhà nước là công cụ bảo vệ và bảo đảm quyền lợi công dân, thì những người không có quốc tịch là đối tượng dễ bị tổn thương nhiều nhất. Trường hợp của Altagracia José, người sinh trưởng tại CH Dominica nhưng không có quốc tịch ở nước này, là một ví dụ. Bà cho biết con gái của mình đã phải nghỉ học vì không có giấy tờ chứng minh nhân thân, và cô bé đang mang thai, ở tuổi vị thành niên. Theo Altagracia, nếu không được đến trường, con gái có thể sa ngã vào chốn bùn nhơ, còn con trai thì không có tương lai, dễ trở thành kẻ phạm pháp.
Hiện nay, tình trạng không được công nhận quyền công dân cùng với nhiều vấn đề nhức nhối khác như khả năng tiếp cận nước sạch, quyền tị nạn, và giáo dục là ưu tiên hàng đầu trong các chương trình nghị sự nhân đạo toàn cầu của LHQ, các chính phủ và các nhóm ủng hộ. Đầu năm nay, Cao ủy Tị nạn LHQ (UNHCR) thông báo họ đang nỗ lực gấp đôi để chống lại vấn nạn được cho là không chỉ tác động đến các cá nhân mà đến toàn xã hội, bởi nó có thể gây căng thẳng trong xã hội và làm suy yếu đáng kể những nỗ lực thúc đẩy viện trợ kinh tế và phát triển xã hội. Lập bản đồ về số lượng, nơi cư trú, lý do dẫn đến tình trạng không có quốc tịch và lịch sử gia đình của những công dân vô thừa nhận là công tác chủ yếu trong những chiến lược mới của UNHCR. “Tin tốt lành là tình trạng không được công nhận quyền công dân là một vấn đề có thể chấm dứt”, Maureen Lynch, thành viên một tổ chức quốc tế về người tị nạn, nhận định.
Một số nước trên thế giới cũng đã và đang xúc tiến nhiều biện pháp nhằm giảm bớt số lượng công dân vô thừa nhận. Nepal gần đây đã trao giấy tờ chứng minh nguồn gốc cho hàng trăm nghìn người, trong số hàng triệu người không thể xác nhận quốc tịch vì luật cư trú mới của nước này yêu cầu đương sự phải chứng minh mình là người “gốc Nepal”. Bangladesh cũng đã bắt đầu tiếp nhận một số người Bihari những người bị Pakistan và Bangadesh chối bỏ đã nhiều năm, làm công dân nước mình. Tháng 5 vừa qua, Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ cũng đã thảo luận một dự luật nhằm tìm ra cơ chế mới giúp 4.000 người chưa có quốc tịch được cấp thẻ xanh.
THANH TRÚC (Theo CS Monitor)