17/01/2008 - 09:03

Tham vọng của nước Pháp dưới thời ông Sarkozy 

Tổng thống Pháp Sarkozy (trái) và người đồng nhiệm UEA Zayed Al Nahyan. Ảnh: Reuters

Tổng thống Pháp Sarkozy (trái) và người đồng nhiệm UEA Zayed Al Nahyan. Ảnh: Reuters 

Kết quả quan trọng nhất trong chuyến thăm 3 nước vùng Vịnh vừa kết thúc của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy có lẽ là thỏa thuận thiết lập một căn cứ quân sự tại Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE). Thông cáo báo chí của Điện Elysée cho biết, theo thỏa thuận, Pháp sẽ đặt một căn cứ với khoảng 400-500 binh sĩ thường trực tại Abu Dhabi. Đây là căn cứ quân sự đầu tiên của Pháp trên vùng Vịnh và đặc biệt nó sẽ nằm đối diện với Vịnh Ormuz, nơi trung chuyển khoảng 40% lượng dầu thương mại của thế giới.

Phó đô đốc Pháp Jacques Mazars, người phụ trách đàm phán thỏa thuận trên, xác nhận căn cứ quân sự mới sẽ được triển khai xây dựng trước cuối năm 2008 và đưa vào hoạt động trong năm tới. Các lực lượng hải, lục, không quân của Pháp hiện nay gần như lúc nào cũng có mặt hoặc lui tới vùng biển UAE nên có một căn cứ ở đây là điều rất cần thiết, nhất là trong bối cảnh vùng Vịnh đang đứng trước nguy cơ bất ổn. Căn cứ quân sự của Pháp gần khu vực này nhất là tại Djibouti thuộc Vịnh Aden với khoảng 2.800 binh sĩ. Các nhà quan sát cho rằng việc Pháp thiết lập căn cứ quân sự lâu dài ở vùng Vịnh là nhằm khôi phục ảnh hưởng của mình tại khu vực giàu dầu mỏ này. Hiện nay, Mỹ và Anh là hai cường quốc phương Tây vẫn còn duy trì bộ máy quân sự tại vùng Vịnh.

Ngoài lĩnh vực quân sự, Pháp còn ký với UAE thỏa thuận hợp tác phát triển hạt nhân dân sự phục vụ sản xuất năng lượng, xử lý nước biển và những ứng dụng khác trong nông nghiệp, sinh học, y học và công nghiệp. UAE là quốc gia A-rập thứ 3, sau Algérie và Libye, nhận được sự “chia sẻ” công nghệ này của Pháp, nước dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực thiết kế- xây dựng lò phản ứng cũng như cung cấp nhiên liệu và xử lý chất thải hạt nhân. Ông Sarkozy tuyên bố Pháp sẵn sàng giúp tất cả các nước A-rập phát triển hạt nhân dân sự với sự giám sát của cộng đồng quốc tế. Giới phân tích gọi đây là chiến lược “ngoại giao hạt nhân” của Paris nhằm lôi kéo các nước thế giới Hồi giáo về phía mình.

Tổng thống “phá cách” của nước Pháp rõ ràng dù đang bị chỉ trích mạnh mẽ trong nước (chủ yếu là vấn đề tình cảm cá nhân) nhưng vẫn thể hiện được sự năng động trong bang giao quốc tế. Việc Pháp vừa vượt qua Anh trở thành cường quốc kinh tế lớn thứ năm thế giới (sau Mỹ, Nhật, Đức, Trung Quốc) cũng góp phần giúp ông Sarkozy tự tin hơn trong việc thực hiện tham vọng lấy lại vị thế của nước Pháp trên trường quốc tế.

PHÚC NGUYÊN (Theo AFP, Le Figaro, Press TV, FT)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
ông Sarkozy