06/12/2007 - 21:09

Tận cùng nỗi đau!

Cơn bão Sidr tàn phá Bangladesh hồi tuần trước đã làm gần 3.500 người chết, 1.000 người mất tích và hơn 28.000 người bị thương, các nhân viên cứu trợ đã nỗ lực đưa lương thực, thuốc men và nhu yếu phẩm khác đến tay những người sống sót. Mặc dù vậy hiện vẫn còn hàng chục ngàn người sống trong cảnh “màn trời chiếu đất” đang chờ cứu đói. Chính phủ Bangladesh mở chiến dịch cứu trợ quy mô lớn với sự tham gia của các lực lượng vũ trang và dân sự nhằm đảm bảo không có thêm người nào thiệt mạng sau thảm họa khủng khiếp này.

Với sức gió 250 km/giờ và những đợt sóng biển dâng cao đến 5 m, bão Sidr đã phá hủy trên diện rộng vùng duyên hải miền Nam Bangladesh. Hơn 4 triệu người bị ảnh hưởng với 458.804 căn nhà bị phá hủy hoàn toàn và 665.529 căn bị hư hại nặng. Năm 1991, quốc gia 140 triệu dân này cũng từng hứng chịu trận bão dữ làm chết 143.000 người. Những đợt thiên tai liên tiếp đã khiến cho người dân đất nước Nam Á vốn đã nghèo khó càng thêm vất vả bội phần.

 

Vượt qua những đống hoang tàn, các nhân viên cứu trợ đã đến được tất cả các nơi bị ảnh hưởng của bão. Họ đổ xô đi tìm xác người và động vật trôi nổi trên sông và những cánh đồng lúa giờ đã không còn gì. Đến nay, chính phủ Bangladesh đã nhận được cam kết viện trợ khẩn cấp 390 triệu USD của cộng đồng quốc tế dành cho các nạn nhân. Quốc vương Arabie Séoudite hứa hỗ trợ cá nhân 100 triệu USD. Liên minh châu Âu (EU) thông báo viện trợ 9,6 triệu USD. Mỹ cũng đã gởi 2 máy bay C-130 chở hàng viện trợ, cùng với 2 tàu hải quân tới Bangladesh. Nhiều nước khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, Anh, Đức, Thụy Sĩ ... cũng đã chuyển hàng cứu trợ đến Bangladesh. Các lực lượng vũ trang Bangladesh vẫn đang sát cánh cùng các cơ quan viện trợ để vận chuyển hàng hóa bằng đường không, đường bộ và đường thủy đến những vùng xa xôi nhất.

Thế nhưng, lực lượng cứu trợ ở những nơi bị ảnh hưởng cho biết việc cung cấp nhu yếu phẩm vẫn còn quá ít so với nhu cầu khi có tới hàng chục ngàn người bị mất nhà cửa. Juddistir Chandar Das, 45 tuổi, người bị mất nhà do bão cho biết cả gia đình 5 nhân khẩu của ông hầu như không ăn gì kể từ khi cơn bão ập đến. Theo các nhân viên trung tâm cứu trợ dã chiến được dựng lên ở Purba Saralia, có 1.200 người đăng ký nhận gạo từ trại này nhưng số lượng gạo chính phủ cấp không thấm vào đâu so với gần 2.000 người kéo đến. Nước sạch cũng trở thành vấn đề nghiêm trọng trước nguy cơ dịch bệnh lan truyền vì rất nhiều giếng nước đã bị hư hại nặng. Theo báo Daily Star (Bangladesh) đã có nhiều trẻ em thiệt mạng vì bệnh tiêu chảy nhưng không có thuốc điều trị kịp. Louis-Goerges Arsenault, một quan chức Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) nói: “Lương thực, quần áo và chỗ ở là yêu cầu cấp thiết đối với những người sống sót khi họ đang nỗ lực gầy dựng lại cuộc sống mới”. Theo bà Heather Blackwell, người đứng đầu chương trình viện trợ của Oxfam (Anh) tại Bangladesh, do thiệt hại quá lớn, người dân phải mất vài tháng mới có thể trở lại cuộc sống bình thường. Sẽ rất khó khăn với họ khi mà nhà cửa, mùa màng, gia súc... đều đã bị nước cuốn trôi.

N.MINH
(Theo AP, THX, Reuters)

N.MINH (Theo AP, THX, Reuters)

Chia sẻ bài viết