05/04/2025 - 08:36

Tác động lớn từ “cơn bão” thuế quan của Mỹ 

Mỹ đã dẫn dắt trật tự kinh tế trong 80 năm dựa trên thương mại và lòng tin, biến nước này thành siêu cường tài chính của thế giới. Tuy nhiên, tầm nhìn về lợi ích chung giờ đây trở nên mờ nhạt, đặc biệt khi “đòn thuế quan” của Nhà Trắng đẩy các nước tiến gần cuộc chiến thương mại cũng như những dự báo gần như chắc chắn về suy thoái và lạm phát.

Nhiều nước Ðông Nam Á bị ảnh hưởng nặng nề bởi thuế quan của Mỹ đang chuẩn bị đàm phán với Tổng thống Trump. Ảnh: Euronews

Thị trường tài chính chao đảo

Quyết định áp thuế đối ứng của Tổng thống Donald Trump đã làm rung chuyển thị trường tài chính Mỹ và toàn cầu. Thị trường chứng khoán châu Á tiếp tục giảm điểm ngày 4-4, kéo dài đà giảm toàn cầu trong bối cảnh mức thuế “có qua có lại” khắc nghiệt hơn dự đoán được Tổng thống Trump công bố hôm 2-4. Hoạt động bán tháo quét khắp các châu lục sau khi khu tài chính Phố Wall trải qua ngày tồi tệ nhất kể từ đại dịch COVID-19 bùng phát với hầu hết mã cổ phiếu chủ chốt lao dốc.

Ước tính, khoảng 2.500 tỉ USD đã bị xóa sổ khỏi Phố Wall và các trung tâm tài chính khác trên toàn cầu. Trong đó, mức giảm giá cổ phiếu nhiều nhất rơi vào những công ty đa quốc gia lớn có chuỗi cung ứng quốc tế phức tạp trải dài sang các nước mà ông Trump đang nhắm tới với hàng tỉ USD thuế biên giới mới. Chẳng hạn như Apple, hãng tin Bloomberg cho biết giá trị thị trường công ty niêm yết lớn nhất thế giới đã giảm 311 tỉ USD trong khi vốn hóa thị trường của Amazon giảm 186 tỉ USD và Meta giảm 132 tỉ USD.

Theo dữ liệu của Trade Partnership Worldwide, “bức tường thuế quan” mà Tổng thống Trump đang dựng lên quanh nước Mỹ ước tính lên tới gần 1.000 tỉ USD. Câu hỏi bây giờ là phần còn lại của thế giới phản ứng thế nào khi lãnh đạo nhiều nước đe dọa sẽ leo thang chiến tranh thương mại với Mỹ. Ðối với châu Âu, giới quan sát cho biết xu thế “hướng nội” của nền kinh tế số một thế giới có thể buộc những nền kinh tế còn lại hội nhập thương mại chặt chẽ hơn. Trong khi đó ở châu Á, mức thuế đối ứng cao nhắm vào nhiều nước khu vực thực sự gây lo ngại khi gia tăng nguy cơ phá vỡ mô hình kinh doanh của hàng ngàn công ty, nhà máy và có thể là toàn bộ các quốc gia. Nhiều chuỗi cung ứng lớn ở một số nước đồng minh Mỹ cũng đứng trước khả năng đình trệ, làm suy yếu nỗ lực của Washington trong chiến lược kiềm chế Trung Quốc.

Tỷ giá đồng USD cũng ghi nhận mức giảm mạnh. Cụ thể, tỷ giá đồng USD đã giảm tới 2,6% so với đồng euro, xuống còn 1 euro đổi được 1,1043 USD - mức giảm trong ngày lớn nhất trong 10 năm qua. Giá vàng cũng lập mốc đỉnh mới 3.167,84 USD/ounce trước khi giảm nhẹ.  Nhà phân tích Fawad Razaqzada của City Index và FOREX.com cho biết sự sụt giảm đồng thời của cả cổ phiếu và đồng USD phản ánh sự sụt giảm niềm tin của nhà đầu tư vào chính sách thương mại của chính quyền Trump.

Chờ những cuộc đàm phán tiếp diễn

Ngân hàng JPMorgan cho biết mức thuế quan mới của chính quyền Tổng thống Trump đã khiến tổng thuế suất tích lũy của Mỹ tăng lên khoảng 22%, đánh dấu đợt tăng thuế lớn nhất của nước này kể từ năm 1968. Trước những diễn biến này, JPMorgan đã nâng ước tính nguy cơ suy thoái toàn cầu từ 40% lên 60%, do lo ngại các biện pháp trả đũa từ các đối tác thương mại, sự gián đoạn chuỗi cung ứng và tâm lý bất ổn trên thị trường. Ngân hàng này cũng nhận định trong dài hạn, chính sách bảo hộ thương mại kết hợp với sự suy giảm dòng người nhập cư có thể khiến chi phí sản xuất tăng cao và kìm hãm tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ.

Với mức thuế mới áp lên hàng loạt quốc gia, chi phí cho một gia đình trung bình ở Mỹ có thể bị đội lên hàng ngàn USD khi người tiêu dùng trong nước được dự báo về đợt tăng giá đối với mọi thứ, từ vật dụng hàng ngày như giày chạy bộ đến đồ điện tử như điện thoại iPhone của Apple. Theo dự đoán của Rosenblatt Securities, một chiếc iPhone cao cấp ở Mỹ có thể chạm ngưỡng 2.300 USD nếu Apple chuyển chi phí lên khách hàng. Các thương hiệu trong nước cũng đứng trước nguy cơ bị chia tách ở thị trường nước ngoài, đặc biệt vị thế độc quyền cung cấp dịch vụ truyền thông xã hội của các ông lớn công nghệ.

Trừ khi các mức thuế được đàm phán giảm xuống, đánh giá chung của các nhà kinh tế Mỹ cho rằng lạm phát cốt lõi năm nay khả năng leo thang trên 3% và tăng trưởng kinh tế có thể đi ngang hoặc âm khi tỷ lệ thất nghiệp tăng. Theo giới quan sát, bất kỳ “sự phục hưng” sản xuất nào ở Mỹ chắc chắn diễn ra chậm hơn rất nhiều so với một cuộc khủng hoảng sản xuất nghiêm trọng ở trước mắt. Ðiều này gây ra rủi ro đáng kể đối với triển vọng toàn cầu trong thời điểm tăng trưởng trì trệ, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cảnh báo.

Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala ngày 3-4 cho rằng kế hoạch thuế quan mới được Mỹ công bố có thể khiến tổng khối lượng thương mại hàng hóa toàn cầu giảm khoảng 1% trong năm nay. Trong bối cảnh này, bà Georgieva kêu gọi Mỹ cùng các đối tác thương mại hợp tác để tránh có thêm những bước đi gây tổn hại cho kinh tế thế giới, từ đó giải quyết căng thẳng thương mại và giảm bớt bất ổn.

Phát biểu trước các phóng viên ngày 3-4, Tổng thống Trump ngược lại phủ nhận việc thị trường hỗn loạn là một vấn đề và tin tưởng nước Mỹ sẽ bùng nổ trở lại. Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick cùng Cố vấn thương mại hàng đầu của Nhà Trắng Peter Navarro cũng khẳng định việc áp thuế quan mới là “hành động khẩn cấp quốc gia” và đó không phải công cụ để đàm phán. Phó Tổng thống Mỹ JD Vance thì coi đây là vấn đề an ninh quốc gia trong lĩnh vực sản xuất.

Tuy nhiên, nhiều người vẫn đặt hy vọng vào khả năng Nhà Trắng sẽ đạt thỏa thuận với các đối tác thương mại dù viễn cảnh này chắc chắn không sớm diễn ra. Theo thông tin từ hãng Reuters, Tổng thống Trump cho biết ông sẽ sẵn sàng đàm phán thuế quan với các nước khác nếu họ đưa ra điều gì đó “phi thường”.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam:

Mức thuế đối ứng của Hoa Kỳ chưa phù hợp với thực tế hợp tác giữa hai nước

Ngày 4-4, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Hoa Kỳ công bố quyết định áp mức thuế đối ứng lên các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nêu rõ:

“Việt Nam lấy làm tiếc trước việc Hoa Kỳ công bố quyết định áp mức thuế đối ứng lên các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ.

Chúng tôi cho rằng quyết định trên chưa phù hợp với thực tế hợp tác kinh tế - thương mại cùng có lợi giữa hai nước, không phản ánh đúng tinh thần quan hệ Ðối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển, tác động tiêu cực đến quan hệ kinh tế - thương mại song phương và lợi ích của người dân, doanh nghiệp hai nước nếu được áp dụng.

Thời gian qua, Việt Nam đã tích cực trao đổi, thảo luận các biện pháp cụ thể với Hoa Kỳ nhằm tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại song phương, hướng đến thương mại công bằng, bền vững và hài hòa lợi ích của cả hai bên.

Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp và trao đổi với phía Hoa Kỳ trên tinh thần xây dựng và hợp tác để tìm ra các giải pháp thiết thực, góp phần đưa quan hệ kinh tế song phương phát triển ổn định, bền vững, đáp ứng lợi ích của người dân và doanh nghiệp hai nước”.

MAI QUYÊN (Theo Guardian, Financial Times)

 

Chia sẻ bài viết