14/02/2011 - 08:37

Tác động dây chuyền

Va chạm giữa cảnh sát và người biểu tình ở Algérie ngày 12-2. Ảnh: AP

Tình hình ở Algérie ngày càng diễn biến phức tạp. Hãng tin Mỹ AP hôm qua cho biết, hàng ngàn người Algérie đã bất chấp lệnh cấm của chính phủ và sự ngăn cản của lực lượng cảnh sát chống bạo động (lên tới 26.000 người) để tổ chức cuộc biểu tình quy mô lớn ở trung tâm Thủ đô Algiers đòi “cải cách dân chủ”. Cuộc biểu tình diễn ra chỉ một ngày sau cuộc xuống đường rầm rộ lật đổ Tổng thống Hosni Mubarak ở Ai Cập.

Những người biểu tình hô vang khẩu hiệu “Không với tình trạng thiết quân lực” và giơ cao biểu ngữ ghi rõ “Hãy trả Algérie lại cho chúng tôi”. Nhiều nguồn tin cho biết đụng độ đã xảy ra giữa cảnh sát chống bạo động và người biểu tình quá khích, ít nhất 400 người biểu tình bị bắt giữ. Phe đối lập ở Algérie cho rằng việc những người biểu tình bất chấp lệnh cấm tồn tại bấy lâu nay của chính phủ để tiến hành cuộc biểu tình công khai huy động khoảng 10.000 người tham gia đã “đánh dấu một bước ngoặc mới ở Algérie”. “Cuộc biểu tình này là một thành công bởi vì 10 năm qua người dân không được tụ tập chống chính phủ ở Algiers do một rào cản về tâm lý”, Ali Rachedi, nguyên lãnh đạo Phong trào Các Lực lượng Xã hội ở Algérie nói. Rachedi quả quyết: “Nay nỗi lo sợ ấy không còn nữa”.

Cuộc biểu tình diễn ra theo lời kêu gọi của phong trào Phối hợp quốc gia vì sự Thay đổi và Dân chủ (NCCD). NCCD được thành lập với nòng cốt là các đảng đối lập và các tổ chức dân sự tự phát sau cuộc biểu tình ngày 21-1 vừa qua của đảng Tập hợp vì Văn hóa và Dân chủ (RCD). Tại một số địa phương khác, như Oran (phía Tây Algérie), Boumerdes, Béjaia và Tizi Ouzou (Đông Algérie), NCCD cũng kêu gọi người dân hưởng ứng khiến lực lượng bảo vệ an ninh của chính phủ luôn trong tình trạng báo động. Những nhà tổ chức cuộc biểu tình lên tiếng chống tình trạng thất nghiệp, giá cả lương thực tăng cao và tình trạng tham nhũng tràn lan - những vấn đề tương tự làm bùng phát những cuộc nổi dậy dẫn tới sự ra đi của người đứng đầu chính phủ ở Ai Cập và Tunisie, hai quốc gia láng giềng vùng Bắc Phi của Algérie. Họ kêu gọi tiến hành cuộc cải cách dân chủ chớ không đòi Tổng thống Abdelaziz Bouteflika, năm nay 73 tuổi và cầm quyền ở Algérie 12 năm qua, từ chức ngay lập tức, dù vài người biểu tình kêu gào “Bouteflika phải ra đi”.

Các nhà phân tích cho rằng tình trạng bất ổn lan rộng và kéo dài thời gian qua ở Algérie có thể tác động tiêu cực tới nền kinh tế toàn cầu vì đây là quốc gia xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, họ nhận định một cuộc nổi dậy kiểu Ai Cập sẽ khó xảy ra ở Algérie vì chính quyền có thể dùng sự giàu có về nhiên liệu để giải quyết phần lớn những bất bình. Các quốc gia A-rập khác hiện cũng cảm nhận được những ảnh hưởng từ cuộc nổi dậy ở Ai Cập và Tunisie. Quốc vương Jordanie Abdullah đã thay Thủ tướng sau các cuộc biểu tình; và tại Yemen, Tổng thống Ali Abdullah Saleh cam kết với phe đối lập về việc không tái tranh cử. Zaki Bin Irsheid, Tổng thư ký Mặt trận Hành động Hồi giáo ở Jordanie nói: “Nhiều người đang so sánh cuộc cách mạng Pháp với cuộc cách mạng ở Tunisie. Nó đã thay đổi châu Âu thì sẽ có thể thay đổi Trung Đông”.

NHẬT QUANG
(Theo Telegraph, AP và Guardian)

Chia sẻ bài viết