ÐỨC TRUNG (Tổng hợp)
Tác chiến điện tử được xem là yếu tố then chốt của các cuộc xung đột hiện đại và bằng chứng rõ ràng là những gì đang diễn ra trên chiến trường Ukraine.

Iran đang triển khai hệ thống tác chiến điện tử trên Vịnh Persic và Eo biển Hormuz nhằm vào Mỹ. Ảnh: IPA
Tác chiến điện tử là một tập hợp các biện pháp nhằm chống lại tín hiệu vô tuyến của đối phương, bao gồm gây nhiễu, chặn và bóp méo tín hiệu. Nhiệm vụ chính của tác chiến điện tử bao gồm vô hiệu hóa hệ thống liên lạc, hệ thống dẫn đường và điều khiển của đối phương, khiến khả năng chiến đấu của đối phương bị giảm đáng kể.
Bước tiến của Nga
Chiến tranh hiện đại đang trải qua một sự chuyển đổi sâu sắc. Trong khi chiến đấu truyền thống vẫn dựa vào tên lửa, xe tăng và máy bay không người lái (UAV), một chiến trường yên tĩnh hơn, nguy hiểm hơn đang nổi lên, đó là các hệ thống vũ khí có thể vô hiệu hóa lực lượng của kẻ thù mà không cần một vụ nổ nào. Trong số các vũ khí chính của hình thức chiến đấu này là xung điện từ (EMP) và vi sóng công suất cao (HPM), cả hai đều có thể phá vỡ hoặc thậm chí làm hỏng vĩnh viễn thiết bị điện tử. Nhưng các hệ thống tác chiến điện tử nhận thức (CEW) đang đi đầu trong sự thay đổi này. Chúng sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để gây nhiễu tín hiệu, phá vỡ radar và thậm chí đánh bật UAV khỏi bầu trời. Các nhà hoạch định quân sự trên khắp thế giới nhận ra tiềm năng phòng thủ của CEW và đang chuẩn bị sử dụng nó.
AI có thể phân tích lượng lớn dữ liệu đến từ nhiều cảm biến và hệ thống giám sát khác nhau, đồng thời đưa ra quyết định về việc gây nhiễu và triệt tiêu tín hiệu vô tuyến trong thời gian thực. Ðiều này làm tăng đáng kể hiệu quả và tốc độ phản ứng với các mối đe dọa. Ngoài ra, sự phát triển của vật liệu và công nghệ mới cũng giúp tạo ra các hệ thống tác chiến điện tử tầm xa và mạnh mẽ hơn, có khả năng vô hiệu hóa hoạt động của hệ thống giám sát và kiểm soát của đối phương ở khoảng cách xa.
Phát triển các hệ thống tác chiến điện tử là ưu tiên hàng đầu của Nga trước các hệ thống giám sát và tình báo công nghệ cao của đối thủ như UAV và vệ tinh. Trong cuộc chiến tại Ukraine, Nga đã sử dụng 2 hệ thống tác chiến điện tử then chốt là Tobol và Kalinka. Hệ thống Tobol, ban đầu được thiết kế nhằm chống gây nhiễu vệ tinh của Nga, đã được phát triển với mục đích phá vỡ hệ thống liên lạc vệ tinh và hệ thống định vị như GPS của Mỹ. Và Tobol trên thực tế đã phát huy hiệu quả trong việc phá vỡ hệ thống vệ tinh Starlink của Mỹ trên chiến trường Ukraine. Sau Tobol, Nga phát triển hệ thống mới Kalinka có khả năng phát hiện các thiết bị đầu cuối được kết nối với Starshield, phiên bản quân sự của Starlink được thiết kế với các tính năng bảo mật nâng cao. Vì thế, hệ thống Kalinka được mệnh danh là "sát thủ Starlink".
Nguy cơ tính toán sai lầm
Một báo cáo mới đây của tổ chức "The Secure World Foundation" (SWF) cho biết đã có nhiều nước triển khai hệ thống tác chiến điện tử như Trung Quốc, Mỹ, Ấn Ðộ, Úc, Pháp, Iran, Israel, Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên và Anh.
Ðáng chú nhất hiện nay là Iran khi nước này đang phát động chiến dịch tác chiến điện tử phối hợp trên khắp Vịnh Persic và Eo biển Hormuz nhắm vào máy bay quân sự và hoạt động hàng hải của Mỹ. Ðây không phải là lần đầu tiên Iran sử dụng phương tiện tác chiến điện tử để thách thức ưu thế trên không của Mỹ tại khu vực. Năm 2011, Tehran tuyên bố đã thao túng tín hiệu để bắt giữ một UAV tàng hình RQ-170 Sentinel của Mỹ.
Gần đây hơn, các tàu và UAV của Hải quân Mỹ đã gặp phải sự can thiệp GPS không liên tục trong các hoạt động tự do hàng hải gần các vùng biển do Iran kiểm soát. Ðộng thái này báo hiệu sự sẵn sàng của Tehran trong việc đối đầu với các lực lượng Mỹ không chỉ thông qua các cuộc giao tranh ủy nhiệm mà còn thông qua đối đầu công nghệ trực tiếp tại một trong những khu vực quan trọng nhất về mặt chiến lược của thế giới. Theo các quan chức tình báo và quốc phòng Mỹ, Tehran đã kích hoạt các hệ thống gây nhiễu trên mặt đất có khả năng can thiệp vào định vị vệ tinh và phá vỡ liên kết truyền thông giữa các nền tảng trên không và trung tâm chỉ huy. Hoạt động này đã tác động đến máy bay giám sát của Không quân Mỹ, bao gồm máy bay tình báo tín hiệu RC-135 Rivet Joint, nền tảng giám sát mặt đất E-8C Joint STARS và UAV MQ-9 Reaper, tất cả đều phụ thuộc rất nhiều vào tín hiệu GPS không bị gián đoạn và liên kết dữ liệu an toàn để hoạt động hiệu quả trong không phận có tranh chấp.
Các hệ thống tác chiến điện tử mà Iran đang triển khai làm tăng mức độ nguy hiểm trong một môi trường vốn đã bất ổn, nơi các điểm nóng quân sự ở Iraq, Syria, Lebanon và Yemen đan xen với các động thái địa chính trị của Iran, Mỹ và các đồng minh của cả hai. Khi phổ điện từ trở thành tiền tuyến mới của cuộc đối đầu, nguy cơ tính toán sai lầm hoặc leo thang ngoài ý muốn tiếp tục gia tăng, đặc biệt là trong không phận và vùng biển được nhiều lực lượng quốc tế chia sẻ.
SWF trích dẫn một nghiên cứu năm 2022 do Lực lượng chi viện chiến lược của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) bảo trợ nói rằng Bắc Kinh đã đầu tư lớn cho năng lực tác chiến điện tử tương tự như Nga nhằm chuẩn bị cho một cuộc xung đột tiềm năng trong tương lai. Cụ thể hơn, PLA phát triển năng lực đối phó không gian để nhắm vào các chòm sao vệ tinh thương mại như Starlink trong trường hợp xảy ra xung đột vũ trang với Mỹ. SWF nêu rõ: “Học thuyết quân sự của Trung Quốc nhấn mạnh vào việc giành thế chủ động ngay từ đầu xung đột. Ðiều này có thể bao gồm các cuộc tấn công vào mạng lưới vệ tinh để phá vỡ khả năng tiếp cận thông tin liên lạc và định vị của đối phương”.