02/07/2010 - 07:31

Syrie thâm nhập “sân sau” của Mỹ

Trong cuộc gặp ngày 30-6, Tổng thống Brazil Lula da Silva (phải) và người đồng nhiệm Syrie al-Assad đã trao cho nhau các huy chương cao quý của quốc gia mình. Ảnh: AP

Mỹ La-tinh được người ta ví von một cách hình tượng là “sân sau” của Mỹ. Nhưng cũng chính vì vậy mà một số nước không thân thiện với Washington muốn thâm nhập khu vực này như là biện pháp thách thức Chú Sam. Chuyến công du Mỹ La-tinh lần đầu tiên qua 4 nước Venezuela, Cuba, Brazil và Argentina kết thúc vào hôm nay 2-7 của Tổng thống Syrie Bashar al-Assad là minh chứng mới nhất cho điều này.

Theo các nhà phân tích, mục tiêu hàng đầu của ông al-Assad trong chuyến thăm lịch sử tới Mỹ La-tinh là thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư nhằm mang lại lợi ích thiết thực cho đất nước. Trong khuôn khổ chuyến công du, Syrie đã ký với Venezuela, Cuba, Brazil và Argentina nhiều thỏa thuận hợp tác về nông nghiệp, công nghệ, viễn thông, thương mại, tài chính, y tế, giáo dục, du lịch, giao thông, thuế quan, văn hóa... Nổi bật trong số đó là thỏa thuận xây dựng nhà máy lọc dầu trị giá 4,4 tỉ USD tại Syrie do Venezuela đóng góp ít nhất 33% vốn. Nhân chuyến đi này, ông al-Assad còn kiến nghị đàm phán nhằm tiến tới ký kết Thỏa thuận thương mại tự do (FTA) giữa Syrie và Khối thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur). Các thỏa thuận hợp tác và định hướng tương lai thương mại này chắc chắn sẽ tạo động lực làm ăn mới cho các nhà đầu tư từ hai nền kinh tế lớn nhất Nam Mỹ là Brazil và Argentina, nơi có hàng triệu người gốc Syrie đang sinh sống và khá thành đạt. Cơ hội đầu tư tại Syrie rất lớn, bởi chính quyền Damas đang khởi động kế hoạch cải cách kinh tế và mở cửa đầu tư đầy tham vọng với số vốn cần huy động lên đến 130 tỉ USD trong vòng 5 năm tới, trong đó có 77 tỉ USD từ lĩnh vực tư nhân.

Ngoài vấn đề thương mại và đầu tư, chuyến công du của ông al-Assad còn thể hiện chính sách đối ngoại tự chủ và rộng mở của Syrie cũng như các nước Mỹ La-tinh. Syrie, Cuba và Venezuela cam kết tiếp tục cuộc đấu tranh vì độc lập, chủ quyền và chống lại ách chiếm đóng và bá quyền. Còn Brazil thì ủng hộ Syrie đòi Israel, đồng minh cật ruột của Mỹ, trả lại cao nguyên Golan và tham gia vào bất kỳ sáng kiến nào trong tiến trình hòa bình Trung Đông. Đổi lại, Syrie hậu thuẫn Brazil về lập trường giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran và ứng cử vào ghế ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ mở rộng “nhằm xây dựng một trật tự thế giới mới công bằng hơn”.

Xung quanh chuyến công du Mỹ La-tinh của Tổng thống al-Assad, giới bình luận phương Tây cho rằng đây là nỗ lực của Syrie nhằm vượt qua những khó khăn do chính sách cô lập của Mỹ và châu Âu. Nhưng thực ra, các cường quốc phương Tây như Anh, Pháp và Mỹ thời gian gần đây đã chủ trương cải thiện quan hệ với Syrie vì vai trò quan trọng của nước này trong vấn đề hòa bình và an ninh tại “lò lửa” Trung Đông.

KIẾN HÒA (Tổng hợp)

Trong cuộc gặp ngày 30-6, Tổng thống Brazil Lula da Silva (phải) và người đồng nhiệm Syrie al-Assad đã trao cho nhau các huy chư)

Chia sẻ bài viết