29/08/2021 - 10:44

Sức hút của văn hóa bản địa Đông Nam Á 

Văn hóa bản địa đang là chìa khóa để các nền tảng trực tuyến mở rộng thị trường ở khu vực châu Á. Quá trình đầu tư này đã mở ra nhiều cơ hội và tạo điều kiện cho những bộ phim có đề tài mới lạ được nhiều người biết đến hơn, ví dụ điển hình là dòng phim kinh dị Ðông Nam Á gắn với tín ngưỡng dân gian địa phương.

Nhà làm phim Ray Lee tại trường quay “Belaban Hidup- Infeksi Zombie”.

“Roh” - theo tiếng Malaysia nghĩa là “linh hồn”, là tác phẩm đầu tay của đạo diễn người Malaysia Emir Ezwan. Phim đã phát hành trên hệ thống Netflix, Disney+ và Hotstar vào tháng 6-2021, nhận được sự tán thưởng từ giới chuyên môn. Trước đó, “Roh” được Tổng công ty Phát triển Phim quốc gia Malaysia (FINAS) đưa đi tranh cử hạng mục Phim quốc tế xuất sắc nhất tại Oscar 2021, nhưng không lọt vào danh sách đề cử. Tuy nhiên, “Roh” lại gây chú ý ở một góc nhìn khác, được giới chuyên môn thừa nhận tiềm năng ở khu vực Ðông Nam Á.

“Roh” lấy bối cảnh thời chiến ở rìa một khu rừng mưa nhiệt đới, kể về sự tan vỡ của một gia đình vướng phải lời nguyền đáng sợ. Sức hấp dẫn của “Roh” đến từ văn hóa và tín ngưỡng dân gian Malaysia. Ðạo diễn Anh Edgar Wright khen “Roh” rất tuyệt vời bởi cách dẫn dắt câu chuyện. “Roh” cũng đã gây chú ý ở các kỳ liên hoan phim tại Mỹ, Ý, Singapore và Indonesia. Nhà sản xuất kiêm đạo diễn Amir Muhammad, Giám đốc điều hành của Kuman Films tại Kuala Lumpur, cho biết: “Với sức hút đó, “Roh” đã tiếp cận được thị trường rộng hơn thông qua thỏa thuận với Netflix, nhất là thị trường châu Âu. Hiện người yêu thích điện ảnh Tây Ban Nha và Bồ Ðào Nha đang thảo luận khá nhiều về phim”. “Roh” là một trong những phim khai thác yếu tố văn hóa bản địa ở khu vực Ðông Nam Á được chú ý hiện nay.

Nhà nghiên cứu điện ảnh Thomas Barker nhìn nhận rằng: “Các nhà làm phim Ðông Nam Á đang đổi mới trong một thể loại đã trở nên cũ kỹ ở phương Tây. Ðó là khai thác câu chuyện kinh dị từ nguồn dân gian siêu nhiên”. Thomas Barker cho biết các công ty như: Netflix, HBO và Disney+ đang nỗ lực tìm kiếm nội dung cạnh tranh mới để thu hút khán giả trong khu vực. Do đó, các phim từ Malaysia, Indonesia và Philippines sẽ trở nên có sức hút hơn vì nội dung mới lạ, sản xuất rẻ hơn các sản phẩm tương tự của châu Âu hoặc Úc.

Cũng thông qua các nền tảng trực tuyến, “Satan’s Slaves” (2017) của đạo diễn Joko Anwar đã tiếp cận được khán giả ở 42 quốc gia, trở thành phim kinh dị có doanh thu cao nhất mọi thời đại của Indonesia và đã được giới phê bình đánh giá cao. “Satan’s Slaves” đã thổi luồng gió mới để giới chuyên môn công nhận chỗ đứng của phim ảnh khu vực Ðông Nam Á. Mặc dù được sản xuất giá rẻ nhưng những nội dung và cách xây dựng cốt truyện rất tốt. Ðặc biệt, các đề tài phim kinh dị khu vực này khai thác từ văn hóa dân gian rất phong phú và đầy ma mị, mà không phải theo kiểu bạo lực, giật gân của phương Tây. Do đó, “Impetigore” - tác phẩm mới nhất của Joko Anwar, vừa nhận 17 đề cử và 6 chiến thắng tại Liên hoan phim quốc tế Citra, trước khi chiếu tại Liên hoan phim quốc tế Sundance ở Mỹ. “Impetigore” cũng là tác phẩm đại diện Indonesia dự tranh đề cử Oscar năm nay.

“Impetigore” cũng đã được gã khổng lồ phát trực tuyến phim kinh dị Shudder (trực thuộc của AMC, Mỹ) chọn phân phối. Dòng phim này của Indonesia đang xâm nhập thị trường Mỹ khá tốt. Cụ thể, “Queen of Black Magic”, “May the Devil Take You Too” cũng đã được phát hành. Nhà nghiên cứu điện ảnh Thomas Barker cho rằng: “Bằng cách dựa trên kinh nghiệm và văn hóa dân gian địa phương, nhưng cũng nhận thức sâu sắc về thể loại phim này trên toàn cầu, các nhà làm phim đang mang đến những ý tưởng mới”. Thomas Barker cũng nhấn mạnh thành công của “Impetigore” là nhờ khai thác câu chuyện dựa trên hình thức múa rối bóng của người Java.

Hay một thành công khác là phim kinh phí thấp “Belaban Hidup - Infeksi Zombie” (2021) của đạo diễn Malaysia Ray Lee. Phim khai thác văn hóa Dayak trên đảo Borneo, kể câu chuyện về một tổ chức bí mật chuyển từ Madagascar đến Borneo để thành lập một phòng khám phi pháp để tiếp tục thử nghiệm phát minh mới trên con người. Khi một nhóm trẻ mồ côi bị giam cầm tìm cách trốn thoát, đã giải phóng một thế lực siêu nhiên ở khu rừng nhiệt đới gần đó, lôi kéo cả bộ lạc bản địa vào cuộc đấu tranh. Ray Lee chia sẻ: “Bộ phim của tôi nhằm quảng bá văn hóa, ngôn ngữ và môi trường sống của người Dayak ra thế giới, để mọi người hiểu hơn về văn hóa truyền thống vốn đã bị hiểu lệch lạc qua những tin đồn”. “Belaban Hidup - Infeksi Zombie” mang về 13 giải thưởng từ các liên hoan phim tại Singapore, Canada, Nga, Philippines.

Có thể thấy, phim ảnh Ðông Nam Á, mà đặc biệt là dòng phim kinh dị, đang phát triển mạnh nhờ những cơ hội mà các nền tảng phát trực tuyến quốc tế mang lại.

BẢO LAM (Theo Al Jazeera)

Chia sẻ bài viết