23/02/2025 - 20:38

Hỗ trợ nông dân trồng lúa chất lượng cao, phát thải thấp 

Phát huy thành quả từ mô hình thí điểm "canh tác lúa chất lượng cao và giảm phát thải" (CLC và PTT) được triển khai tại huyện Vĩnh Thạnh trong các vụ lúa hè thu và thu đông 2024, vụ đông xuân 2024-2025 ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ đã phối hợp các đơn vị, doanh nghiệp và địa phương hỗ trợ nông dân nhân rộng, phát triển mô hình ra các địa phương Thới Lai, Cờ Đỏ… Đến nay, lúa tại nhiều mô hình đã thu hoạch với năng suất, chất lượng đạt tốt, giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, giảm phát thải khí nhà kính và nâng cao được lợi nhuận.

Hiệu quả thiết thực

Vụ đông xuân 2024-2025, nông dân tại ấp Trường Khương, xã Trường Xuân, huyện Thới Lai đã được Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp TP Cần Thơ thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ chủ trì, phối hợp các đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ thực hiện mô hình sản xuất lúa CLC và PTT,  với diện tích 15ha và có 4 hộ dân tham gia. Đây là mô hình triển khai thực hiện Đề án Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 (Đề án 1 triệu héc-ta lúa CLC).

Thu hoạch lúa tại mô hình được thực hiện ở HTX Tiến Dũng, huyện Cờ Đỏ.

Nông dân tham gia mô hình được tập huấn kỹ thuật và được hỗ trợ 50% chi phí phân bón để canh tác lúa theo quy trình kỹ thuật của Đề án 1 triệu héc-ta lúa CLC. Kết quả, nông dân đã giảm được nhiều chi phí sản xuất đầu vào, trong khi năng suất và chất lượng lúa vẫn đạt tốt, từ đó hiệu quả sản xuất và lợi nhuận của nông dân tăng lên đáng kể. Ông Trần Văn Đời, nông dân tham gia mô hình sản xuất lúa CLC và PTT tại ấp Trường Khương, cho biết: "Tôi có 7ha lúa tham gia mô hình, sạ giống Đài Thơm 8, với năng suất đạt 1,1 tấn/công tầm lớn và bán lúa được giá 6.450 đồng/kg, cao hơn giá bán của nhiều hộ dân bên ngoài nhờ lúa đạt chất lượng tốt. Trong khi đó, tôi đã giảm được lượng sử dụng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nước tưới và giảm được nhân công lao động do áp dụng cơ giới và giảm số lần bón phân, phun thuốc, từ đó vừa giảm phát thải khí nhà kính, vừa tăng khoảng 20% lợi nhuận".

Vụ đông xuân 2024-2025, nông dân tại Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Tiến Dũng ở xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ đã được Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp TP Cần Thơ phối hợp Trung tâm Khuyến nông quốc gia cùng Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền  và các đơn vị có liên quan hỗ trợ thực hiện mô hình sản xuất lúa CLC và PTT, với diện tích 50ha và có 20 hộ xã viên tham gia. Đây là mô hình thuộc Dự án khuyến nông Trung ương (Dự án xây dựng mô hình canh tác lúa gạo giảm phát thải phục vụ phát triển bền vững vùng nguyên liệu lúa gạo xuất khẩu của vùng ĐBSCL). Dự án này cũng nhằm triển khai Đề án 1 triệu héc-ta lúa CLC, giúp nông dân áp dụng đồng bộ các biện pháp canh tác lúa tiên tiến để giảm giá thành sản xuất, giảm phát thải khí nhà kính và nâng cao hiệu quả kinh tế. Hiện lúa tại mô hình đã thu hoạch, năng suất các ruộng lúa đạt từ 8,8-9,5 tấn/ha, cao hơn 0,1-0,72 tấn/ha so với mô hình đối chứng canh tác theo truyền thống. Lợi nhuận của nông dân đã tăng thêm 5,19-8,96 triệu đồng/ha. Theo ông Nguyễn Danh Dũng, Giám đốc HTX nông nghiệp Tiến Dũng, bên cạnh việc tăng lợi nhuận nhờ giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng và giá bán lúa gạo, nông dân tham gia mô hình có thêm nguồn thu nhập từ việc thu gom rơm ra khỏi đồng để bán và phục vụ các hoạt động sản xuất khác theo hướng nông nghiệp tuần hoàn, góp phần gia tăng chuỗi giá trị. Thành công của mô hình trong vụ đông xuân 2024-2025 là tiền đề thuận lợi để HTX nhân rộng diện tích thực hiện trong các vụ tới. HTX hiện có 138 xã viên, canh tác hơn 360ha lúa.

Tiếp tục hỗ trợ nông dân

Thực hiện các chương trình, kế hoạch của Trung ương và thành phố về triển khai thực hiện Đề án 1 triệu héc-ta lúa CLC, ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ đã và đang tiếp tục quan tâm triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ cho nông dân nhằm thực hiện tốt Đề án. Chú ý đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền và tập huấn, phổ biến các quy trình kỹ thuật canh tác lúa CLC và PTT theo Đề án đến nông dân và các tổ chức, cá nhân có liên quan. Triển khai các chính sách hỗ trợ và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia Đề án. Khảo sát, hỗ trợ cấp mã số vùng trồng và khảo sát, rà soát doanh mục đề xuất dự án hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật cho sản xuất lúa các-bon thấp. Hỗ trợ nông dân trong xây dựng, nhân rộng các mô hình thí điểm triển khai Đề án… Theo ông Mai Nam, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp TP Cần Thơ, trên cơ sở Kế hoạch số 93/KH-UBND của UBND TP Cần Thơ về thực hiện Đề án 1 triệu héc-ta lúa CLC tại Cần Thơ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố đã giao Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp chuyển giao các quy trình kỹ thuật sản xuất lúa theo Đề án và hỗ trợ nông dân xây dựng, phát triển các mô hình. Vụ đông xuân 2024-2025, Trung tâm đã phối hợp các đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ nông dân tại các huyện trồng lúa chủ lực của thành phố gồm Thới Lai, Cờ Đỏ và Vĩnh Thạnh xây dựng các mô hình trình diễn với tổng diện tích 105ha. Cụ thể gồm: 50ha tại xã Thạnh Phú thuộc huyện Cờ Đỏ, 15ha ở xã Trường Xuân, 20ha ở xã Đông Thuận thuộc huyện Thới Lai, 20ha tại xã Thạnh Tiến, huyện Vĩnh Thạnh. Tham gia mô hình, nông dân được hỗ trợ và hướng dẫn áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất gắn với sử dụng giống đạt cấp xác nhận, gieo sạ thưa với lượng sử dụng giống từ 70kg/ha trở xuống, bón vùi phân bón. Áp dụng các giải pháp quản lý dinh dưỡng theo vùng chuyên biệt (SSNM), quản lý dịch hại tổng hợp theo nguyên tắc 4 đúng và tưới nước ướt khô xen kẽ (AWD)… Qua đó, giảm chi phí, giảm phát thải khí nhà kính và nâng cao hiệu quả sản xuất.

Để thực hiện các mô hình thí điểm trên, thời gian qua có sự tham gia hỗ trợ tích cực của nhiều đơn vị cung cấp các thiết bị, công nghệ và vật tư đầu vào như lúa giống, phân bón chuyên dùng, máy sạ cụm, sạ hàng, thiết bị bón vùi phân bón, máy bay nông nghiệp. Nhiều doanh nghiệp cho biết, tới đây tiếp tục "đồng hành" cùng nông dân để hỗ trợ trong tập huấn, chuyển giao kỹ thuật và giảm giá bán các loại vật tư, máy móc, công nghệ.

Theo ông Hồ Thế Huy, Phó Giám đốc marketing, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền, công ty đã và đang tiếp tục hỗ trợ nông dân tại TP Cần Thơ và nhiều tỉnh ĐBSCL thực hiện Dự án xây dựng mô hình canh tác lúa gạo giảm phát thải phục vụ phát triển bền vững vùng nguyên liệu lúa gạo xuất khẩu của vùng ĐBSCL, với quy mô 300ha, thời gian thực hiện 2 năm. Đây là dự án khuyến nông quốc gia nên nông dân được nhận các mức hỗ trợ theo các quy định và hướng dẫn chung. Đáng chú ý, nông dân được hỗ trợ 50% chi phí tiền phân bón và nhiều nhiều loại vật tư đầu vào. Dự án cũng thực hiện nhiều hoạt động đào tạo, tập huấn, chuyển giao giải pháp kỹ thuật cho nông dân. Theo ông Nguyễn Văn Dương, phụ trách marketing khu vực miền Tây, Công ty Cổ phần Sản xuất Kinh doanh Phân bón Bình Điền II (thương hiệu phân bón 2 Phong), vụ đông xuân 2024-2025, Công ty đã hỗ trợ 50% chi phí phân bón cho nông dân thực hiện mô hình xuất lúa CLC và PTT tại xã Trường Xuân. Tới đây, công ty sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động hỗ trợ và đồng hành cùng nông dân tại địa phương trong duy trì và nhân rộng mô hình.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết