23/02/2025 - 21:32

Quảng bá phim điện ảnh - “chìa khóa” thu hút khán giả? 

Không được đánh giá cao từ đầu trong cuộc đua phim chiếu rạp dịp đầu năm, nhưng “Đèn âm hồn” của đạo diễn Hoàng Nam lại nhanh chóng trở thành đối thủ nặng ký. Đối trọng với phim này có những bộ phim khác như “Nụ hôn bạc tỷ”, “Bộ tứ báo thủ”, “Yêu nhầm bạn thân”… Dù “Đèn âm hồn” bị chê nhiều, từ diễn xuất của nam chính đến đạo cụ, kỹ xảo, thậm chí nghi án đạo nhái, nhưng doanh thu của phim đến nay đã ngoài con số 100 tỉ đồng. Vì sao?

Nét diễn đơ của Phú Thịnh trong vai chính phim “Đèn âm hồn” khiến khán giả bàn tán.

Nhà sản xuất Nguyễn Cao Tùng của phim “Đèn âm hồn” trong một buổi chia sẻ trên mạng xã hội mới đây đã phần nào lý giải câu hỏi đó. Anh là nhà sản xuất nhiều kinh nghiệm, từng đứng sau các phim điện ảnh “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Cô gái đến từ hôm qua”, “Đảo độc đắc: Tử mẫu thiên linh cái”... Chia sẻ từ thực tế “Đèn âm hồn”, Nguyễn Cao Tùng đúc kết: Có 3 yếu tố đóng góp vào thành bại của một phim, 50% do chất lượng phim, 30% do marketing và 20% do phát hành. Công thức này cho khán giả nhận định, vế 50% có vẻ không mang tính quyết định vì chất lượng phim không tốt, trong khi 2 vế sau lại mang tính sống còn. “Đèn âm hồn” được phát hành dịp Tết, trong khi những phim khác đều có chủ đề tình cảm, hài hước thì phim mang màu sắc tâm linh, huyền bí, như giúp khán giả “đổi món”.

Vấn đề còn lại là truyền thông, quảng bá cho phim. Chính nhà sản xuất Nguyễn Cao Tùng cũng thừa nhận, phim thịnh hành (viral) với những tranh luận trái chiều, nhất là diễn xuất “đơ như cây cơ” của nam chính. Anh nói: “Tôi không hài lòng diễn xuất của Phú Thịnh và rất nhiều lần yêu cầu đạo diễn Hoàng Nam cho lồng tiếng nhưng đạo diễn không đồng ý. Ý đồ của Hoàng Nam là xây dựng nhân vật một người chồng gây phản cảm. Có câu “Too bad to be good” trong trường hợp này, nghĩa là nhiều lúc diễn viên diễn tệ đến mức người xem thấy buồn cười và chấp nhận luôn”. Và quả thật, nét diễn đơ của Phú Thịnh đã được khán giả thảo luận như một sự giải trí, hài hước, từ đó góp phần tăng độ thảo luận của phim trên mạng xã hội.

Nếu đem công thức 50:30:20 của nhà sản xuất Nguyễn Cao Tùng đưa ra để ứng trường hợp phim “Bộ tứ báo thủ” của Trấn Thành thì sự thành công cũng sẽ là tương tự “Đèn âm hồn”. Nghĩa là, nội dung phim chưa đạt mức xuất sắc, diễn xuất diễn viên không phải quá tốt, nhưng cái bù lại là truyền thông, quảng bá hiệu quả, bên cạnh hiệu ứng của từng diễn viên tham gia. Ở khía cạnh phát hành, với thương hiệu Trấn Thành, dĩ nhiên suất chiếu dành cho anh luôn nhiều ở các rạp.

Còn với “Nụ hôn bạc tỷ”, vai trò của 50% chất lượng phim có phần đáp ứng khá hơn, dù chưa hẳn xuất sắc, và truyền thông cho phim vẫn là yếu tố quyết định. Việc ê-kíp sản xuất, diễn viên đi đến các rạp ở nhiều tỉnh, thành quảng bá, giao lưu tạo hào hứng cho khán giả. Các diễn viên như Ma Ran Đô, Đoàn Thiên Ân, Lê Xuân Tiền với sắc vóc đẹp, thu hút khán giả trong các hoạt động quảng bá cũng là một lợi thế.

Phim Tết năm nay, điện ảnh Việt Nam thắng áp đảo, lấn lướt cả các “bom tấn thế giới” ở thị trường nội địa. Đây là tín hiệu đáng mừng về doanh thu. Dĩ nhiên, vẫn còn nhiều điều đáng bàn về chất lượng, nội dung, diễn xuất và sự sáng tạo trong tác phẩm. Không có công thức cố định nào cho sự thành công của một bộ phim, tất cả chỉ là yếu tố tham khảo; nhưng phải công nhận rằng, với sự phát triển của mạng xã hội, vai trò truyền thông quảng bá để thu hút khán giả đến rạp là cực kỳ quan trọng. Có thể chốt bằng câu nói thông minh, đầy ẩn ý quảng bá của đạo diễn Trấn Thành về “Bộ tứ báo thủ”: “Chúng ta khoan vội tin vào một hai bài nhận xét, hãy ra rạp tự trải nghiệm, vì không ai nhận xét đúng về bộ phim bằng chính quý vị”.

ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết