22/02/2025 - 21:28

Cày và máy cày ở Cần Thơ 

ĐĂNG HUỲNH

Khoảng 1 thế kỷ trước, vùng đất Cần Thơ là một trong những trung tâm nông nghiệp trọng điểm ở Nam Kỳ. Ðiều đó được thể hiện ở những thống kê về diện tích đất canh tác trồng lúa, làm vườn, sản lượng lúa… Ðặc biệt, Cần Thơ còn là nơi thử nghiệm chiếc máy cày trên đồng ruộng từ rất sớm, cách nay 115 năm.

Mô hình trâu cày ruộng. Ảnh: DUY KHÔI

Đôi điều về cày

Làm đất là công việc đòi hỏi bắt buộc trước khi trồng lúa. Một trong những nông cụ hiệu quả thuở xưa chính là cái cày. Ðó là những hình ảnh rất quen thuộc:

“Trâu ơi ta bảo trâu này

Trâu ra đồng ruộng trâu cày với ta...”

Hay là:

“Trên đồng cạn, dưới đồng sâu

Chồng cày, vợ cấy con trâu đi bừa”

Vượt lên hình ảnh và chức năng của một nông cụ, hình ảnh con trâu đi trước, cái cày theo sau còn là biểu trưng của làng quê Việt Nam. Câu thành ngữ “cày sâu cuốc bẫm” không chỉ là tri thức dân gian về làm nông mà còn chỉ sự chăm chỉ, cần cù, chịu thương chịu khó của người nông dân trên đồng ruộng.

Cày là công cụ chủ yếu trong làm đất, giúp dọn đất, xới đất, lật đất lên, làm tơi đất. Cày thường làm bằng gỗ, lưỡi cày bằng sắt. Cày ở ÐBSCL cũng như ở Cần Thơ có mấy dạng phổ biến là cày đõi, cày bắp và cày mên. Các loại cày đều có những bộ phận chính là thân cày, náng cày, chuôi cày và bắp cày.

Cày đõi có thân được đẽo từ một khối gỗ, dài khoảng 1,4m. Ðây là loại cày kết hợp giữa chiếc cày chìa vôi của người Việt với cây cày của người Chăm ở miền Trung đã qua cải tiến. Bắp cày đóng chặt cứng vào thân cày nhờ các con bang (cây nêm). Lưỡi cày bằng sắt. Giữa thân cày có cắm một cái bắp hình lưng thỏ, dài khoảng 1,5m, được kìm cứng bởi một cây náng xuyên qua. Ở nơi ruộng đất sình lầy phải dùng 2 con trâu kéo, mắc ách đôi lên cổ trâu, dính liền với cái vòi đàn nhờ cây đõi và dây đõi, dây nài, dây ống. Cây đõi làm nhiệm vụ quan trọng là điều chỉnh thăng bằng khi cày, giúp trâu vượt qua những chỗ đất gồ ghề(1). Cày đõi thường làm bằng gỗ mù u cứng chắc. Bàn cày đõi nhỏ, hẹp dễ bị lún sình nên thường thích hợp với ruộng gò.

Cày bắp xuất phát từ cày chét (chét là cái nhánh), nguyên thủy là cây cày của người Khmer, vì có cái bắp dài nên gọi là cày bắp. Cày bắp cũng được đẽo từ nguyên khối gỗ, cũng có thân, trạnh, mom... Ðặc biệt, cái bắp dài và bàn cày to. Bắp cày dài và vòi đàn nhọn là thứ vũ khí để khuất phục những cặp trâu khỏe và hung hãn. Bàn cày to ít bị lún sình. Cày bắp nguyên thủy không có náng, nông dân vùng ÐBSCL đã cải tiến thêm một cây náng xuyên qua bắp cày, kìm chắc chắn, nhưng không điều chỉnh đường cày theo ý muốn vì không có cây đõi. Cày bắp thích hợp với ruộng sình lầy(2).

Cày mên thường làm bằng gỗ chò, với các bộ phận như thân, chuôi, trạnh, mom cày, được lắp vào nhau bằng mộng, ngàm. Mom cày làm từ một khúc gỗ khá to, gắn liền với thân cày và chuôi cày nhờ bulong, ốc vít... Cây cày mên của người Khmer thường lấy mảnh sành gắn vào trạnh cày. Trong quá trình cải tiến, người Việt nghĩ ra cách lấy lá sắt làm trạnh cày hàn dính với lưỡi cày vừa chắc vừa nhẹ(3).

Máy cày thử nghiệm ở Cần Thơ

Từ sau khi chiếm Nam Kỳ làm thuộc địa, Pháp đã nỗ lực biến vùng đất này thành một vùng sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu gạo có vị trí trên thế giới, do nhìn thấy tiềm lực rõ nét ở nơi đây. Ðó là vùng đất phù sa màu mỡ, khí hậu thuận lợi, hệ thống đường thủy đã khá phát triển. Những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, Pháp đã triển khai nhiều biện pháp và chính sách, tập trung vào mục tiêu khẩn hoang và mở rộng diện tích canh tác thông qua việc cơ giới hóa nền nông nghiệp trồng lúa, mở Quỹ Tín dụng nông nghiệp…

Máy cày trên đồng ruộng Cần Thơ đầu những năm đầu 1980. Ảnh sưu tầm

Ðầu thế kỷ XX, từ chính sách chuyển nhượng đất đai của người Pháp, đã tạo nên một lớp người làm chủ những diện tích đất canh tác lớn, hàng ngàn, có khi hàng chục ngàn mẫu, gồm người Pháp, người Pháp gốc Việt, người Việt, người Khmer… Một số công ty đã được thành lập với mục đích khai thác nông nghiệp tại Cần Thơ như Công ty Sambuc có 8.000ha, Công ty Guérez làm chủ 6.000ha, Công ty Michel-Villaz, Mayer et Cie, 1.200ha…(4).

Sách “Lịch sử khẩn hoang miền Nam” của nhà văn Sơn Nam thuật lại, thời Pháp thuộc, việc phân chia ranh giới các tỉnh không đồng đều, tỉnh thì quá lớn, tỉnh thì quá nhỏ. Số lượng đất đai chỉ là chỉ dẫn, vì đất tốt xấu khác nhau. Tuy nhiên, số lượng đáng ghi nhận là từ khoảng năm 1900 trở về sau, tỉnh Cần Thơ đứng tốp đầu về diện tích đất nông nghiệp. Ðơn cử là năm 1900, Cần Thơ có 124.588 mẫu, chỉ đứng sau Sóc Trăng với 158.439 mẫu (đứng đầu Nam Kỳ). Năm 1930, Cần Thơ 205.000 mẫu, đứng hạng Tư, sau Rạch Giá có 358.900 mẫu (đứng đầu Nam kỳ), Bạc Liêu có 330.030 mẫu và Sóc Trăng có 212.909 mẫu. Sách ghi nhận: “Theo P. Bernard, mấy tỉnh Rạch Giá, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh là vựa lúa thật sự của Nam Kỳ để xuất cảng” (5). Thống kê năm 1910, ở Cần Thơ, người Pháp và người Việt có Pháp tịch làm chủ 36.000 mẫu.

Năm 1910, tại Nam Kỳ, một hội mới được thành lập lấy tên là Association Rizicole Indochinoise (Hiệp hội Nông nghiệp trồng lúa Ðông Dương), gồm đa số là các nhà trồng trọt Nam Kỳ với mục đích nghiên cứu và thực hiện việc sử dụng máy móc trong việc trồng lúa. Tiếp theo đó, nhiều loại máy cày đã được đưa về từ Pháp, từ Mỹ để thử nghiệm tại đồng bằng Nam Kỳ. Báo cáo trước Hội đồng thuộc địa năm 1910 cho biết: Máy canh tác đã được thử tại Cần Thơ và Châu Ðốc (6).

Về chi tiết này, nhà văn Sơn Nam cho biết thêm: Công ty Associaton Rizicole Indochinoise đã gởi chuyên viên qua Mỹ quốc nghiên cứu các loại máy cày thích hợp rồi cho một kỹ sư canh nông là Alazard đến vùng Thới Lai (Ô Môn) mang theo máy cày, máy bừa, máy gieo mạ, xin Chính phủ thuộc địa trợ cấp để thí nghiệm cải tiến kỹ thuật nhưng không đạt kết quả khả quan. Một kỹ sư khác là Duquet thử thí nghiệm cày máy trên đồng ruộng Cần Thơ vào mùa nắng, đầu năm 1911 (7).

Chi tiết hơn về việc thử nghiệm máy cày vào năm 1910, theo tác giả Nguyễn Nghị (8), dụng cụ được dùng là một máy javeleuse-botteleuse (máy gặt và bó), nặng khoảng 630kg và một máy gặt đơn giản nặng khoảng 430kg do hãng Reliance chế tạo. Loại máy gặt, bó sử dụng 3 con la để kéo còn máy gặt đơn giả hơn thì dùng 2 con la, vì trâu chưa được tập luyện để làm công việc này.

Người Pháp nhận thấy việc cần phải phát triển nền nông nghiệp của Nam Kỳ một cách có hệ thống và dựa trên khoa học. Chính quyền thuộc địa Pháp đã cho thiết lập các phòng, các bộ phận nghiên cứu để phục vụ nông nghiệp. Năm 1927, Pháp cho đặt 7 trạm thí nghiệm tại các tỉnh Nam Kỳ, trong đó có Cần Thơ.

Có thể thấy, việc trồng lúa ở ÐBSCL từ xưa được sử dụng sức kéo truyền thống là trâu, bò. Trâu, bò được sử dụng ngay từ bước đầu khai hoang và là sức kéo quan trọng nhất cho đến khoảng nửa thế kỷ XX mới được thay thế dần bằng cơ giới. Quá trình sử dụng cơ giới làm sức kéo trong nông nghiệp đã diễn ra trong nhiều thập niên với tốc độ ở mỗi giai đoạn có khác nhau. Từ những năm 1960, cày máy dần dần chiếm vị trí quan trọng. Sau 1975, quá trình cơ giới hóa khâu làm đất được chú trọng, tăng cường với nhập thêm các máy cày. Việc thay đổi từ nông cụ cổ truyền sang nông cơ đã đem lại những kết quả đáng kể giúp nông dân nhàn rỗi hơn và giúp họ dọn cấy kịp thời vụ hơn.

Ngày nay, nhiều loại máy cày tân tiến, đa năng đang được nông dân Cần Thơ sử dụng trên đồng ruộng. Dù thời con trâu cái cày hay máy cày, thì người Cần Thơ vẫn miệt mài, một nắng hai sương trên đồng ruộng, với tính sáng tạo, cần cù, để đời truyền đời làm nên danh thơm xứ sở “gạo trắng nước trong”.

--------------

(1), (2), (3): “Nông ngư cụ cổ truyền Nam Bộ nhìn từ Đồng Tháp Mười”, Nguyễn Hữu Hiếu - Nguyễn Thanh Thuận, Nxb Đồng Nai, 2019

(4), (6), (8): “Những biện pháp nhằm phát triển sản xuất lúa gạo tại châu thổ sông Cửu Long thời thuộc pháp”, Nguyễn Nghị, Tạp chí Khoa học Xã hội số 12 (220), 2016.

(5), (7): “Lịch sử khẩn hoang miền Nam”, Sơn Nam, NXB Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, 1994.

Chia sẻ bài viết