(CTO) - Khoa học và công nghệ (KHCN) đang từng bước khẳng định vai trò động lực trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, KHCN cùng với đổi mới sáng tạo (ĐMST) là chìa khóa cho tăng trưởng, quyết định tốc độ, chất lượng phát triển của các nền kinh tế.
![Tạo đường băng cho phát triển khoa học công nghệ và đổi mới, sáng tạo](https://baocantho.com.vn/image/fckeditor/upload/2025/20250213/images/Cty_20DG_20Foods_201.webp)
Công ty TNHH DG Foods được Sở KH&CN TP Cần Thơ hỗ trợ chứng nhận FSSC 22000 để đáp ứng yêu cầu tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu. Ảnh: Mỹ Thanh
Chủ trì Hội nghị phát triển KHCN, ĐMST và nhân lực chất lượng cao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chiều 11-2, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh, muốn có tăng trưởng thì phải có tăng năng suất lao động, muốn tăng năng suất lao động thì phải có KHCN, ĐMST, chuyển đổi số. KHCN và giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho lĩnh vực này là đầu tư cho phát triển.
Quyết sách nền tảng
Tại hội nghị phát triển KHCN, ĐMST và nhân lực chất lượng cao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Thủ tướng cho biết tinh thần của hội nghị là thảo luận các nhiệm vụ, giải pháp để góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên năm 2025, tạo đà cho những năm tiếp theo đạt tăng trưởng 2 con số. Và triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ chính trị (ngày 22-12-2024) về đột phá phát triển KHCN, ĐMST, chuyển đổi số (CĐS), Nghị quyết 03/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ chính trị, tinh thần là rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm.
Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị đã khẳng định phát triển KHCN, ĐMST và chuyển đổi số (CĐS) là đột phá quan trọng hàng đầu; là cuộc cách mạng sâu sắc, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, với mục tiêu cao nhất là tăng trưởng kinh tế, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 3/NQ-CP (ngày 9-1-2025) về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 57, với 41 chỉ tiêu và 140 nhiệm vụ được giao hết sức bao quát, toàn diện, cụ thể cho các Bộ ngành, cơ quan liên quan.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, phát triển KHCN, ĐMST và nguồn nhân lực chất lượng cao là những nhân tố có ý nghĩa quyết định trong nâng cao năng suất lao động, tối ưu hóa nguồn lực, phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và tạo ra các sản phẩm, dịch vụ có giá trị gia tăng cao. KHCN, ĐMST có vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, bền vững, theo chiều sâu, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong kỷ nguyên công nghệ, tạo tiền đề cho những bứt phá mạnh mẽ để đạt được mục tiêu tăng trưởng cao trong thời gian dài. Phát triển mạnh mẽ KHCN, ĐMST là yêu cầu tất yếu để nâng cao vị thế quốc gia, chủ động tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu và từng bước khẳng định vai trò của Việt Nam trong nền kinh tế thế giới.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, để tạo ra những chuyển biến, kết quả trong phát triển KHCN, ĐMST, cần một nguồn nhân lực chất lượng cao dồi dào, có kỹ năng hiện đại, tư duy sáng tạo và khả năng làm việc cường độ cao. Đây sẽ là yếu tố then chốt, sống còn, quyết định sự thành công của cuộc cách mạng toàn diện, sâu sắc, thực hiện mục tiêu đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh, thịnh vượng trong kỷ nguyên mới.
Để phát triển KHCN, ĐMST và CĐS cần hoàn thiện thể chế, chính sách. Trước đó, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định: "Cơ chế quản lý khoa học phải tạo động lực đổi mới sáng tạo như tinh thần "khoán 10" trong nông nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ sinh học. Tạo môi trường thuận lợi cho DN khởi nghiệp, ĐMST và tạo ra giá trị kinh tế mới".
![Tạo đường băng cho phát triển khoa học công nghệ và đổi mới, sáng tạo](https://baocantho.com.vn/image/fckeditor/upload/2025/20250213/images/MAY_20MEKO_201.webp)
Nhiều DN đã chủ động đổi mới công nghệ để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường nhập khẩu (ảnh: Công ty CP May Meko Cần Thơ đổi mới thiết bị để tăng năng suất lao động). Ảnh: G.BẢO
Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị đã đưa ra các cam kết về cơ chế, chính sách ưu tiên như cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, khuyến khích hợp tác giữa viện nghiên cứu, trường đại học và dn nhằm tạo môi trường thuận lợi cho việc ứng dụng, nghiên cứu. Trong đó, thể chế là điều kiện tiên quyết để phát triển KHCN, ĐMST và CĐS. Nghị quyết khẳng định đến năm 2030, kinh phí chi cho nghiên cứu phát triển (R&D) đạt 2% GDP, trong đó kinh phí từ xã hội chiếm hơn 60%; dành ít nhất 3% tổng chi ngân sách hằng năm cho phát triển KHCN, ĐMST, CĐS quốc gia và tăng dần theo yêu cầu phát triển.
Nghị quyết 57 xác định rõ người dân và DN là trung tâm, là chủ thể, động lực chính, nhà khoa học là nhân tố then chốt. Việc Bộ Chính trị ưu tiên phát triển KHCN trong những năm tới là cơ hội nhưng cũng là thách thức to lớn cho đội ngũ trí thức, nhà khoa học Việt Nam trong việc tham gia công tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ. Đồng thời, nguồn lực cho phát triển KHCN, ĐMST cũng cần những quyết sách đúng đắn mới có thể khơi thông, tạo động lực dẫn dắt người dân, DN cũng tham gia đổi mới khoa học, nhằm tạo đường băng phát triển trong kỷ nguyên mới.
Khơi nguồn lực cho thị trường KHCN, ĐMST
Thực tế thời gian qua, phát triển KHCN dù đã có nhiều cơ chế, chính sách phát triển. Báo cáo về tình hình thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho thấy, đề cập đến việc phát triển KHCN thì từ năm 2021 đến nay, các nhiệm vụ trong tâm về phát triển thị trường KHCN đặt ra trong Nghị quyết 31/2021/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 và Nghị quyết số 54/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 31 của Quốc hội đã được các Bộ, ngành và địa phương tích cực triển khai. Khung khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của thị trường KHCN tiếp tục được hoàn thiện (Quyết định số 1158/QĐ-TTg ngày 13-7-2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển thị trường KHCN quốc gia đến năm 2030; Nghị định số 10/2024/NĐ-CP ngày 25-3-2024 của Chính phủ ban hành quy định về khu công nghệ cao). Nhiều văn bản về chính sách được ban hành và triển khai nhằm hỗ trợ, khuyến khích tổ chức, cá nhân, DN nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ, ứng dụng tiến bộ KHCN tiếp tục được hoàn thiện…
![Tạo đường băng cho phát triển khoa học công nghệ và đổi mới, sáng tạo](https://baocantho.com.vn/image/fckeditor/upload/2025/20250213/images/HOI_20CHO_20CONG_20NGHE_202.webp)
Hội chợ công nghệ tại TP Cần Thơ huy tụ nhiều DN công nghệ tham gia. Ảnh: ANH KHOA
Giai đoạn 2021-2024, thị trường KHCN đạt kết quả tích cực như: mạng lưới trung gian của thị trường KHCN mở rộng về số lượng và quy mô có liên kết quốc tế, tổng giá trị giao dịch mua bán công nghệ gia tăng hằng năm (cả nước hiện có trên 800 tổ chức trung gian, trong đó có 22 sàn giao dịch công nghệ cấp tình, 2 sàn giao dịch cấp vùng đang hoạt động).
Bên cạnh đó, Bộ KHCN đã công bố Bộ Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) và được triển khai trên cả nước từ năm 2023 nhằm thúc đẩy cải thiện chỉ số đổi mới sáng tạo quốc gia. Đến nay có hơn 20 địa phương đã và đang thành lập Trung tâm khởi nghiệp ĐMST để kết nối các nguồn lực địa phương, vùng và quốc gia. Năm 2023, ước tính có khoảng 3.800 DN khởi nghiệp ĐMST, trong đó 11 DN được định giá hơn 100 triệu USD, 208 quỹ đầu tư, 84 vườn ươm, 35 tổ chức thúc đẩy kinh doanh. Đầu tư cho ĐMST giữ được mức phát triển tốt so với các nước khu vực Asean, đứng thứ 3 về số lượng thương vụ đầu tư cho các DN khởi nghiệp sáng tạo (sau Indonesia và Singapore).
Theo báo cáo “Chỉ số hệ sinh thái toàn cầu năm 2024” được công bố bởi StartupBlink: Năm 2024, thứ hạng của Việt Nam trong bảng xếp hạng chỉ số hệ sinh thái toàn cầu đã tăng 2 bậc từ vị trí thứ 58 lên 56 thế giới, đứng thứ 5 tại khu vực Đông Nam Á và thứ 12 tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, các hoạt động ĐMST đang dần trở thành động lực chính, quan trọng, đóng góp lớn vào sự tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Trong 14 năm liền, Việt Nam luôn có kết quả ĐMST cao hơn so với mức độ phát triển, cho thấy hiệu quả trong việc chuyển các nguồn lực đầu vào thành kết quả đầu ra ĐMST. Đặc biệt, năm 2024, Việt Nam có 3 chỉ số đứng đầu thế giới là Chỉ số Nhập khẩu công nghệ cao, Xuất khẩu công nghệ cao và Xuất khẩu hàng hóa sáng tạo (tính trên tổng giao dịch thương mại). Đây là lần đầu tiên chỉ số Xuất khẩu hàng hóa sáng tạo đạt vị trí dẫn đầu thế giới.
Thống kê từ năm 2021 đến nay, có 579 thỏa thuận chuyển giao công nghệ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký với giá trị các hợp đồng khoảng trên 114.000 tỉ đồng, trong đó trên 106.000 tỉ đồng thuộc khối DN FDI.
Tuy nhiên, chi tiêu chi cho KHCN được đặt mục tiêu không dưới 1% GDP, nhưng kết quả thực hiện năm 2021 chỉ đạt 0,42%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra. Việc phát triển thị trường KHCN vẫn còn một số hạn chế, vốn đầu tư cho hoạt động chuyên môn và KHCN còn ở mức khiêm tốn, mặc dù tăng về giá trị tuyệt đối, nhưng giảm về tỷ trọng, bình quân giai đoạn 2021-2023 chỉ chiếm gần 1,5% tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội của cả giai đoạn (năm 2021 đạt 45.787 tỉ đồng, chiếm 1,58% tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội, đến năm 2023 là 47.259 tỉ đồng, chiếm 1,38% tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội). Vốn ngân sách nhà nước cho hoạt động KHCN và nghiên cứu phát triển cũng ở mức thấp (0,42% năm 2021) so với các nước trong khu vực Asean.
Ngoài ra, hoạt động liên kết, chuyển giao KHCN từ DN FDI còn rất hạn chế, hầu hết các DN FDI có hoạt động chuyển giao công nghệ đều là các DN chuyển giao công nghệ từ công ty mẹ, có đại diện pháp luật là người nước ngoài, nắm toàn bộ quy trình sản xuất của dự án hoặc DN. Năng lực hấp thụ công nghệ, đổi mới công nghệ của DN trong nước cũng còn hạn chế. Trình độ công nghệ của một số ngành, lĩnh vực còn khoảng cách khá xa so với các nước tiên tiến trên thế giới. Cơ chế khuyến khích DN đầu tư cho KHCN chưa được các DN quan tâm, hưởng ứng. Đây là trở ngại lớn cho việc làm chủ công nghệ từ nước ngoài và các hoạt động lan tỏa công nghệ, công nghệ lõi, công nghệ mới từ các DN FDI sang các DN trong nước….
Cần quyết tâm chính trị cao nhất
Tại hội nghị phát triển KHCN, ĐMST và nhân lực chất lượng cao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh rằng, với tinh thần quyết liệt, mạnh mẽ của Nghị quyết Q 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, cùng với các chỉ đạo cụ thể, trực tiếp của Nghị quyết 03/NQ-CP của Chính phủ, chúng ta cần hết sức khẩn trương, tích cực triển khai, cụ thể hóa các nhiệm vụ được giao, mang đúng tinh thần “đột phá, cách mạng” nhằm khơi thông mọi nguồn lực và cơ chế cần thiết cho KHCN, ĐMST. Điều đó cần sự đồng lòng, chủ động, quyết tâm của các cơ quan Bộ ngành, địa phương, Viện - trường, DN để cùng nhau triển khai thành công các kế hoạch, nhiệm vụ đề ra.
![Tạo đường băng cho phát triển khoa học công nghệ và đổi mới, sáng tạo](https://baocantho.com.vn/image/fckeditor/upload/2025/20250213/images/HOI_20CHO_20CONG_20NGHE_205.webp)
Cần khơi thông nguồn lực để đẩy mạnh triển khai các chương trình hỗ trợ DN đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Ảnh: ANH KHOA
Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Cụ thể là, tập trung đẩy mạnh rà soát, loại bỏ các “điểm nghẽn” thể chế ngay trong quý I-2025 đối với các Nghị định và quý II-2025 đối với các Luật; trọng tâm là cơ chế, chính sách khơi thông nguồn lực tài chính ngân sách nhà nước, giao quyền tự chủ đối với tài sản công, viện trợ, tài trợ cho KHCN, ĐMST, thu hút, đào tạo nhân tài, nhân lực chất lượng cao. Kế đến là xác định ngay các dự án trọng tâm về KHCN, ĐMST gắn với mục tiêu tăng trưởng của ngành, lĩnh vực, địa phương và vùng có thế mạnh để tập trung nguồn lực triển khai thực hiện trong năm 2025. Nhân rộng mô hình thu hút FDI để dẫn dắt DN Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Bên cạnh đó, tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trước mắt tập trung vào giáo dục đại học, đào tạo ngắn hạn; thí điểm xây dựng và triển khai cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ sở giáo dục đại học theo gói cam kết đầu ra (KPI) với chính sách học bổng toàn phần cho học viên sau đại học và yêu cầu phải có DN đồng hành. Đẩy mạnh triển khai các chương trình hỗ trợ DN đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, thúc đẩy kết nối sâu rộng tầm khu vực và quốc tế về KHCN, ĐMST; phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo cho các lĩnh vực trọng tâm để thu hút mọi nguồn lực, trong đó có nhân tài người Việt trên toàn thế giới tham gia vào các ngành, lĩnh vực công nghệ cao: bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học…; khuyến khích, tạo mọi điều kiện cho thế hệ trẻ tham gia học các ngành STEM.
Ngoài khơi thông mọi nguồn lực và cơ chế cần thiết cho KHCN, ĐMST cần quyết tâm chính trị cao nhất của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng, ủng hộ của người dân, DN để hiện thực hóa mục tiêu đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển bứt phá.
PHẠM CƯỜNG - GIA BẢO