Kể từ khi gây chấn động trong giới trí tuệ nhân tạo (AI) nhờ mẫu mô hình ngôn ngữ lớn DeepSeek-R1, công ty khởi nghiệp AI DeepSeek của Trung Quốc đã phải chịu sự giám sát đáng kể của một số nước phương Tây nhưng điều này được cho khó có thể xảy ra ở Nam bán cầu. Trái lại, thành công của DeepSeek có thể là động lực to lớn trong việc khuếch trương quyền lực mềm của Trung Quốc trong bối cảnh Bắc Kinh tìm cách mở rộng ảnh hưởng tại các nước đang phát triển.

Giao diện mô hình ngôn ngữ DeepSeek-R1 của DeepSeek. Ảnh: SCMP
DeepSeek đã thu hút sự chú ý toàn cầu bằng cách tạo ra mô hình DeepSeek-R1 mạnh mẽ chi phí thấp. Không giống như các đối thủ cạnh tranh của phương Tây, DeepSeek đã áp dụng phương pháp mã nguồn mở, tức DeepSeek-R1 được cung cấp miễn phí, bất kỳ ai cũng có thể sử dụng và truy cập. “Thành công của DeepSeek cho thấy rằng các quốc gia Nam bán cầu có nhiều cơ hội phát triển và triển khai AI hơn và ít bị hạn chế hơn so với trước đây. Mô hình AI của DeepSeek sẽ rất hấp dẫn đối với các nhà phát triển có nguồn lực hạn chế” - Stephen Minas, giáo sư tại Khoa Luật xuyên quốc gia thuộc Đại học Bắc Kinh, nhận định.
Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) của Hong Kong, Ấn Độ mới đây tuyên bố sẽ lưu trữ mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) của DeepSeek trên các máy chủ trong nước, qua đó cho phép New Delhi đẩy nhanh quá trình phát triển mô hình AI của riêng nước này. Trước đó, SberBank, ngân hàng lớn nhất của Nga, hồi tháng 11 năm ngoái cũng đã công bố một mô hình AI lấy mã nguồn của DeepSeek làm cơ sở. SberBank tuyên bố mô hình AI này sẽ củng cố vị thế của Nga như một cường quốc AI. Trong khi đó, tại châu Phi, DeepSeek được cho mang lại cho lục địa đen hy vọng rằng công nghệ AI sẽ giúp xử lý các vấn đề xã hội và kinh tế.
Trong một bài bình luận trên tờ China Daily mới đây, Christopher Tang, giáo sư tại Trường Quản lý Anderson thuộc Đại học California (Mỹ), viết rằng mô hình AI tiết kiệm chi phí của DeepSeek “dân chủ hóa quá trình phát triển AI, giúp nhiều quốc gia và công ty có thể tham gia và hưởng lợi từ những tiến bộ của AI”. “Thành công của DeepSeek chứng minh rằng các nước đang phát triển có nguồn lực hạn chế có thể học hỏi DeepSeek để phát triển các mô hình sáng tạo riêng của họ. Điều này có thể giúp thu hẹp khoảng cách giữa các nước phát triển và đang phát triển về mặt năng lực công nghệ” - giáo sư Tang cho hay.
Diao Daming, giáo sư quan hệ quốc tế Đại học Nhân dân Trung Quốc, nói rằng sự phổ biến toàn cầu của DeepSeek là “sự biểu hiện của quyền lực mềm ngày tăng của Trung Quốc”. Ông cho rằng chính sự trỗi dậy một cách nhanh chóng của DeepSeek đã giúp cải thiện danh tiếng và ảnh hưởng của Bắc Kinh trên trường quốc tế. Theo giáo sư Diao, nền tảng quyền lực mềm của Trung Quốc nằm ở sự sẵn lòng chia sẻ những thành tựu công nghệ của nước này với các quốc gia khác, trái ngược với một số nước phương Tây vốn cũng sở hữu các công nghệ tiên tiến nhưng lại “ngại” chia sẻ với thế giới. “Đó là lý do vì sao Trung Quốc có thể đạt được ảnh hưởng lớn hơn” - ông Diao nhấn mạnh.
Ngoài DeepSeek, giáo sư Diao cho rằng sự phổ biến ngày càng tăng của các nền tảng truyền thông xã hội của Trung Quốc như TikTok hay Tiểu Hồng Thư (Xiaohongshu, hay còn gọi là RedNote) cho thấy các công ty Trung Quốc có thể đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dùng từ các quốc gia khác nhau.
Đồng quan điểm, Jonathan McClory, chuyên gia về quyền lực mềm và các vấn đề đối ngoại, cho rằng mô hình AI tiết kiệm chi phí của DeepSeek là một thành tựu kỹ thuật to lớn, bản chất nguồn mở của DeepSeek có thể cung cấp cho các nhà phát triển khả năng xây dựng các sản phẩm mới dựa theo mô hình của DeepSeek với chi phí thấp hơn. Theo ông McClory, nếu DeepSeek thực sự cung cấp một giải pháp thay thế rẻ hơn dành cho các mô hình khép kín, đắt tiền như những mô hình do OpenAI phát triển thì “có khả năng quá trình phát triển và áp dụng AI ở Nam bán cầu có thể diễn ra theo ý của Trung Quốc”. Ông cho rằng nếu Trung Quốc có thể cung cấp công nghệ tiên tiến với mức giá thấp hơn so với các nước phương Tây thì “đó sẽ là động lực thúc đẩy danh tiếng toàn cầu của Trung Quốc, từ đó khuếch trương quyền lực mềm của nước này”.
Do lo ngại về bảo mật dữ liệu, ngày càng có nhiều quốc gia từ châu Âu đến châu Á thắt chặt các quy định liên quan đến nền tảng chatbot AI mang tên R1 của công ty DeepSeek phát triển. Tại Mỹ, các nghị sĩ đã đưa ra dự thảo “Đạo luật không có DeepSeek trên thiết bị của chính phủ”, quy định cấm toàn bộ các nhân viên liên bang sử dụng DeepSeek trên các thiết bị do chính phủ cấp.
TRÍ VĂN (Tổng hợp)