Lấy ý tưởng từ “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ, phim “Đèn âm hồn” của đạo diễn Hoàng Nam thu hút đông đảo khán giả đến rạp. Phim đạt doanh thu hơn 100 tỉ đồng sau gần 2 tuần công chiếu, gây bất ngờ phòng vé mùa phim Tết Ất Tỵ. Tuy nhiên, dẫu có nỗ lực làm mới tác phẩm văn học và kết hợp yếu tố văn hóa tâm linh, phim vẫn còn nhiều hạn chế về mặt nội dung và diễn xuất.
Tại Cần Thơ, phim đang chiếu tại các cụm rạp của CGV và Lotte Cinema.

Hai mẹ con Thương và Lĩnh trong phim.
Nỗi oan khuất của người thiếu phụ chờ chồng trong tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương” được tái hiện trọn vẹn trên phim. Trên nền câu chuyện đó, biên kịch thêm thắt những tình tiết mới mang tính tâm linh, đẩy mạch truyện lên cao trào, đi sâu vào cuộc chiến trừ tà của thầy cúng và các thế lực siêu nhiên. Cụ thể là Lĩnh, con trai của người thiếu phụ tên Thương (Diễm Trang đóng) nhặt được chiếc đèn có khả năng triệu hồi âm hồn. Từ đó, mẹ con Thương bị ác linh bủa vây, phải nhờ đến sự giúp đỡ của Liễu (Hoàng Kim Ngọc), một thầy cúng trong làng. Đinh (Phú Thịnh) - chồng Thương - từ chiến trận trở về, nghi vợ ngoại tình khi thấy con trai một mực không chịu nhận cha. Cao trào là khi Thương gieo mình xuống sông, được Liễu tìm thấy trong tình trạng hấp hối. Để cứu vợ, Đinh phải bước vào âm giới, đụng độ với thế lực tà ác…
Bên cạnh mạch truyện chính, nhiều giai thoại dân gian được đưa vào phim; đồng thời cài cắm thông điệp về tập tục thờ phụng tổ tiên. Những linh hồn không được con cháu tưởng nhớ, cúng kiếng chu đáo sẽ lang thang, vất vưởng. Các nghi thức dân gian được tái hiện chi tiết, sinh động.
Bối cảnh và thiết kế mỹ thuật, hình ảnh là điểm mạnh của “Đèn âm hồn”. Phim vẽ lại bức tranh làng quê Bắc Bộ chân thực và sống động qua từng chi tiết: từ nếp nhà tranh, khu chợ, con đường làng, cánh đồng lúa, chiếc áo tứ thân đến ánh đèn dầu… Đặc biệt, những danh thắng thiên nhiên hùng vĩ quay từ trên cao hay đại cảnh trở thành phông nền lý tưởng, tạo nên không khí vừa thơ mộng vừa huyền bí.
Phim có ý tưởng tốt khi phát triển màu sắc tâm linh xoay quanh hình tượng chiếc đèn và cái bóng trên tường, cùng với hành trình điều tra bí ẩn kết nối với bi kịch trong quá khứ. Nhưng cách kể truyện thiếu mạch lạc và những hạt sạn trong kịch bản khiến người xem cảm thấy khó hiểu. Chẳng hạn như khi bị chồng nghi ngờ phản bội, Thương không phản kháng hay phân trần nhằm minh oan, chỉ lẳng lặng tìm đến cái chết. Bi kịch trong quá khứ về ác ma quay lại trả thù cô đồng thiếu thuyết phục. Khán giả mong chờ một cú lật bất ngờ nhưng không có, mọi thứ diễn ra dễ đoán và có phần gượng ép. Diễn xuất của 2 diễn viên trong vai Thương và Đinh chưa đạt, thiếu chiều sâu, nhân vật Đinh đơ, gồng. Điểm sáng diễn xuất thuộc về 2 nhân vật chị em cô đồng và diễn viên nhí trong vai Lĩnh.
Có thể nói, ý tưởng kết hợp văn học với yếu tố kinh dị tâm linh có nhiều tiềm năng, nhưng cách triển khai phim lại chưa hấp dẫn. Với những ai không quá khắt khe, đây vẫn là một tác phẩm giải trí đáng xem.
CÁT ĐẰNG