23/02/2025 - 21:26

Tiềm ẩn nguy hiểm từ vũ khí tự chế 

Gần đây, tại một số quận, huyện trên địa bàn TP Cần Thơ xuất hiện tình trạng thanh, thiếu niên chế tạo, tàng trữ, sử dụng vũ khí tự chế... dùng vào nhiều mục đích khác nhau. Các loại vũ khí tự chế này không chỉ có khả năng gây sát thương mà còn ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự ở địa phương.

Một số thanh, thiếu niên ở quận Thốt Nốt tàng trữ, sử dụng vũ khí tự chế bị phát hiện, xử lý.

Giữa tháng 2-2025, đến phường Trường Lạc, quận Ô Môn, chúng tôi rất bất ngờ trước việc một số thanh, thiếu niên “vô tư” sử dụng súng tự chế làm dụng cụ săn bắn chim. Thấy chúng tôi thắc mắc, một trong số thanh, thiếu niên giải thích: “Đây là súng tự chế bằng cồn. Việc chế tạo súng rất dễ, chỉ cần đến các cửa hàng điện nước mua một đoạn ống nhựa, vài cái co, bộ đánh lửa, băng keo điện, cồn và vài viên bi xe đạp để làm đạn. Chi phí để chế tạo một khẩu súng cồn chưa đến 100.000 đồng”.

Nhìn bên ngoài, súng cồn khá đơn giản, song khả năng sát thương rất cao, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng con người vì khi bóp cò, súng có tia lửa điện đốt cháy cồn, tạo ra hơi nén phóng bi sắt đi xa khoảng 20-50m, tùy theo lượng cồn nhiều hay ít. Súng cồn càng nguy hiểm hơn bởi người dân tự chế tạo, không theo một tiêu chuẩn nào nên khó lường được chuyện cướp cò khi bộ phận đánh lửa điện bị chập, dễ dẫn đến sát thương, nhất là khu vực đông người, có nguy cơ đạn (các viên bi) lạc rất lớn. Súng cồn, súng tự chế có độ công phá rất mạnh và lực sát thương cao không thua kém gì các loại súng hơi. Ông Nguyễn Văn Tuấn ở phường Trường Lạc, nói: “Vật liệu dễ tìm mua, việc chế tạo đơn giản; hoặc có thể mua nguyên súng cồn nên không ít người dân, nhất là các thanh, thiếu niên lén mua, chế tạo, tàng trữ, sử dụng. Việc này nguy hiểm khôn lường nếu không có biện pháp quản lý, phòng ngừa, ngăn chặn”.

Để giảm thiểu những thiệt hại do súng cồn nói riêng, vũ khí tự chế nói chung gây ra, trong năm qua, Công an TP Cần Thơ đã xây dựng và triển khai kế hoạch tuyên truyền, vận động toàn dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Công an quận Thốt Nốt thực hiện mô hình “Phòng ngừa, đấu tranh, vận động thanh, thiếu niên giao nộp hung khí nguy hiểm”. Từ năm 2022 đến nay, toàn quận đã phát hiện, thu giữ và vận động nhân dân giao nộp 211 hung khí các loại…

Tại khoản 4, Điều 11, Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31-12-2021 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, quy định phạt tiền 10-20 triệu đồng đối với một trong những hành vi: chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép các loại vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc các chi tiết, cụm chi tiết để sản xuất, chế tạo vũ khí, công cụ hỗ trợ có tính năng, tác dụng tương tự… 

Bên cạnh đó, Điều 306, Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định, người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự như súng săn, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Nếu gây tổn hại đến sức khỏe, tính mạng người khác, có thể bị phạt tù 1-7 năm.  

Ông Trần Văn Hải ở phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt, nói: “Theo tôi, để ngăn chặn tình trạng thanh, thiếu niên tàng trữ, sử dụng vũ khí tự chế, hung khí nguy hiểm, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chính quyền và ngành chức năng cần xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm. Có như vậy thì mới giáo dục, răn đe được người dân, nhất là thanh, thiếu niên, góp phần đảm bảo tình hình an ninh trật tự trên địa bàn”.

Bài, ảnh: Chấn Hưng

Chia sẻ bài viết