08/02/2025 - 20:55

Tôm cá và văn hóa đánh bắt thủy sản ở ĐBSCL 

Nói đến ÐBSCL là nói đến vô số các các loài thủy sản. Có thể nói ở vùng đất này, nơi nào có nước thì có cá tôm, đến mức có người đã nói vui một cách cường điệu: vạch cá mới thấy nước! Biển rộng sông lớn có cá to; kinh rạch, ao, đìa, hầm, vũng, lung bàu… dẫy đầy cá nhỏ.

Thu hoạch cá trên kinh, rạch bằng vó. Ảnh: DUY KHÔI

Có tìm hiểu, thống kê về các loại cá ở ÐBSCL, mới thấy “trùng trùng điệp điệp”. Và nếu xếp theo chữ cái, thì ta có tính sơ sơ như sau.

Các loài cá bắt đầu bằng chữ B có: ba kỳ đỏ (cá cóc đậm), ba kỳ trắng, ba lưỡi, ba sa, ba thú, bã trầu (bãi trầu, bãi chầu), cá bạc, bạc đầu, bạc má, bảy màu, bao áo, cá be, bẹ trắng (cá trao), cá bè, bè xước, cá bò, cá bò một gai lưng, cá bò đuôi dài, cá bôi, bơn ngộ, bơn vằn răng to, bờn cát, cá bông, bông lau, cá bống (gồm nhiều chi nhỏ nữa như bống cát, bống dừa, bống kèo…), cá bồng, cá buôi, cá buồm...

Bắt đầu bằng ký tự C có cá cào, cam sọc, cam vân, cá căn, cá cày, cá cất, cá cóc, cá còm, cá cơm, cá chạch (chạch bông, chạch lá tre, chạch lấu, chạch lửa, chạch cơm…), cá chai, cá cháo, cá cháy, cháy bẹ, cháy nam, cá chạy, cá chày (chày đục), chỉ vàng, cá chích chòe, cá chủm, cá chép, cá chét, cá chim (chim đen, chim trắng, chim vang), cá chình, cá chẽm, cá chốt (chốt bông, chốt chuối, chốt chuột, chốt cờ, chốt giấy, chốt sọc, chốt trắng…), cá chuồng đất phương đông, cá cóc, cá cờ, cá cơm (cơm sọc tiêu, cơm săng, cơm sông, cơm thường), cá cúi.

Ðiểm sơ các loài bắt đầu từ chữ D, Ð có cá dảnh (dảnh bông), dành dục, cá dày, dày tho, cá dầm, cá dầu, cá dĩa, cá diếc, cá dọ đường, cá dóc, cá duồng, cá duồng bay, cá dứa; cá đao, điêu hồng, cá đỏ dạ lớn, đỏ mang (cá cái), cá đối, cá đù, cá đuôi ó, cá đuối...

Bắt đầu bằng ký tự E, G, H, K có cá ép, cá ét, cá ét mọi, cá gáy, giải áo, cá gộc, cá hàm be, cá hàm chó, cá hàm ếch, cá he (he đỏ, he nghệ, he trắng…), cá heo (heo sọc, heo rừng, heo xanh), cá hiếu miệng đen, cá hóc, cá hô, cá hô đất, cá hố, cá hồng vện, cá hú, cá hương mãnh, cá hường, cá kèo, cá kết, cá khế mõm dài, cá khoai sông, cá kình...

Các loài bắt đầu từ L có cá lài bai, làng cang, lành canh, cá lăng (lăng đuôi đỏ, lăng chiêng), lau kiếng, cá lạt, cá lạt mạ, cá leo, lẹp đen, cá lét, lịch, lìm kìm, cá linh (linh cám, linh chuối, linh dẹp, linh đầu nhím, linh đầu vồ, linh gió, linh non, linh nút, linh ống, linh tía, linh tròn, linh rìa…), cá liệt xanh, cá lóc, lóc bông, lòng tong bay, lòng tong đá, lòng tong lưng thấp, lòng tong mương, cá lù đù, lúi sọc, lưỡi bò, lưỡi hùm, lưỡi mèo, lưỡi trâu, lươn (lươn, chình và lịch tuy có hình thù giống như rắn nhưng người ta xếp chúng vào loài cá)...

Bắt đầu bằng M, N có cá mại, cá mát, cá mau, cá mây, cá mập, cá mè (mè hôi, mè hương, mè lúi, mè vinh), cá mê rổ (hay mè rổ), cá mề tho, cá miêu, cá móm, móm gai dài, cá mờm (cá cơm còn nhỏ), cá mong, cá mối, cá mồng gà, cá mùi (cá hường); cá nang mực, nàng hai, nạng hồng, nanh heo, cá ngộ, cá ngạch, cá ngát, cá ngư ông, cá ngựa sông (ngựa nam, ngựa xám), ngừ bò, ngừ chù, cá ngứa, cá nhái, cá nhám (nhám nghệ, nhám nhọn, nhám trâm…), cá nhồng, cá nhớt, cá nóc (nóc mít, nóc vàng …), cá nòng đầu, nục sò, nục thuôn, cá nược (ông nược)....

Còn bắt đầu với O, Ô, P, Q, R, S có cá ó đầu bò, cá ong sáp, cá ô mun, cá ông già, cá phèn (phèn đen, phèn một sọc, phèn trắng, phèn vàng), cá phướn, cá qua, cá rầm, cá ròng ròng, cá rô biển, cá rô đồng, cá rô phi đen, cá rô phi vằn, cá rựa; cá sao, cá sặt (sặt điệp, sặt bướm, sặt rằn, sặt vện…), cá sấu, cá soát, cá sòng gió, cá sốc, cá sơn, cá sủ...

Với các loài bắt đầu từ chữ T cũng nhiều không kém: cá tà ma, tai tượng, thát lát (cũng viết thác lác), cá thiểu, cá thệ, thòi lòi, thờn bơn, cá thu sông, cá tớp xuôi (cá lẹp sâu), cá tra (tra bầu, tra chuột, tra dầu, tra nghệ, tra bằng, tra đém, tra hóp, tra hú, tra sốc, tra xiêm, tra yêu…), cá trà sóc, cá tràng, cá trao tráo, cá trảo, cá tráo vây lưng đen, cá tràu, cá trèn (trèn bầu, trèn dục, trèn lá, trèn mỡ, trèn ống, trèn răng…), cá trắm cỏ, cá trê (trê dừa, trê lai, trê mỡ, trê phi, trê trắng, trê vàng…), cá trích xương, cá trường sanh; cá thiều...

Và cuối cùng là cá úc (úc gạo, úc nghệ, úc sào, úc thép), cá vàng, cá vảy xước, cá ve, cá vồ (vồ cờ, vồ chó, vồ đém…), cá vược (cá trồi), cá xác/soát sọc…

Còn tôm thì không quá nhiều chủng loại như cá. Ðại khái có tôm càng xanh, tôm càng nhím, tôm chong, tôm cỏ, tôm cồn, tôm bạc, tôm đất, tôm gạo, tôm lang, tôm lóng, tôm hương, tôm nghệ, tôm sắt, tôm tít, tôm tre, tôm trâm… Ðã vậy, rắn, cua, rùa, ếch và cả đến lươn, trăn, tép, ốc… cũng đủ chủng loại.

Với nguồn thủy sản ấy, từ xưa, cư dân ở vùng sông nước đã quá quen thuộc và hầu hết đều thành thạo trong việc đánh bắt, chế biến và thưởng thức. Tuy nhiên ít ai biết rõ và biết đủ hết các loài thủy sản, bởi ở nơi đồng rộng sông dài, kinh rạch chằng chịt rộng khắp này, người ở vùng nước ngọt đầu nguồn của sông Tiền, sông Hậu như An Giang, Ðồng Tháp làm sao biết rành các loại cá vùng nước lợ.

Kéo cá trên ruộng. Ảnh: DUY KHÔI

Thành thử, cho dù ngư dân chuyên nghiệp họ cũng chỉ biết những loài cá ở vùng mình. Nhưng cái biết đó vô cùng tinh tế. Họ biết rất rõ sự sinh hoạt của từng loài, sống nước tĩnh hay nước chảy, biết cả bao giờ chúng xuất hiện, biến mất, tháng nào ăn mồi gì (đại khái có hai loại mồi là mồi chạy tức con mồi là loại cá trắng nhỏ còn sống và mồi cắt là con mồi chạy cắt ra làm hai, làm ba vì lúc này gần Tết, nước sắp giựt con mồi chạy đã lớn). Họ biết cá nào khoái gì, tháng nào đẻ, cách bảo vệ đàn con… Ðồng thời phải làm dụng cụ đánh bắt như thế nào: bắt bằng tay hay phải cần dùng đến lờ, lọp; câu nhắp hay câu cặm; lưỡi câu có ngạnh hay không; nơm, xúc, hay lưới, đáy, chài… Thậm chí họ “làm nhà” dụ cá đến ở. Với những loài cá “ham vui” hoặc có óc “khám phá” phải giải quyết bằng cách nào, vì sao con cá rô đồng đang lội, gặp lưới giăng không chịu xắn vào mà tức tốc dừng lại quan sát kỹ rồi mới “phùng mang” vọt mạnh qua, hay “lắc đầu” ngoe ngoẩy bỏ đi...

Những cái tính, cái nết đó của từng loài, cư dân vùng đất này biết rất rõ. Tất cả đều nhờ vào kinh nghiệm, bí quyết và đồ nghề. Mà đồ nghề của họ phải đâu chỉ là các loại câu, lưới, chỉa… mà còn là đôi tay trực tiếp mò bắt các loại tôm, lươn, cá. Và thật đáng ngạc nhiên khi biết được bí quyết của các “thầy nò” là sử dụng tóc của mình. Vào mùa nước nổi, nước ngập đồng ruộng, sâu 2-3 thước, nước nhiều nhưng chảy yếu và phức tạp chứ không phải chảy xuôi một dòng rõ rệt như ở sông, rạch. Ngồi trên xuồng thấy chảy theo hướng này, nhưng kỳ thật ở tầng đáy nước chảy theo hướng khác, vì bị chi phối bởi địa hình, cụ thể là vùng đất nơi ấy không bằng phẳng, phía trước nơi cắm đăng ven có bờ bực, gò cao hoặc lung bàu gây lệch dòng. Do đó các thầy lặn xuống tìm hiểu để hoặc “nắn” lại dòng chảy bằng cách bỏ những bờ bực ấy hoặc nhổ đăng cắm lại cho đúng hướng hứng dòng chảy. Ðể cảm nhận được dòng chảy quá yếu như vậy, khi lặn xuống quan sát, các thầy nò xổ búi tóc ra, tóc trôi về hướng nào sẽ biết đích xác dòng chảy, từ đó sẽ dễ dàng xử lý thích hợp, cá tôm sẽ chen vô đầy lọp.

Toàn bộ kinh nghiệm khai thác đánh bắt, vận chuyển, cả chăn nuôi trong hầm, đìa, nhà bè… chính là sự hiểu biết của con người, là văn hóa khai thác thủy sản đặc sắc của người ÐBSCL.

Nguyễn Hữu Hiệp

Chia sẻ bài viết