Quan hệ Mỹ -Trung Quốc tiếp tục có dấu hiệu căng thẳng, chỉ hơn một tuần sau khi hai bên tuyên bố tạm ngừng cuộc chiến thương mại để xây dựng khuôn khổ hợp tác mới.
Rút ngắn thời hạn thị thực
Chính phủ Mỹ đang lên kế hoạch rút ngắn thời gian hiệu lực visa đối với một số đương đơn xin thị thực từ Trung Quốc. Động thái này diễn ra giữa lúc chính quyền Tổng thống Donald Trump đang tìm cách ngăn chặn “hành vi đánh cắp trí tuệ” từ Trung Quốc và tiếp tục mạnh tay với các hoạt động thương mại của nước này, đặc biệt những lĩnh vực công nghiệp tiên tiến mà Bắc Kinh muốn thống trị để đáp trả cái mà ông Trump cho là hành vi thương mại không công bằng.

Ảnh: Reuters
Dẫn lời một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, Reuters cho biết chính sách mới sẽ áp dụng từ ngày 11-6. Quy trình nộp đơn không thay đổi nhưng các viên chức lãnh sự quán Mỹ trong từng trường hợp cụ thể sẽ giới hạn thời gian hiệu lực visa của đương đơn người Trung Quốc, thay vì kéo dài tối đa như trước nay. Nói trong điều kiện giấu tên, một quan chức Mỹ tiết lộ sinh viên Trung Quốc sẽ bị giới hạn visa một năm nếu đang theo học các ngành như robot, hàng không và công nghệ cao. Đây là những mảng quan trọng được chính quyền Bắc Kinh ưu tiên trong chiến lược “Made in China 2025”, phục vụ tham vọng “thống trị” những ngành công nghiệp then chốt trong vài năm tới. Ngoài ra, quan chức Mỹ còn cho biết công dân Trung Quốc đang xin thị thực sẽ cần chứng nhận và chấp thuận từ nhiều cơ quan Mỹ nếu họ làm công việc nghiên cứu hoặc quản lý ở các đơn vị có tên trong danh sách cần tăng cường giám sát. Quá trình này có thể mất vài tháng.
Đây là một phần trong chiến lược của chính quyền Trump nhằm ngăn chặn đối thủ nước ngoài đánh cắp tài sản trí tuệ của các công ty Mỹ, đặc biệt là Trung Quốc. Hồi cuối năm ngoái, Chiến lược An ninh Quốc gia Mỹ cũng từng đề cập vấn đề này khi cho biết Washington sẽ xem xét và thắt chặt thủ tục visa nhằm hạn chế hành vi gián điệp kinh tế. Tài liệu đặc biệt nhấn mạnh hạn chế thị thực có thể áp dụng đối với sinh viên của một số quốc gia theo học ngành khoa học, công nghệ và toán học để đảm bảo “tài sản trí tuệ không rơi vào tay các đối thủ cạnh tranh của Mỹ”.
Trừng phạt thương mại
Hôm 29-5, Nhà Trắng cho biết sẽ công bố danh sách hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu trị giá 50 tỉ USD bị áp mức thuế 25% vào ngày 15-6 tới. Washington cũng tuyên bố tiếp tục theo đuổi vụ kiện chống Bắc Kinh tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Vào cuối tháng 6, Mỹ sẽ công bố giới hạn đầu tư và “kiểm soát xuất khẩu tăng cường” đối với cá nhân, tổ chức Trung Quốc liên quan hoạt động “thâu tóm công nghệ công nghiệp quan trọng”.
Động thái này diễn ra gần một tuần sau tuyên bố của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin tạm hoãn cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Hai bên dự kiến sẽ tiến hành vòng đàm phán tiếp theo khi Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross tới Trung Quốc từ ngày 2 đến 4-6 để thảo luận và thuyết phục Bắc Kinh đưa ra con số cụ thể để giảm thặng dư thương mại thông qua các biện pháp tăng nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ.
Trong tuyên bố chung hôm 19-5, hai cường quốc kinh tế thế giới cho biết đã đạt được “một sự đồng thuận” về các biện pháp hiệu quả để thu hẹp thâm hụt thương mại trị giá hơn 300 tỉ USD của Mỹ với Trung Quốc. Lo ngại về cuộc chiến thương mại lắng dịu sau khi chính quyền Trump ra thông báo đạt được thỏa thuận giải quyết tranh chấp liên quan tập đoàn viễn thông ZTE của Trung Quốc. Nhưng hồi cuối tuần rồi, dư luận tiếp tục bất an sau cảnh báo của Tổng thống Trump, rằng bất cứ thỏa thuận nào giữa Mỹ và Trung Quốc cũng cần “một cấu trúc khác”, khiến các bên lo ngại những gì đã đạt được trong tiến trình đàm phán thương mại giữa 2 nước có thể không kéo dài.
Đáp trả tuyên bố của Nhà Trắng, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết rất ngạc nhiên khi động thái của Mỹ trái với sự đồng thuận mà hai bên đã đạt được gần đây. Trong khi đó, Tân Hoa xã một mặt tuyên bố Bắc Kinh “sẵn sàng đối đầu” để bảo vệ lợi ích nếu Washington tiếp tục tìm kiếm một cuộc chiến thương mại. Mặt khác, hãng tin này khẳng định Trung Quốc sẽ tiếp tục tham vấn phái đoàn Mỹ với hy vọng Washington sẽ hành động phù hợp theo tinh thần tuyên bố chung. Hoàn cầu Thời báo của Trung Quốc thì chỉ trích Mỹ đang “ảo tưởng” và cảnh báo việc “thất hứa” chỉ khiến Washington bị “cô lập”.
Tiếp tục các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông
Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis hôm 29-5 tuyên bố nước này sẽ tiếp tục duy trì sự hiện diện ở Biển Đông như một biện pháp nhằm đảm bảo an ninh, an toàn và tự do hàng hải trong khu vực. Ông Mattis nhấn mạnh Mỹ đang thực hiện các bước đi tích cực để ngăn chặn các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc tại các bãi đá và các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng trái phép ở Biển Đông. Ông cho biết Chính phủ Mỹ đã bày tỏ quan ngại về các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc thời gian gần đây ở Biển Đông. Dự kiến, ông sẽ có những phát biểu mạnh mẽ về vấn đề này khi tham dự Đối thoại Shangri-La dự kiến diễn ra tại Singapore vào cuối tuần này.
Ngày 27-5, hai tàu chiến của Hải quân Mỹ gồm tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường Higgins và tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường Antietam đã đi vào khu vực 12 hải lý xung quanh quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông trong khuôn khổ chiến dịch “Tự do hàng hải” (FONOP). Động thái này diễn ra vài ngày sau khi Mỹ rút lời mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận hải quân “Vành đai Thái Bình Dương” (RIMPAC), với lý do Bắc Kinh tiếp tục các hành động quân sự hóa ở Biển Đông làm leo thang căng thẳng và gây bất ổn trong khu vực.
|
MAI QUYÊN (Theo Reuters)