Quần đảo Solomon đã ban hành lệnh cấm cập cảng đối với tất cả tàu quân sự nước ngoài, làm dấy lên quan ngại về ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Thái Bình Dương.
Ngày 30-8, Văn phòng Thủ tướng Solomon Manesseh Sogavare cho biết Honiara đã thông báo đến tất cả đối tác về việc tạm hoãn gửi yêu cầu cho các tàu quân sự tiến vào lãnh hải Solomon. Lệnh này sẽ được dỡ bỏ khi có quy trình phê duyệt mới. Không nêu cụ thể quốc gia nào, tuyên bố nói thêm rằng Quần đảo Solomon đã có những “trải nghiệm đáng tiếc” khi các tàu hải quân nước ngoài tiến vào vùng biển nước này trong cả năm mà không có giấy phép thông quan theo thủ tục ngoại giao. Vì vậy, qua lệnh cấm nói trên, Honiara hy vọng có thể kiểm soát tốt hơn các vùng đặc quyền kinh tế của mình.

Tàu bệnh viện của Hải quân Mỹ cập cảng Solomon trước khi có lệnh hoãn. Ảnh: Reuters
Thông báo được đưa ra sau sự cố hồi tuần trước, khi Solomon không phản hồi yêu cầu cập cảng để tiếp nhiên liệu và bổ sung dịch vụ hậu cần của tàu tuần duyên Mỹ Oliver Henry như thường lệ. Con tàu sau đó buộc phải chuyển hướng sang Papua New Guinea. Trước khi lệnh cấm chung được ban hành, Đại sứ quán Mỹ tại Úc cho biết đã nhận thông báo từ Chính phủ Solomon vào ngày 29-8 về việc cấm tất cả tàu hải quân Mỹ ghé các cảng của họ. Tuy nhiên, Thủ tướng Sogavare trong bài phát biểu chào đón chuyến thăm của tàu bệnh viện hải quân Mỹ Mercy vào chiều 30-8 nói rằng sự chậm trễ đối với tàu Oliver Henry là do thông tin không được gửi đến văn phòng ông đúng giờ. Đây cũng là lý do Solomon ra lệnh cấm chung để có thêm thời gian xem xét và áp dụng cơ chế mới, ông Sogavare khẳng định.
Ngoài tàu tuần duyên Mỹ, có tin tàu tuần tra xa bờ HMS Spey của Hải quân Hoàng gia Anh tuần rồi cũng không thể thực hiện thủ tục ghé cảng Solomon. Vào thời điểm tìm cách tiếp nhiên liệu tại Honiara, cả hai tàu nói trên đều đang làm nhiệm vụ theo dõi đánh bắt cá trái phép ở Nam Thái Bình Dương. Trước đó, Mỹ đã công bố kế hoạch chống đánh bắt cá bất hợp pháp ở Thái Bình Dương như một phần trong nỗ lực tăng cường can dự ở khu vực trước ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.
Xu thế đáng lo ngại
Động thái của Solomon diễn ra sau khi các quan chức hàng đầu của Mỹ đến thăm quốc gia Thái Bình Dương để củng cố quan hệ, đồng thời đưa ra cảnh báo về thỏa thuận an ninh mới giữa Honiara với Bắc Kinh. Theo chuyên gia Charles Edel tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, việc từ chối cho tàu quân sự Mỹ cập cảng không phải là mối quan tâm đáng kể. Nhưng đặt trong bối cảnh quan hệ ngày càng miễn cưỡng giữa chính quyền Thủ tướng Sogavare với Mỹ và các đồng minh kể từ khi Solomon đạt được hiệp ước an ninh với Trung Quốc và gần đây là chấp nhận Huawei thầu xây dựng 161 tháp viễn thông, thì quyết định của Honiara lại phản ánh xu hướng đáng lo ngại và khiến giới chức ở Washington bất an. “Đây là tín hiệu cho thấy Thủ tướng Sogavare đang tìm cách đưa Solomon gần Trung Quốc hơn và ngày càng rời khỏi Mỹ, Úc cũng như phần còn lại của cộng đồng quốc đảo Thái Bình Dương” - ông Edel cảnh báo. Về lâu dài, sự mất cân bằng quyền lực giữa Trung Quốc và quốc gia nhỏ bé ở Thái Bình Dương có thể đặt ra nguy cơ đối với khả năng Hải quân Mỹ mở rộng hiện diện cũng như hỗ trợ đối tác và đồng minh ở châu Á - Thái Bình Dương.
Trong khi đó, tờ Nikkei dẫn lời giới chuyên môn cho biết việc Thủ tướng Sogavare thúc đẩy quan hệ với Bắc Kinh đang làm dấy lên quan ngại Honiara có thể tiến tới chế độ chuyên quyền và ông Sogavare sẽ giữ vị trí lãnh đạo trong một thời gian dài.
MAI QUYÊN (Theo Reuters, Guardian)