17/06/2024 - 17:21

Số lượng đầu đạn hạt nhân “sẵn sàng hoạt động” đang gia tăng 

Các nhà nghiên cứu cảnh báo vai trò của vũ khí nguyên tử hiện trở nên nổi bật hơn và những quốc gia hạt nhân đang hiện đại hóa kho vũ khí của họ trong bối cảnh quan hệ địa chính trị xấu đi trên toàn cầu.

RS-24 Yars, tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân của Nga. Ảnh: AP

“Chúng tôi chưa từng chứng kiến vũ khí hạt nhân đóng vai trò nổi bật đến thế trong quan hệ thế giới kể từ thời Chiến tranh Lạnh”, ông Wilfred Wan, Giám đốc Chương trình Vũ khí hủy diệt hàng loạt thuộc Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), lo ngại.

Trong báo cáo thường niên được công bố ngày 17-6, SIPRI cũng cảnh báo những nỗ lực ngoại giao nhằm kiểm soát vũ khí hạt nhân đang chịu những bước lùi nghiêm trọng, giữa lúc quan hệ thế giới căng thẳng vì các cuộc xung đột ở Ukraine và Dải Gaza.

SIPRI lưu ý vào tháng 2-2023, Nga tuyên bố ngừng tham gia Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) được ký năm 2010. Đây là thỏa thuận duy nhất còn lại có thể giới hạn lực lượng hạt nhân chiến lược của Mỹ - Nga. Viện Nghiên cứu cũng nhắc lại việc Nga diễn tập vũ khí hạt nhân chiến thuật gần biên giới Ukraine trong tháng rồi.

Bên cạnh đó, thỏa thuận phi chính thức giữa Mỹ và Iran ký kết vào tháng 6-2023 liên quan đến chương trình hạt nhân của Tehran đã bị đảo ngược sau khi cuộc xung đột giữa phong trào Hồi giáo Hamas và Israel bùng phát ở Gaza vào tháng 10 cùng năm.

“Cuộc chiến ở Ukraine đã có tác động tiêu cực đến các cuộc đàm phán về kiểm soát vũ khí hạt nhân và làm giảm cơ hội phá vỡ bế tắc lâu dài trong việc kiểm soát vũ khí hạt nhân cũng như đảo ngược xu hướng đáng lo ngại về việc các quốc gia có vũ khí hạt nhân đang phát triển và triển khai các hệ thống vũ khí mới”, SIPRI giải thích.

“Diễn biến đáng quan ngại”

Theo SIPRI, nhóm 9 quốc gia có hạt nhân của thế giới đang tiếp tục hiện đại hóa kho vũ khí và một số nước thậm chí triển khai vũ khí đã được trang bị hoặc có thể mang đầu đạn hạt nhân trong năm 2023. Nhóm 9 nước này gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, CHDCND Triều Tiên và Israel.

Đầu năm nay, trong số 12.121 đầu đạn hạt nhân hiện hữu trên khắp thế giới, khoảng 9.585 đầu đạn được bảo quản và 2.100 thiết bị được giữ trong trạng thái sẵn sàng sử dụng cho các tên lửa đạn đạo. Gần như toàn bộ đầu đạn trong trạng thái “cảnh báo cao” thuộc về Nga và Mỹ, hai nước sở hữu gần 90% số vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, Trung Quốc lần đầu tiên được cho đang để một vài đầu đạn ở trạng thái này.

SIPRI phát hiện kho dự trữ vũ khí của Trung Quốc đã tăng từ 410 đầu đạn hạt nhân hồi năm ngoái lên 500 đầu đạn vào tháng 1. Trong số 500 đầu đạn này, 24 đơn vị đã được triển khai.

Để so sánh, Mỹ đã triển khai 1.770 đầu đạn trong số 3.708 đầu đạn. Theo SIPRI, tính đến tháng 1 năm nay, Mỹ có 5.044 đầu đạn hạt nhân (bao gồm cả kho dự trữ và các đầu đạn sắp được tháo dỡ), trong khi Nga sở hữu 5.580 đầu đạn.

Cũng theo báo cáo, Trung Quốc đang trong giai đoạn mở rộng năng lực hạt nhân “đáng kể” và có thể sở hữu số lượng tên lửa đạn đạo liên lục địa bằng với Mỹ hoặc Nga vào năm 2030.

Trung Quốc phủ nhận họ đang trong quá trình xây dựng kho hạt nhân quy mô lớn, nhưng nếu tốc độ tăng trưởng được duy trì như hiện nay, quốc gia Đông Á có thể sở hữu hơn 700 đầu đạn vào năm 2027 và 1.000 vào cuối thập kỷ này, theo Tong Zhao, chuyên gia cấp cao tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình quốc tế.

Tại một hội nghị về giải trừ vũ khí hạt nhân gần đây, Pranay Vaddi, quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Joe Biden, đã cảnh báo rằng Mỹ có thể cần triển khai kho vũ khí hạt nhân lớn hơn nếu các đối thủ như Nga và Trung Quốc tiếp tục đi theo con đường này.

Giám đốc SIPRI Dan Smith nhận định số lượng đầu đạn hạt nhân trong trạng thái chờ sử dụng đang gia tăng theo từng năm và xu hướng trên có lẽ sẽ tiếp tục tăng tốc trong những năm tới. Ông gọi đây là diễn biến “vô cùng đáng quan ngại”.

HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết