10/12/2023 - 10:13

Singapore “đau đầu” vì giới siêu giàu Trung Quốc 

2023 được cho là năm Trung Quốc phục hồi kinh tế, nhưng nền kinh tế lớn nhất châu Á lại chứng kiến cảnh “bay vốn” lớn nhất trong nhiều năm khi giới siêu giàu đất nước tỉ dân xem Singapore như là nơi trú ẩn an toàn trong bối cảnh tăng trưởng trong nước chậm chạp, các doanh nghiệp tư nhân bị quản lý chặt chẽ. Song, không phải tất cả các khoản tiền đổ vào đảo quốc sư tử đều là sạch sẽ. 

Giá bất động sản Singapore tăng mạnh một phần là “nhờ” giới siêu giàu Trung Quốc. Ảnh: The Edge Singapore

Theo tờ Asia Times, những cá nhân có giá trị tài sản ròng cao (HNWI) từ Trung Quốc đại lục và Hong Kong được cho là đã góp phần tạo nên dòng vốn đổ vào Singapore ở mức kỷ lục trong vòng 2 năm qua. Công ty tư vấn bất động sản OrangeTee & Tie cho biết, người Trung Quốc đại lục là những người nước ngoài mua bất động sản tư nhân nhiều nhất ở Singapore hồi năm 2022, chiếm ¼ trong số 425 vụ mua nhà “sang trọng” được ghi nhận. Chính điều này đã góp phần làm giá bất động sản và giá cho thuê ở Singapore tăng cao, từ đó đẩy lạm phát lên mức cao nhất trong vòng 14 năm. Theo dữ liệu từ công ty tư vấn bất động sản Knight Frank, giá bất động sản nhà ở tại Singapore tăng 14% trong năm ngoái.  

Mặt khác, những “giai thoại” và hình ảnh về những người Trung Quốc siêu giàu phô trương sự giàu có của họ trong thời kỳ khó khăn đã khiến nhiều người dân Singapore cảm thấy việc đất nước họ tiếp nhận dòng vốn từ Trung Quốc là sai lầm.

Thật vậy, dòng vốn từ Trung Quốc đã trở thành một vấn đề nhạy cảm về mặt chính trị ở Singapore, đặc biệt là sau khi chính quyền địa phương hồi tháng 8 năm nay bắt giữ và cáo buộc 10 công dân Trung Quốc một loạt tội danh, gồm rửa tiền liên quan đến số tiền thu được từ các vụ lừa đảo và đánh bạc. Tổng cộng, khoảng 2,8 tỉ SGD (tương đương 2 tỉ USD) tiền mặt và các tài sản khác đã bị phong tỏa hoặc tịch thu trong vụ án này. Đặc biệt, trong số các bị cáo gồm thành viên của các câu lạc bộ goft có uy tín tại địa phương và các nhà tài trợ cho các tổ chức từ thiện địa phương. Những người này đã chọn di cư, thành lập doanh nghiệp mới ở Singapore và đa số phải đối mặt với cáo buộc liên kết với các văn phòng gia đình do giới siêu giàu Trung Quốc lập ra để quản lý tiền bạc và các khoản đầu tư của họ ở Singapore.

Trong nhiều thập niên, quốc gia Đông Nam Á nhỏ bé với 5,9 triệu dân này đã cung cấp dịch vụ quản lý đầu tư cho các cá nhân giàu có với mức thuế thu nhập hấp dẫn, không đánh thuế lãi vốn hoặc thuế thừa kế, sở hữu luật bảo mật tài chính mạnh mẽ và có những chính sách nhằm khuyến khích các công ty đa quốc gia thành lập trụ sở tại nước này. Chưa kể, các nhà đầu tư cũng có thể trở thành thường trú nhân Singapore mặc dù ngưỡng đầu tư tối thiểu kể từ tháng 3 đã được nâng lên đáng kể, từ mức đầu tư 2,5 triệu SGD vào một tổ chức kinh doanh, quỹ hoặc văn phòng gia đình địa phương lên mức ít nhất 10 triệu SGD. Trong giai đoạn 2020-2022, khoảng 200 người đã được cấp thẻ thường trú nhân Singapore thông qua các khoản đầu tư như vậy. Địa lý và văn hóa cũng là điểm thu hút những người Trung Quốc đại lục giàu có tìm đến đầu tư tại Singapore. Khoảng 70% dân số Singapore là người gốc Hoa và Quan thoại là một trong những ngôn ngữ chính thức được sử dụng một cách rộng rãi tại đất nước nhỏ bé này.

Theo Cục quản lý tiền tệ Singapore (MAS), nước này đạt mức kỷ lục 22,5 tỉ SGD trong các cam kết đầu tư tài sản cố định vào năm 2022, gần gấp đôi so với con số 11,8 tỉ SGD năm 2021. Năm ngoái cũng chứng kiến sự bùng nổ về số lượng các văn phòng gia đình và văn phòng gia đình đơn lẻ quản lý tài sản của những người giàu. MAS cho biết, số lượng văn phòng gia đình đơn lẻ đã tăng lên con số 1.100 vào năm 2022, tăng mạnh so với mức chỉ 400 văn phòng hồi năm 2020. Trong khi đó, Tập đoàn tư vấn Boston (Mỹ) ước tính có tới 800 văn phòng gia đình ở Singapore, tăng mạnh so với con số chỉ 100 văn phòng cách đây 5 năm.

Để hạ nhiệt thị trường bất động sản, giới chức Singapore hồi tháng 4-2023 đã đưa ra mức thuế bất động sản lên tới 60% đối với người mua nhà nước ngoài và thậm chí là áp mức thuế cao hơn đối với người Singapore và thường trú nhân mua ngôi nhà thứ hai. MAS cho biết, nhu cầu từ người mua nhà nước ngoài đã giảm xuống còn khoảng 4% tổng số giao dịch tính đến thời điểm hiện tại, trong khi giá nhà ở đã giảm từ mức tăng 11,4% trong quý I xuống còn 4,4% trong quý III.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết