|
Một số tay súng thuộc Phong trào Giải phóng châu thổ Niger dùng thuyền di chuyển giữa các căn cứ. Ảnh: Getty Images |
Tập đoàn dầu khí Shell (liên doanh của Anh và Hà Lan) đã tiếp tay cho cuộc xung đột ở Nigeria bằng việc chi trả hàng trăm nghìn đô-la cho các nhóm vũ trang thù địch - theo báo cáo điều tra của cơ quan giám sát ngành dầu Platform và liên minh các tổ chức phi chính phủ.
Báo cáo cho rằng Shell có liên quan đến các vụ vi phạm nhân quyền tại Đồng bằng Niger, các khoản tài trợ thường xuyên của họ dành cho các nhóm vũ trang đã làm trầm trọng thêm tình hình bạo lực ở địa phương, có vụ làm chết 60 người và phá hủy hoàn toàn một thị trấn. Cuộc điều tra của Platform, bao gồm bằng chứng từ chính các quản lý của Shell, cũng cho rằng các lực lượng của chính phủ được Shell thuê mướn đã gây ra tội ác chống lại dân thường địa phương, bao gồm giết người phi pháp và tra tấn có hệ thống.
Trong báo cáo Các tập đoàn và tình hình nhân quyền ở Đồng bằng Niger, Platform cho biết họ tìm thấy bằng chứng và các hợp đồng chứng tỏ Shell thường xuyên tặng những hợp đồng béo bở cho các nhóm vũ trang. Đơn cử vào năm ngoái, Shell đã chuyển hơn 159.000 USD cho một nhóm dân quân bạo lực. Chukwu Azikwe, thành viên một nhóm nổi loạn, nói: “Chúng tôi được chu cấp và dùng số tiền đó mua vũ khí, đạn dược, thực phẩm và để duy trì cuộc chiến”. Azikwe cho biết băng nhóm của y và kẻ cầm đầu, SK Agala, đã cố ý phá hoại các đường ống dẫn dầu của Shell và “một số nhà quản lý của công ty sẽ mang tiền mặt đến”. Tuy nhiên, băng nhóm này sau đó phải cạnh tranh với một phe khác liều lĩnh và manh động hơn cũng muốn nhảy vào chia sẻ lợi ích từ “tiền bảo kê” các đường ống. Tình hình đó đã biến châu thổ Niger thành một vùng chiến sự giữa các băng nhóm đối địch. Nói chung, phe nào chiếm ưu thế sẽ được Shell chú ý (và cống nạp).
Platform chắc chắn Shell biết rõ rằng hàng nghìn đô-la mà công ty này trả cho các nhóm nổi loạn ở thị trấn Rumuekpe hàng tháng được dùng để duy trì cuộc xung đột. Rumuekpe là “điểm huyết mạch cho các hoạt động của Shell” ở phía Đông Nigeria, với khoảng 100.000 thùng dầu được chuyển qua mỗi ngày, chiếm gần 10% sản lượng mỗi ngày của công ty tại nước này. Báo cáo nói rằng Shell phân bổ quỹ “phát triển cộng đồng” và các hợp đồng thông qua Friday Edu, một lãnh đạo trẻ và là nhân viên liên lạc cộng đồng của Shell - một sự sắp đặt được cho làm gia tăng nguy cơ gây căng thẳng và xung đột trong cộng đồng. Chẳng hạn vào năm 2005, sự độc quyền của Edu đối với các nguồn tài nguyên của Công ty Phát triển Dầu khí Shell tại Nigeria (SPDC) đã gây ra cuộc tranh giành vai trò lãnh đạo với nhóm của Agala. Nhóm này bị đào thải và chống trả bằng các cuộc nổi loạn làm nhiều người thiệt mạng. Tình trạng bạo lực do xung đột lợi ích trong cộng đồng từ năm 2005-2008 đã làm chết khoảng 60 người, kể cả phụ nữ và trẻ em. Hàng nghìn người phải rời bỏ nhà cửa, trường học và nhà thờ để đi lánh nạn. Nhiều người trong số này lâm vào tình cảnh bị suy dinh dưỡng nặng, nghèo đói và vô gia cư.
Điều tra của Platform cho rằng cách xử sự và phản ứng của Shell đối với các mối đe dọa đã biến công ty này thành kẻ tiếp tay cho vòng xoáy bạo lực ở Nigeria. “Cuộc khủng hoảng Rumuekpe hoàn toàn có thể tránh được... Shell làm ăn ở đây hàng chục năm mà không có một biên bản ghi nhớ nào, gây phương hại đến cộng đồng và phân phát các “quỹ phát triển cộng đồng” thông qua kẻ đã đánh mất lòng tin trong cộng đồng. Một khi xung đột xảy ra, Shell lại chung chi cho chính những kẻ gây rối và vi phạm nhân quyền đang đe dọa cơ sở hạ tầng của họ. Hậu quả để lại từ những sai lầm của Shell là vô số kể” - báo cáo kết luận. Platform kêu gọi Shell cắt đứt quan hệ với các lực lượng chính phủ và các nhóm vũ trang gây ra tội ác, đồng thời khắc phục ô nhiễm môi trường tại châu thổ Niger.
Về phần mình, Shell phản đối báo cáo của Platform, cho rằng họ tôn trọng nhân quyền và cam kết hợp tác với chính quyền Nigeria nhằm bảo đảm nước này hưởng lợi từ các nguồn tài nguyên thiên nhiên của họ. Mặc dù vậy, Shell khẳng định công ty sẽ xem xét cẩn thận các đề xuất của Platform và hợp tác với chính quyền Nigeria cùng các cổ đông để tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề mà Platform đã nêu.
THANH TRÚC (Theo Guardian)