16/12/2018 - 10:09

Serbia dọa can thiệp quân sự vào Kosovo 

Nghị viện Kosovo hôm 14-12 đã thông qua dự luật xây dựng quân đội nhằm mục đích xác lập chủ thể nhà nước có chủ quyền của Cộng hòa Kosovo vốn chưa được cộng đồng quốc tế công nhận. Luật mới cho phép chuyển đổi Lực lượng an ninh Kosovo (KSF) gồm 4.000 nhân viên hiện nay thành quân đội thường trực với 5.000 binh sĩ, 3.000 lính dự bị và ngân sách 111 triệu USD. KSF được thành lập trước đây chủ yếu nhằm giải quyết các vấn đề khủng hoảng an ninh, bảo vệ dân sự và công tác hậu cần trong cuộc xung đột hồi những năm 1990.


Lực lượng an ninh Kosovo. Ảnh: AFP

Sau khi dự thảo luật được thông qua với tất cả 107 nghị sĩ có mặt ủng hộ và 11 nghị sĩ thiểu số Serbia tẩy chay, vị chủ tịch của nghị viện Kosovo gồm 120 thành viên, ông Kadri Veseli tuyên bố "cuộc bỏ phiếu hôm nay khởi đầu cho kỷ nguyên mới của đất nước chúng ta", trong khi các nghị sĩ khác ôm nhau "ăn mừng". Viết trên Facebook, Tổng thống Kosovo Hashim Thaci gọi sự kiện này là "món quà tốt nhất cho cuối năm nay và đánh dấu tiến trình xây dựng quốc thể". Ông Thaci còn khẳng định quân đội Kosovo trong tương lai sẽ "đa chủng tộc, chuyên nghiệp và phục vụ cho mọi công dân, phấn đấu vì nền hòa bình cho Kosovo, khu vực và bất kỳ nơi nào trên thế giới khi có yêu cầu".

Đáp lại, các nhà lãnh đạo Serbia đã đồng loạt đưa ra những phản ứng mạnh mẽ. Ngoại trưởng Ivica Dacic cho rằng quân đội mới ở Kosovo là "mối đe dọa trực tiếp nhất đối với hòa bình, ổn định khu vực và an ninh của người Serbia". Ông Nikola Selakovic, cố vấn an ninh của Tổng thống Aleksandar Vucic, cho hay chính quyền Belgrade sẽ đưa quân qua Kosovo hoặc tuyên bố Kosovo là "vùng lãnh thổ bị chiếm đóng". Nữ Thủ tướng Ana Brnabic cảnh báo Serbia có thể can thiệp bằng sức mạnh quân sự. Phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Vucic cho rằng việc Kosovo muốn thành lập quân đội là nhờ có sự hậu thuẫn của Mỹ, Anh và Đức. Ông nhấn mạnh đây là hành động "vượt ranh giới đỏ" và kêu gọi cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ).

Theo hãng tin AFP, chính quyền Belgrade lo ngại quân đội Kosovo một khi được thành lập sẽ đe dọa đến sự an toàn cho 120.000 người Serbia tại Kosovo, nơi người Albania chiếm đa số. Phần lớn người Serbia đang sinh sống tại khu vực phía Bắc Kosovo và gần vùng biên giới tranh chấp giữa chính quyền Belgrade và Pristina. Cộng đồng Serbia tại Kosovo vẫn trung thành với Belgrade và phản đối kế hoạch quân đội hóa Lực lượng an ninh Kosovo (KSF).

Đại sứ quán Mỹ tại Pristina hoan nghênh động thái của Kosovo, cho rằng quân đội mới sẽ giúp bảo vệ lãnh thổ và quyền chủ quyền của Kosovo. Cơ quan ngoại giao Mỹ đồng thời kêu gọi Pristina tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và các đối tác.

Tuy nhiên, không chỉ Liên minh châu Âu (EU), LHQ mà cả NATO, đều lên tiếng chỉ trích bước đi của Kosovo. Thông báo của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg lấy làm tiếc và quan ngại hành động "không đúng lúc" của Kososo không giúp giảm căng thẳng giữa Belgrade và Pristina. Ông Stoltenberg bày tỏ mong muốn NATO sẽ xem xét lại mối quan hệ với Kosovo.

Dù NATO phản đối Kosovo có quân đội riêng, nhưng các nhà phân tích vùng Balkan nhận định bất kỳ hành động quân sự nào của Serbia đều có thể dẫn đến một cuộc đối đầu vũ trang với khoảng 4.500 binh sĩ gìn giữ hòa bình do NATO đứng đầu tại Kosovo từ năm 1999. NATO thực chất do Mỹ nắm vai trò chi phối. Bản thân quân đội 28.000 binh sĩ của Serbia có lẽ cũng không dám mạo hiểm hành động khi nước này đang thúc đẩy gia nhập EU.

Vì thế, hành động thành lập quân đội được giới phân tích đánh giá là nước cờ có toan tính cẩn thận của Kosovo, sau khi họ không được kết nạp làm thành viên Tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) và hưởng thị thực nhập cảnh tự do vào EU trước sự can thiệp của Serbia. Mới đây, Kosovo đã trả đũa bằng cách đánh thuế 100% vào hàng hóa nhập khẩu từ Serbia và gây căng thẳng nghiêm trọng giữa hai bên.

Kosovo đã tự tuyên bố độc lập năm 2008, gần 10 năm sau cuộc xung đột đòi ly khai đẫm máu (1998-1999) kết thúc bằng chiến dịch không kích 78 ngày đêm của NATO chống lại Liên bang Nam Tư cũ từ tháng 3-1999. Đến nay, theo trang Wikipedia, có 107 trên tổng số 193 quốc gia thành viên LHQ (55%) công nhận vùng lãnh thổ có diện tích 10.908 cây số vuông này là Cộng hòa Kosovo độc lập. Tuy nhiên, Kosovo không thể gia nhập LHQ.

ĐỨC TRUNG

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Kosovo