14/07/2010 - 09:14

Thứ trưởng Bộ Giáo dục đào tạo, TS Nguyễn Vinh Hiển:

Sẽ phát triển hệ thống THPT chuyên theo hướng mở

 

Đề án phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2010-2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với kỳ vọng mở ra một con đường mới trong sự nghiệp tạo nguồn bồi dưỡng nhân tài của đất nước.

Để nhìn nhận rõ hơn về những nội dung chủ yếu và giải pháp thực hiện của Đề án, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo, Tiến sĩ Nguyễn Vinh Hiển.

* Xin Thứ trưởng cho biết những mục tiêu, định hướng chính về phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2020?

- Mục tiêu của Đề án là: Xây dựng và phát triển các trường THPT chuyên thành một hệ thống cơ sở giáo dục trung học có chất lượng giáo dục cao, đạt chuẩn quốc gia, có trang thiết bị dạy học đồng bộ, hiện đại đảm bảo thực hiện nhiệm vụ phát hiện những học sinh có tư chất thông minh, đạt kết quả xuất sắc trong học tập để bồi dưỡng thành những người có lòng yêu đất nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc; có ý thức tự lực, có nền tảng kiến thức vững vàng; có phương pháp tự học, tự nghiên cứu và sáng tạo; có sức khỏe tốt để tạo nguồn tiếp tục đào tạo thành nhân tài, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ CNH, HĐH, hội nhập quốc tế.

Mục tiêu cụ thể là bảo đảm mỗi tỉnh, thành phố có ít nhất 1 trường THPT chuyên với số học sinh chiếm 2% tổng số học sinh trên địa bàn.

Chúng ta sẽ ưu tiên đầu tư để đến năm 2015 có 100% trường THPT chuyên đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 15 trường trọng điểm có chất lượng ngang tầm các trường trung học tiên tiến trong khu vực và quốc tế; 20% cán bộ giáo viên sử dụng ngoại ngữ trong giảng dạy và giao tiếp; 30% học sinh đạt bậc 3 về ngoại ngữ theo tiêu chí do Hiệp hội các tổ chức khảo thí ngoại ngữ châu Âu ban hành. Như vậy, từ nay về sau, các trường chuyên phải là trường chuẩn quốc gia (TCQG) và có nhiều tiêu chí vượt trội so với TCQG bình thường về đội ngũ giáo viên (GV), về cơ sở vật chất, về chất lượng giáo dục.

GV trường chuyên tuy không được đào tạo riêng nhưng họ phải được mở rộng đường phát triển nghề bằng cách không ngừng nâng cao trình độ, được tạo điều kiện bồi dưỡng và tự bồi dưỡng để có năng lực phát triển chương trình, tài liệu; phát triển năng lực nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng, phát triển năng lực tổ chức hoạt động sáng tạo cho học sinh (HS) chuyên. GV chuyên cũng phải là người giỏi về ứng dụng công nghệ thông tin cũng như sử dụng ngoại ngữ để phát triển chuyên môn của bản thân và tăng cường năng lực này cho HS của mình.

HS chuyên cần được tuyển chọn sao cho không bỏ sót cũng không tuyển nhầm, và có sàng lọc. Ngoài việc thi thông thường, hiện nay có một số trường chuyên đã tổ chức sơ tuyển, xét tuyển thêm thông qua các chỉ số tài năng như IQ, EQ... Trên cơ sở tuyển chọn tốt, đào tạo tốt, các em sẽ là những người như mục tiêu đào tạo đã nêu ở trên. Trường chuyên không chỉ là môi trường tốt cho HS phát triển tư chất, năng khiếu và năng lực toàn diện của mình mà còn là môi trường lý tưởng cho GV tài năng phát huy năng lực của mình ở mức độ cao. Có thể nói, GV trường chuyên sẽ phải vừa là nhà khoa học vừa nhà giáo dục.

* Để đạt được các mục tiêu nêu trên, chúng ta phải đầu tư nguồn lực như thế nào?

- Tổng kinh phí của Đề án là: 2.312,758 tỉ đồng, trong đó có 1.295,417 tỉ đồng từ Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục đào tạo và 953,65 tỉ đồng vốn vay ODA; 63,792 tỉ đồng ngân sách địa phương.

Phần lớn số kinh phí này (1.660,722 tỉ đồng) được dùng để tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học: xây 664 phòng học, 365 phòng học bộ môn, 49 nhà tập đa năng, 73 thư viện, 55 nhà nội trú, 13 bể bơi,... Đề án cũng dành 624,290 tỉ đồng để phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý như: đào tạo tại nước ngoài và trong nước trình độ thạc sĩ cho 700 GV, về giảng dạy các môn toán, lý, hóa, sinh, tin học bằng tiếng Anh cho 1.300 GV,... Số kinh phí còn lại: 27,746 tỉ đồng dùng để phát triển chương trình, tài liệu, đánh giá hiệu quả giáo dục.

* Tại sao Đề án không đề cập đến việc hình thành hệ thống trường chuyên từ các bậc học thấp hơn? Có phải vì nguồn ngân sách của chúng ta còn hạn hẹp?

- Đây là vấn đề thuộc về khoa học chứ không phải tài chính. Chúng ta không tổ chức đào tạo chuyên ở tiểu học và THCS là vì lứa tuổi ấy các em chưa bộc lộ rõ năng khiếu, nếu đã tập trung ngay vào việc phát triển những biểu hiện của năng khiếu thì rất có thể sẽ là “vun nhầm gốc”. Nhiệm vụ của các bậc học dưới THPT là trang bị những phẩm chất công dân một cách toàn diện làm nền tảng cho bồi dưỡng tài năng sau này (nếu có). Hay nói một cách hình ảnh là hãy để cho gốc to tát vững vàng về mọi phía rồi hãy vun sau thì tốt hơn. Hãy để cho các em được phát triển tự nhiên và tạo những cơ hội cho mầm tài năng nảy nở.

* Đề án đặt mục tiêu xây dựng mô hình trường chuyên không phải là nơi đào tạo “gà nòi” mà là mẫu hình của các trường THPT khác? Thứ trưởng có thể giải thích rõ hơn về điều này?

- Đề án xác định mô hình trường THPT chuyên sẽ là một mô hình mở với hy vọng nó sẽ lan tỏa và góp phần thúc đẩy cả hệ thống giáo dục bậc THPT cùng phát triển.

Tính chất “mở” của trường chuyên thứ nhất thể hiện ở định hướng phát triển nó, nghĩa là: trường chuyên sẽ trở thành mẫu hình của các trường THPT; các tiêu chí của trường chuyên không chỉ dành riêng cho trường chuyên mà các trường khác tuỳ theo điều kiện của mình có thể áp dụng tới mức cao nhất có thể, làm cho ngày càng có nhiều học sinh có cơ hội được học tập trong môi trường giáo dục (GD) tốt nhất, theo cách thức tổ chức hoạt động giáo dục tiên tiến nhất.

Thứ hai, khung chương trình hoạt động GD của trường chuyên và cả khung chương trình cho những môn năng khiếu để phát triển tài năng của HS theo từng lĩnh vực sẽ được xây dựng rất “mở”, bởi vì trường chuyên là môi trường sáng tạo, mọi thành viên trong trường đều được khai thác năng lực sáng tạo để phát triển. Với tinh thần này, sẽ không có SGK cho trường chuyên mà sẽ tăng cường việc biên soạn, giới thiệu các tài liệu tham khảo trong và ngoài nước, đồng thời mỗi GV cũng chủ động khai thác bằng nhiều con đường khác nhau. Đây là một sự đánh giá cao với GV trường chuyên và cũng là đòi hỏi đối với họ. Các sản phẩm trí tuệ của trường chuyên sẽ không phải là tài sản riêng của từng trường mà cần được trao đổi lẫn nhau thông qua website trường chuyên sẽ được thiết lập. Bên cạnh đó là hình thành một mạng lưới GV cốt cán trường chuyên hoạt động trong môi trường mở. Như vậy thì việc GV trường này có thể đi dạy trường khác là chuyện bình thường, và việc công khai các tư liệu tham khảo cũng là nhiệm vụ của các trường chuyên. Hệ thống trường chuyên nêu trong Đề án là do ngân sách nhà nước đầu tư, nhưng mẫu hình trường chuyên thì không phải là sản phẩm độc quyền của nhà nước.

* Có ý kiến lo ngại rằng học sinh trường chuyên giành nhiều giải thưởng cao: trong nước, quốc tế nhưng nhiều em sau khi “đủ lông cánh” lại “bay cao, bay xa” không về phục vụ Tổ quốc? Vậy đầu tư cho trường chuyên có phải là sự lãng phí?

- Có thể khẳng định suốt gần nửa thế kỷ qua, các trường THPT chuyên đã thực hiện được mục tiêu chính của mình (tất nhiên ở các mức độ khác nhau) thể hiện ở chính sản phẩm đào tạo là đa số các HS chuyên đều phát triển cả về kiến thức và kỹ năng, cả các môn chuyên cũng như các môn học khác và được phát triển năng khiếu riêng của mình. Các em có ý chí cao, có năng lực tự học. Nhiều học sinh giỏi đoạt giải quốc gia, được tuyển thẳng vào đại học nhưng đã không nhận chính sách này mà vẫn đăng ký thi tuyển sinh đại học theo nguyện vọng của mình. Hầu hết các HS chuyên đều đỗ đại học với điểm cao, vào những trường “top”. Tuy nhiên cũng phải thừa nhận rằng có một số em chỉ là “gà nòi” thi học sinh giỏi, ít hiểu biết về xã hội và thiếu nhiều “kỹ năng mềm”.

Vâng, rất nhiều em từ trường chuyên đã cất cánh bay cao, bay xa, khẳng định mình không chỉ trong nước mà cả nước ngoài. Một số người cũng lo ngại về chuyện “chảy máu chất xám”... Tôi cho rằng cần quan niệm đầy đủ về phụng sự. Dù là đóng góp trực tiếp hay gián tiếp, làm việc trong nước hay ngoài nước... Đa số du học sinh của ta sau khi học xong sẽ trở về phục vụ quê hương ngay trên đất nước mình. Một số em có thể phát triển tài năng của mình ở nước ngoài mà không hẳn là sai mục tiêu. Miễn làm sao có đóng góp hiệu quả, với một tâm nguyện luôn hướng về dân tộc mình, đất nước mình với lòng tri ân sâu nặng. Như rất nhiều Việt kiều đang có đóng góp lớn và rất hiệu quả cho đất nước, dù họ không sống trên quê hương mình.

Nhân đây, tôi cũng muốn nói về việc lập Hội cựu học sinh ở các trường chuyên. Thật ra, một cách tự phát thì các trường chuyên cũng đều có Ban liên lạc cựu học sinh, và các thế hệ học sinh chuyên vẫn coi mái trường chuyên là chốn đi về của mình. Nhưng các Hội này phải trở thành một hệ thống chính thức trong các trường chuyên, để kết nối các thế hệ HS chuyên, trao đổi cùng nhau, giúp nhau định hướng tương lai, tạo những nhịp cầu hợp tác cả trong nước và ngoài nước, cả cá nhân và tổ chức. Có như vậy, hệ thống trường chuyên mới có thêm nhiều cơ hội phát triển.

* Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

HOÀNG HOA (thực hiện)

Chia sẻ bài viết