Khi đến Luân Đôn (Anh) như điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài của mình, ứng viên Tổng thống Mỹ Mitt Romney đã hứng chịu cái nhìn ghẻ lạnh từ các quan chức lẫn người dân do từng lỡ bày tỏ thái độ nghi ngờ về khả năng tổ chức Thế vận hội Olympic 2012 của Luân Đôn.
Số là, trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình Mỹ hôm 25-7, ông Romney đã nhận định rằng xứ sương mù vẫn chưa sẵn sàng cho Thế vận hội dù chỉ còn 2 ngày nữa. Chính khách từng tham gia tổ chức Thế vận hội Mùa đông tại thành phố Salt Lake (Mỹ) năm 2002 cho rằng Anh gặp “một số bối rối” vì các cơ quan an ninh tư nhân thiếu người, các cán bộ hải quan và nhập cư lại đe dọa đình công. Vì thế, ông lo lắng là “không biết Anh làm được tới đâu”. Những lời phát biểu của ứng viên Romney khiến người Anh giận dữ và làm Thủ tướng Anh David Cameron người sẽ có cuộc gặp ngoại giao với ông chạm lòng tự ái.
Thủ tướng Cameron, người buộc phải sử dụng đến quân đội để thắt chặt an ninh, đã lên tiếng đáp trả nhận định của ông Romney. Thủ tướng Cameron cho rằng Thế vận hội lần này diễn ra tại Luân Đôn - một trong những thành phố nhộn nhịp nhất và năng động nhất thế giới. Vì thế, việc tổ chức đâu thể đơn giản như điều mà ông Romney đã làm tại bang Utah 10 năm trước.
Phát ngôn của ông Romney cũng khiến Thị trưởng Luân Đôn Boris Johnson “nóng mặt”. Trong một buổi nói chuyện tại công viên Hyde Park trước 60.000 khán giả, Johnson đã thể hiện sự giận dữ khi cho rằng: “Có một quý ông tên là Mitt Romney muốn biết là chúng ta có sẵn sàng cho Thế vận hội chưa”. Ông la lớn trước đám đông: “Chúng ta sẵn sàng chưa? Vâng, chúng ta đã sẵn sàng”.
Phản ứng của Thủ tướng Cameron và Thị trưởng Johnson được xem như một khởi đầu không mấy tốt đẹp của chuyến công du kéo dài vài tuần đến Anh, Israel và Ba Lan của ông Romney. Trước tình thế đó, ứng viên đảng Cộng hòa đã cố gắng “vuốt giận” người dân xứ sương mù khi cho rằng Thế vận hội lần này chắc chắn sẽ thành công rực rỡ. Trong cuộc nói chuyện tại số 10 phố Downing, cựu Thống đốc bang Massachusette cũng “chữa cháy” bằng cách nhận định rằng bất cứ sự kiện nào cũng có những sơ sót không tránh khỏi và rằng tất cả sẽ chẳng có ý nghĩa gì trước tinh thần thi đấu quả cảm của các vận động viên.
Ngoài “sự cố” nói trên, ứng viên tổng thống Mỹ cũng từng “nói hớ” khi tự hào cho biết đã có cuộc nói chuyện với ông Patrick Mercer giám đốc cơ quan tình báo Anh MI6 xung quanh vấn đề Syrie. Sự việc khiến người Anh bất bình vì ông đã phá vỡ quy tắc của Anh là không được tiết lộ những cuộc nói chuyện mật như thế. Mặt khác, người ta cũng đặt dấu chấm hỏi về tuyên bố của Romney bởi giám đốc MI6 hiếm khi chia sẻ thông tin tình báo với một người không phải là nguyên thủ quốc gia.
Không dừng lại ở đó, trong một cuộc nói chuyện khác trước cùng ngày, ứng viên đảng Cộng hòa cũng bị cho là công kích đối thủ khi tuyên bố rằng nếu đắc cử, ông sẽ đem vào Nhà Trắng bức tượng của cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill mà Tổng thống Barack Obama đã trả về Anh mấy năm trước..
Với hàng loạt những vụ “sẩy miệng” liên tiếp, thật không khó để nhận thấy chuyến đi nhằm gầy dựng hình ảnh của mình ở nước ngoài của ông Romney đã không thành công như dự kiến.
TRIẾT VĂN (Theo CS Monitor, Telegraph)