08/04/2012 - 23:08

Sách lược "chiếc ghế trống"

Cố Tổng thống Pháp Charles De Gaulle từng khiến Cộng đồng Kinh tế châu Âu- tiền thân của Liên minh châu Âu (EU), phải chệnh choạng, lao đao khi rút đại diện của Pháp ra khỏi tổ chức này năm 1965 do bất đồng về chính sách trợ cấp nông nghiệp chung của khối. Hành động bỏ lại “chiếc ghế trống” của De Gaulle khi ấy tỏ ra có hiệu quả khi chỉ vài tháng sau các nhà lãnh đạo châu Âu đành chấp nhận ký thỏa thuận trao nhiều lợi ích chủ quyền quốc gia hơn cho các nước thành viên nếu xảy ra tranh chấp nào đó.

Hãng tin Anh Reuters hôm qua cho rằng, đương kim Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cũng đang muốn áp dụng lại sách lược “chiếc ghế trống” của De Gaulle khi dọa tẩy chay hiệp ước tự do đi lại của Khu vực Schengen gồm 25 quốc gia thành viên tại châu Âu. Mục đích của ông Sarkozy là buộc các nước trong khu vực phải tăng cường kiểm soát biên giới nhằm ngăn chặn tình trạng nhập cư tràn lan từ bên ngoài gây bất ổn an ninh và việc làm. Đây là vấn đề nhạy cảm vì việc đi lại tự do là một trong những trụ cột giúp nhất thể hóa châu Âu.

Ngoài chuyện hiệp ước Schengen, ông chủ Điện Élysée còn gây sức ép lên Ủy ban châu Âu (EC) về chính sách bảo hộ mậu dịch. Ông cho rằng Mỹ cũng có đạo luật “Người Mỹ mua hàng Mỹ”, hay thị trường công của Nhật Bản và Trung Quốc vẫn khép kín, trong khi châu Âu đã mở cửa toàn bộ nền kinh tế từ năm 1994 và đang phải chịu thua thiệt từ sức ép cạnh tranh của các cường quốc hùng mạnh bên ngoài.

Thủ lĩnh đảng Xã hội Pháp Francois Hollande đã lên tiếng chỉ trích ông Sarkozy là “đạo đức giả” muốn lợi dụng những vấn đề bất cập của châu Âu để biện minh cho các khó khăn của nước Pháp nhằm lấy lòng nhóm cử tri cực hữu, bài ngoại. Hãng tin Anh Reuters cho biết các quan chức châu Âu cũng không thiện cảm với chủ trương của Tổng thống Sarkozy và hy vọng đó chỉ là “chiêu tranh cử” của ông khi mà đối thủ Hollande đang chiếm ưu thế, có thể hạ bệ ông trong cuộc bầu cử Tổng thống dự kiến diễn ra vào ngày 22-4 và 6-5 tới.

ĐỨC TRUNG (Theo Reuters, AP, AFP)

Chia sẻ bài viết