26/09/2015 - 14:23

Thảm họa giẫm đạp trong lễ hành hương ở Saudi Arabia

Riyadh bị chỉ trích và câu hỏi lớn về vấn đề an toàn

Thảm họa giẫm đạp mới nhất bên ngoài Thánh địa Mecca làm hơn 700 người chết đang đặt ra câu hỏi làm đau đầu các nhà quản lý về cơ cấu tổ chức, mức độ an toàn và trách nhiệm của Saudi Arabia đối với một trong những sự kiện lớn nhất của người Hồi giáo.

Theo hãng tin Anh Reuters, vụ giẫm đạp diễn ra khi hai đoàn người đi ngược chiều nhau cùng dồn về một giao lộ cách Thánh địa Mecca khoảng 5 km để thực hiện nghi thức "ném đá quỷ dữ" tượng trưng cho hành động loại bỏ cái ác. Tình trạng dồn ứ dẫn đến việc chen lấn, xô đẩy mà hậu quả khiến ít nhất 717 người thiệt mạng và 863 người khác bị thương.

Trước thảm kịch được xem là tồi tệ nhất xảy ra trong lễ hành hương ở Thánh địa Mecca 25 năm qua, Giáo hoàng Francis đang thăm Mỹ đã gửi lời chia buồn sâu sắc tới những người Hồi giáo trên khắp thế giới. Nhà Trắng trong một tuyên bố cũng bày tỏ thương tiếc về tai nạn bi thảm của những người hành hương. Các nhà lãnh đạo khác trên thế giới, bao gồm Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon cũng tỏ lòng tiếc thương sâu sắc đối với nạn nhân của thảm kịch giẫm đạp tại Saudi Arabia.

La liệt thi thể nạn nhân sau vụ giẫm đạp hôm 24-9. Ảnh: AP

Trong một tuyên bố, Quốc vương Saudi Arabia Salman bin Abdulaziz đã ra lệnh xem xét lại vấn đề an toàn trong lễ hành hương Hajj và nhu cầu nâng cao trình độ tổ chức, quản lý lễ hành hương hàng năm của quốc gia. Quốc vương Salman đồng thời yêu cầu các cơ quan chức năng nhanh chóng tiến hành điều tra nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn kinh hoàng.

Trước đó, Bộ trưởng Y tế Saudi Arabia Khalid al-Falih đã lên tiếng đổ lỗi cho dòng người hành hương không tuân thủ kỷ luật trong khi trang thông tin điện tử Guardian của Anh dẫn lời các nhân chứng ngược lại chỉ trích sự thiếu tổ chức của Riyadh với lực lượng an ninh không có kỹ năng và kinh nghiệm. Thậm chí, những người hành hương cho biết họ cảm thấy lo ngại việc tiếp tục các nghi lễ đến ngày 26-9 có thể tái diễn sự cố tương tự.

Với khoảng 2 triệu người tham gia cuộc hành hương hàng năm khó tránh khỏi tình trạng quá tải, làm tăng nguy cơ dẫn tới các vụ giẫm đạp. Theo Guardian, lượng khách hành hương đến Mecca gia tăng đáng kể, theo ghi nhận của nhà nước Saudi, từ chỉ khoảng 58.584 người năm 1920 tăng lên 1,7 triệu người và lập "kỷ lục" 3,1 triệu người hồi năm 2013.

Tuy nhiên, nguyên nhân dẫn đến thảm kịch chết người không phải chỉ do số lượng lớn người hành hương bởi chính quyền Saudi sau đó đã tái lập hạn ngạch và lượng người đổ về Mecca trong năm nay cũng thuyên giảm so với thời điểm 2013. Thay vào đó, một phần nguyên nhân được quy cho tính quy hoạch kém và thiếu năng lực quản lý của chính quyền nước sở tại. Được biết, Riyadh đã triển khai 100.000 cảnh sát để bảo vệ an toàn cho lễ hành hương Hajj và kiểm soát đám đông. Tuy vậy, giới phê bình cho rằng lực lượng an ninh ở Mecca dù đông nhưng lại không được đào tạo đúng và đầy đủ các kỹ năng, bao gồm cả ngôn ngữ để giao tiếp với người hành hương nước ngoài. Thêm vào đó, các biện pháp phản ứng khẩn cấp cũng không phù hợp với quy mô của loại hình sự kiện.

Theo lời kể của các nhân chứng vụ thảm kịch giẫm đạp hôm 24-9, cảnh sát đã đóng tất cả các lối ra trong khi có rất nhiều người và tất cả buộc phải đổ xô tới cửa duy nhất. Ahmed Abu Bakr, một người hành hương Libya, 45 tuổi, may mắn cùng mẹ mình thoát khỏi đám đông hỗn loạn cho biết cảnh sát xuất hiện ở hiện trường gần như thiếu kinh nghiệm về địa hình xung quanh. Ngay cả trước khi thảm kịch xảy ra, người hành hương cũng đã phàn nàn về sự thiếu tổ chức và kỳ thị của lực lượng cảnh sát Saudi Arabia.

MAI QUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết