24/01/2023 - 10:06

Ráo riết chinh phục không gian 

NGUYỆT CÁT (Tổng hợp)

Trong bối cảnh ngành công nghệ vũ trụ phát triển mạnh mẽ những năm gần đây, không gian đang trở thành “chiến trường” mới giữa nhiều quốc gia. Nếu như cuộc chinh phục ban đầu chỉ dành riêng cho hai siêu cường là Mỹ và Liên Xô, thì hiện tại đã có sự tham gia của nhiều nước, thậm chí là các hãng tư nhân. 

Cuộc đua sôi động

Để khẳng định vị thế quốc gia, nhiều nước mạnh tay đổ tiền đầu tư cho chương trình không gian vũ trụ. Ảnh: Royal Australian Air Force

Để khẳng định vị thế quốc gia, nhiều nước mạnh tay đổ tiền đầu tư cho chương trình không gian vũ trụ. Ảnh: Royal Australian Air Force

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, không gian vũ trụ vốn được Mỹ và Liên Xô xem là nơi để khẳng định vị thế và tầm ảnh hưởng trên toàn cầu. Nhưng cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, ngày càng nhiều quốc gia có khả năng phóng vệ tinh độc lập vào vũ trụ. Đến nay, đã có khoảng 72 quốc gia phát triển chương trình không gian vũ trụ, trong đó 16 nước đủ khả năng phóng vật thể lên quỹ đạo và 6 quốc gia sở hữu chương trình vũ trụ rất mạnh, gồm Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ. 

Trên con đường chinh phục không gian, Trung Quốc là nước có tiến bộ vượt bậc khi đạt được nhiều thành tựu bất ngờ trong những năm gần đây. Như từ năm 2000 đến 2021, các thực thể Trung Quốc đã nộp hơn 6.600 bằng sáng chế liên quan đến du hành vũ trụ. Hồi tháng 6-2022, Trung Quốc đưa 3 phi hành gia vào không gian trong 6 tháng như một phần trong kế hoạch xây dựng trạm vũ trụ dài hạn đầu tiên của nước này. Ngoài kế hoạch trong tương lai gần là đưa người lên Mặt trăng và lấy mẫu đất sao Hỏa đem về Trái đất, Bắc Kinh còn có tham vọng khám phá hệ thống sao Mộc và thăm dò ranh giới của hệ Mặt trời.

Bên cạnh sự tiến bộ riêng của mỗi nước, các quốc gia còn đẩy mạnh hợp tác quốc tế cũng như thành lập các lực lượng chuyên biệt và tăng cường năng lực quân sự trong không gian vũ trụ. Như hồi tháng 3-2022, Mỹ cùng với Úc, Canada, Pháp, Đức, New Zealand và Anh tham gia kế hoạch mang tên “Tầm nhìn hoạt động phối hợp trong không gian vũ trụ đến năm 2031”. Ngoài các chủ thể nhà nước, nhiều công ty tư nhân cũng đã tham gia cuộc đua chinh phục không gian - bao gồm SpaceX của tỉ phú Elon Musk, hay Blue Origin của tỉ phú Jeff Bezos …

Mặt Trăng - Không gian cạnh tranh chiến lược mới?

Tàu vũ trụ Orion được Mỹ phóng ngày 16-11-2022 trong sứ mệnh thám hiểm Mặt trăng.

Tàu vũ trụ Orion được Mỹ phóng ngày 16-11-2022 trong sứ mệnh thám hiểm Mặt trăng.

Là một kho báu của vật lý thiên văn, Mặt trăng tiềm ẩn cơ hội để khám phá những điều bí ẩn, không chỉ của riêng nó, mà còn là nguồn gốc và lịch sử hình thành, phát triển của Trái đất và hệ Mặt trời. Thế nên không có gì lạ khi cả Mỹ và Trung Quốc đều liên tục công bố những kế hoạch và sứ mệnh lớn lao trên Mặt trăng. 

Trung Quốc hiện đang hợp tác với Nga xây dựng Trạm nghiên cứu khoa học quốc tế trên Mặt trăng (ILRS). Công trình này dự kiến sẽ hoàn thành ít nhất 5 cấu trúc trên bề mặt Mặt trăng vào năm 2035, cho phép các phi hành gia Trung - Nga nghiên cứu, khám phá “chị Hằng” cũng như trong không gian. Với việc Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) dự kiến ngừng hoạt động vào năm 2024, Trung Quốc sẽ sớm là quốc gia hiếm hoi có trạm vũ trụ. Việc phóng thành công module thí nghiệm Mộng Thiên lên quỹ đạo vào tháng 10-2022, quá trình xây dựng trạm vũ trụ Thiên Cung của Trung Quốc có thể nói đang đi vào giai đoạn hoàn tất. Trạm vũ trụ Thiên Cung và ILRS sẽ là những bằng chứng tốt nhất của Bắc Kinh để thu hẹp khoảng cách nghiên cứu vũ trụ với Washington.  

Trong khi đó, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đặt ra mục tiêu đưa các phi hành gia quay trở lại Mặt trăng vào năm 2025, tức sau 53 năm kể từ sứ mệnh cuối cùng của tàu Apollo vào năm 1972. Theo đó, tháng 11-2022, Mỹ đã phóng thành công tàu vũ trụ không người lái Orion để thực hiện sứ mệnh thám hiểm Mặt trăng Artemis 1. NASA có kế hoạch xây dựng một trạm vũ trụ trên Mặt trăng mang tên Gateway và duy trì sự hiện diện lâu dài trên Mặt trăng, trước khi thực hiện sứ mệnh đưa con người lên sao Hỏa vào năm 2030.

Không chỉ Mỹ và Trung Quốc, một số quốc gia khác như Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE)... cũng đang lên kế hoạch cho các sứ mệnh Mặt trăng. 

Nguy cơ chiến tranh trong không gian

Mặc dù các cường quốc chưa công khai ý định biến những phát kiến liên quan đến không gian thành lợi thế chiến trường, nhiều chuyên gia tin rằng tham vọng chinh phục vũ trụ luôn song hành với mục đích quân sự. Việc các chương trình không gian ngày càng bị quân sự hóa sẽ dẫn tới khả năng đối đầu giữa các cường quốc. Viễn cảnh nguy hiểm hơn là xảy ra tấn công vũ trang trong không gian - bao gồm gây nhiễu vệ tinh liên lạc và vệ tinh điều hướng toàn cầu được sử dụng cho các hoạt động quân sự, sử dụng tên lửa chống vệ tinh để bắn hạ những vệ tinh ở quỹ đạo thấp của Trái đất, hay tấn công vào những địa điểm và cơ sở hạ tầng quan trọng trên Trái đất đang hỗ trợ cho các sứ mệnh không gian.

Vướng mắc hiện nay là chưa có một hệ thống pháp luật đủ lớn và phù hợp để giúp vũ trụ được yên bình, hoặc chí ít là đảm bảo duy trì ổn định trật tự ngoài không gian trước sự bành trướng của nhiều quốc gia. Thông qua Hiệp ước Artemis, Mỹ trước mắt đã thành công trong việc thuyết phục 20 quốc gia đồng ý ký cam kết tuân thủ các nguyên tắc như minh bạch và tôn trọng các hiệp ước hiện có về sử dụng không gian. Trong số các bên ký kết có Canada, Ý, Anh, Úc, UAE, Nhật Bản, Brazil, Mexico, Pháp... Tuy Hiệp ước Artemis vẫn mở cho các đối tác khác tham gia, nhưng cả Nga và Trung Quốc đều từ chối.

Chia sẻ bài viết