Chính phủ chia sẻ quyền lực ở Iraq đang đứng nguy cơ sụp đổ và có thể tạo ra “hiệu ứng” xung đột sắc tộc mới thời hậu chiếm đóng của Mỹ khi Thủ tướng Nouri al-Maliki vừa yêu cầu quốc hội nước này phế truất cấp phó của mình là Saleh al-Mutlaq. Trong khi đó, có tin lực lượng an ninh trung thành với Thủ tướng al-Maliki đã ra lệnh bắt giữ Phó Tổng thống Tariq al-Hashimi vì liên quan tới cái mà họ cho là “các hoạt động khủng bố”. Đây là hai thủ lĩnh cao cấp nhất của khối chính trị thế tục Iraqiya có đa số thành viên là người Hồi giáo dòng Sunni thiểu số ở Iraq. Đảng này, dưới sự lãnh đạo của cựu Thủ tướng Ayad Allawi, người Hồi giáo dòng Shiite và là đối thủ chính của ông al-Maliki, đã giành thắng lợi trong cuộc tuyển cử hồi năm ngoái nhưng không thể đứng ra thành lập chính phủ do thiếu sự hậu thuẫn của các phe phái khác.
Phó Thủ tướng al-Mutlaq có thể phải ra đi vì những bất hòa tiềm ẩn bấy lâu nay với Thủ tướng al-Maliki, đặc biệt là sau phát biểu mới đây của ông, cho rằng việc Mỹ rút quân khỏi Iraq đang để lại “một nhà độc tài” (ám chỉ Thủ tướng al-Maliki) không tôn trọng thỏa thuận chia sẻ quyền lực và luôn tìm cách kiểm soát lực lượng an ninh cũng như hành động bắt giữ các chính trị gia Sunni trong vài tuần qua. Vị chính khách Sunni này còn nói rằng ông bị “sốc” khi nghe Tổng thống Mỹ Barack Obama khen ngợi Thủ tướng al-Maliki là “nhà lãnh đạo dân cử của một Iraq có chủ quyền, tự lực cánh sinh và dân chủ” nhằm che đậy sự thất bại trong tiến trình chính trị mà người Mỹ đã áp đặt cho quốc gia vùng Vịnh này.
Phó Tổng thống Tariq al-Hashimi thì bị cáo buộc có dính líu đến các âm mưu ám sát các chính trị gia Hồi giáo dòng Shiite. Thủ tướng al-Maliki tiết lộ trong cuộc họp của liên minh đa đảng cầm quyền của ông hôm 18-12 rằng một số cận vệ của Phó Tổng thống al-Hashimi bị bắt giữ thừa nhận tham gia vào các âm mưu tấn công nhiều nhà lãnh đạo phái Shiite từ hơn 2 năm qua và đây là cơ sở để các cơ quan an ninh ra lệnh bắt giữ ông này.
Tuy nhiên, lời cáo buộc chống lại ông al-Hashimi bị dư luận nghi ngờ là “hành động thanh trừng chính trị” của Thủ tướng al-Maliki khi quân đội Mỹ rút khỏi Iraq. Theo báo Washington Post của Mỹ, trong những ngày gần đây, nơi ở của các chính trị gia hàng đầu của phái Sunni tại Vùng Xanh liên tục bị xe tăng và xe bọc thép quấy nhiễu làm dấy lên tin đồn sẽ có nhiều thủ lĩnh của phe này bị bắt giữ. Khối chính trị Iraqiya đã tuyên bố rút khỏi quốc hội Iraq để phản đối Thủ tướng al-Maliki đang tìm cớ tăng cường quyền lực. Các bộ trưởng là Hồi giáo dòng Sunni trong nội các của ông al-Maliki tuyên bố sẽ từ chức nếu họ không có được tiếng nói lớn hơn trong cái gọi là chính phủ chia sẻ quyền lực, nhất là quyền giám sát lực lượng an ninh quốc gia. Việc Thủ tướng al-Maliki không thể bổ nhiệm người nắm giữ những chức danh quan trọng như bộ trưởng quốc phòng và bộ trưởng nội vụ, các vị trí đã bị bỏ trống hơn một năm vì tranh cãi chính trị, cũng là mấu chốt làm gia tăng những chỉ trích gay gắt của khối Iraqiya.
Mahmoud Othman, một nghị sĩ người Kurd, thừa nhận chính phủ Iraq đang có vấn đề lớn là sự mất lòng tin giữa các phe phái với nhau. Ông nói rằng chính phủ hiện nay là một kiểu “chính phủ xung đột”, chứ không phải là chính phủ chia sẻ quyền lực mà người Mỹ đã “lắp ráp”.
KIẾN HÒA (Tổng hợp)