Trong khi Hạ viện Mỹ đang chuẩn bị dự luật ngăn Tổng thống Donald Trump bán vũ khí cho Saudi Arabia, các đồng minh đảng Cộng hòa cũng lên tiếng phản đối Nhà Trắng tiến hành cuộc chiến thuế quan với Mexico.

Người biểu tình phản đối Mỹ bán vũ khí cho Saudi Arabia bên ngoài Nhà Trắng. Ảnh: Getty Images
Nhiều tháng qua, Quốc hội Mỹ đã ngăn chặn các hợp đồng bán vũ khí ở Trung Đông do quan ngại về hồ sơ nhân quyền của Saudi Arabia, cụ thể thiệt hại dân sự trong các đợt không kích do nước này dẫn đầu ở Yemen và vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại ở Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng tháng rồi, Tổng thống Trump lấy lý do căng thẳng leo thang với Iran để ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, mở đường cho việc hoàn tất các thương vụ bán hơn 8 tỉ USD vũ khí, đạn dược cùng nhiều thiết bị hỗ trợ quân sự khác cho Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất và Jordan. Ngoài cung cấp vũ khí thông minh, súng cối, động cơ máy bay chiến đấu, một số thỏa thuận còn cho phép các nhà thầu quốc phòng Mỹ như Raytheon và Boeing vận hành dây chuyền sản xuất tại Saudi Arabia.
Hành động trên của Nhà Trắng đã “chọc giận” các thành viên đảng Dân chủ lẫn Cộng hòa tại Đồi Capitol khi nó phá vỡ quy tắc các nghị sĩ được quyền xem xét những thương vụ vũ khí lớn. Nghị sĩ Cộng hòa Michael McCaul thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện mô tả đây là hành động “không mong muốn” và gây tổn hại mối tương tác giữa Nhà Trắng với Quốc hội. Số khác thì e ngại động thái này sẽ trở thành tiền lệ nguy hiểm khi vô hiệu hóa chức năng của cơ quan lập pháp để ngăn không chỉ Tổng thống Trump mà các nhà lãnh đạo Mỹ trong tương lai bán vũ khí cho những quốc gia mà họ muốn.
Phái đoàn quan chức cấp cao của Mỹ và Mexico đang chuẩn bị khởi động các cuộc đàm phán về vấn đề người di cư. Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador tin tưởng hai bên sẽ đạt được thỏa thuận trước ngày 10-6. Ngoại trưởng Mexico Marcelo Ebrard cho biết khả năng này lên tới 80%. |
Trong nỗ lực ngăn chặn, đảng Dân chủ cùng một số thành viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện đang xem xét một dự luật yêu cầu rút lại 22 hợp đồng Nhà Trắng đã phê duyệt. Theo nghị sĩ Joaquin Castro, Washington cần đánh giá lại mối quan hệ với Saudi Arabia, đặc biệt là vũ khí bán cho quốc gia đồng minh. Hạ viện còn tìm cách sửa đổi Đạo luật kiểm soát xuất khẩu vũ khí năm 1976 để siết chặt các quy định đối với quyền ban bố tình trạng khẩn cấp, lấp “lỗ hổng” mà chính quyền Trump đã viện dẫn để bán vũ khí. Còn ở Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát, các nhà lập pháp có kế hoạch đệ trình “các nghị quyết phản đối”, yêu cầu tiến hành bỏ phiếu đối với mỗi thỏa thuận quân sự mà chính quyền Trump phê duyệt. Các nghị sĩ hy vọng bất kỳ giải pháp nào cũng sẽ được lưỡng đảng ủng hộ, qua đó gửi thông điệp mạnh mẽ tới chính quyền, các nhà thầu quốc phòng và 3 nước đồng minh, rằng Quốc hội Mỹ không hài lòng về tiến trình trình này.
Ngoài hợp đồng bán vũ khí, đảng Cộng hòa còn phản đối tuyên bố của ông Trump áp thuế 5% lên tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Mexico để gây sức ép lên nước này trong vấn đề người di cư. Mức thuế này bắt đầu áp dụng từ ngày 10-6 và sẽ tăng dần cho đến khi “vấn đề nhập cư trái phép được giải quyết”. Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell cho rằng đe dọa của tổng thống đánh thuế sâu rộng lên hàng hóa quốc gia láng giềng không được ủng hộ rộng rãi. Nhiều nghị sĩ còn cảnh báo Nhà Trắng về một hành động chống lại ông Trump; trong đó, chính quyền có thể gặp rắc rối nếu Thượng viện dùng đa số để phủ quyết, đảo ngược quyết định áp thuế.
Tuy nhiên, phát biểu trong chuyến công du tại Anh, Tổng thống Trump cho biết ông nghi ngờ khả năng các nghị sĩ Cộng hòa ngăn cản việc áp thuế nhưng cảnh báo đấy sẽ là hành động “dại dột”. Theo giới phân tích, phản đối của Quốc hội, đặc biệt tại Thượng viện sẽ là “đòn giáng” đối với Tổng thống Trump; trong khi mâu thuẫn công khai với các thành viên Cộng hòa phơi bày sự khác biệt về giá trị và nguyên tắc cơ bản giữa tổng thống và đảng của ông.
MAI QUYÊN (Theo Reuters, AP)