10/12/2024 - 21:54

Quân nổi dậy Syria nỗ lực thành lập chính phủ 

Việc Tổng thống Bashar al-Assad bị lật đổ một cách chớp nhoáng đã khiến người dân Syria, các quốc gia khu vực và nhiều cường quốc lo ngại về diễn biến tiếp theo khi liên minh nổi dậy tiến hành những bước đầu tiên trong quá trình chuyển giao quyền lực.

Thủ lĩnh HTS Mohammed al-Golani. Ảnh: Getty Images

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HÐBA LHQ) đã tiến hành cuộc họp kín khẩn cấp về Syria theo đề xuất của Nga vào cuối ngày 9-12. Các nhà ngoại giao cho biết họ vẫn còn sốc trước tốc độ sụp đổ chỉ trong 12 ngày của chính quyền Assad.

Trong bối cảnh người dân ở thủ đô Damascus vẫn đang ăn mừng, Thủ tướng sắp mãn nhiệm Mohammed al-Jalali hôm 9-12 đã đồng ý trao quyền lực cho “Chính phủ cứu nguy” của lực lượng nổi dậy.

Hãng Reuters dẫn một nguồn thạo tin xác nhận thủ lĩnh tổ chức Hồi giáo vũ trang Hayat Tahrir al-Sham (HTS) Abu Mohammed al-Golani đã gặp Thủ tướng Jalali và Phó Tổng thống Faisal Mekdad để thảo luận về việc thành lập một chính phủ chuyển tiếp.

Theo đài Al Jazeera, chính quyền chuyển tiếp sẽ được dẫn dắt bởi ông Mohamed al-Bashir, người đứng đầu “Chính phủ cứu nguy”. Ông Bashir được cho là ứng cử viên có nhiều khả năng nhất cho chức Thủ tướng Syria trong chính quyền “hậu Assad”.

Hoài nghi năng lực điều hành của HTS

Nội chiến Syria nổ ra vào năm 2011 đã làm chết hàng trăm ngàn người, tàn phá đất nước và kéo theo một trong những cuộc khủng hoảng tị nạn lớn nhất thời hiện đại.

Giới quan sát cảnh báo rằng có thể mất gần 10 năm để Syria đưa tổng sản phẩm quốc nội (GDP) về mức năm 2011 và hai thập niên để hoàn thành tái thiết. Họ cũng lo ngại rằng triển vọng của nước này có thể xấu đi trong trường hợp bất ổn chính trị tiếp diễn.

HTS, nhóm từng có liên hệ với tổ chức khủng bố al-Qaeda và đã chỉ huy cuộc tiến công chiếm Damascus hồi cuối tuần rồi, tuyên bố đang nỗ lực thành lập một chính phủ mới.

Tuy nhiên, liên minh do HTS lãnh đạo chưa thông báo kế hoạch về tương lai của Syria và không có khuôn mẫu nào cho quá trình chuyển tiếp như vậy trong khu vực Trung Ðông đầy chia rẽ.

Ngoài ra, các lệnh trừng phạt quốc tế khắt khe đối với Syria vẫn còn hiệu lực. Bản thân HTS cũng đang hứng chịu các lệnh trừng phạt quốc tế, như một phần trong việc Mỹ và LHQ coi nhóm này là tổ chức khủng bố. Các quốc gia phương Tây và Arab đang lo ngại HTS có thể tìm cách thay thế chế độ của ông Assad bằng một chính phủ Hồi giáo cứng rắn.

Hiện đã có những lời kêu gọi dỡ bỏ hoặc nới lỏng các lệnh trừng phạt trên. Ngày 9-12, các quan chức Nhà Trắng tiết lộ chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang cân nhắc về việc xóa tên HTS khỏi danh sách khủng bố.

Trong khi đó, phát ngôn viên Liên minh châu Âu (EU) Anouar El Anouni lưu ý rằng Brussels “hiện không hợp tác với HTS hoặc các lãnh đạo của nhóm này và EU sẽ đánh giá không chỉ lời nói mà còn cả hành động của HTS”.

Ðại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia thì cho biết HÐBA vẫn chưa đề cập đến khả năng gạt tên HTS khỏi danh sách trừng phạt của LHQ.

Nếu không có động thái nới lỏng các hạn chế, giới đầu tư sẽ tiếp tục tránh xa quốc gia bị chiến tranh tàn phá này và các cơ quan viện trợ cũng sẽ ngại nhảy vào để cung cấp cứu trợ nhân đạo thiết yếu cho người dân Syria. Ðây là một trong những quốc gia bị trừng phạt nặng nề nhất trên thế giới.

Ðã có những dấu hiệu thận trọng về việc khôi phục trật tự tại quốc gia Trung Ðông này. Các ngân hàng của Syria dự kiến mở cửa trở lại vào ngày 10-12, trong khi tiền tệ của Syria sẽ tiếp tục được sử dụng. Bộ Dầu mỏ cũng đã thúc giục tất cả nhân viên trong ngành đi làm trở lại, đồng thời cam kết sẽ có biện pháp đảm bảo an toàn cho họ.

Trong một diễn biến liên quan, chỉ huy Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran hôm qua tuyên bố nước Cộng hòa Hồi giáo không hề suy yếu sau sự sụp đổ của đồng minh Bashar al-Assad tại Syria.

Trong khi một số quốc gia châu Âu ngày 9-12 cho biết họ sẽ đình chỉ việc xem xét các yêu cầu xin tị nạn đang chờ xử lý của người Syria, Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) đã kêu gọi “kiên nhẫn và cảnh giác” về vấn đề cho hồi hương những người tị nạn. Tuy nhiên, Áo đã đi xa hơn phần lớn các quốc gia EU, khi thông báo sẽ sớm trục xuất người tị nạn trở về Syria.

HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết