14/04/2010 - 15:20

Quân bài chiến lược

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates và người đồng nhiệm Brazil Nelson Jobim ngày 12-4 đã chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác quốc phòng, làm cơ sở để quân đội hai nước thắt chặt và mở rộng quan hệ trên các lĩnh vực có liên quan như tổ chức thăm viếng giữa các tướng lĩnh, tham gia đấu thầu mua sắm và cung cấp dịch vụ bảo dưỡng trang thiết bị vũ khí, hỗ trợ hậu cần, chia sẻ công nghệ quốc phòng và an ninh, trao đổi kinh nghiệm tác chiến và gìn giữ hòa bình quốc tế, hợp tác huấn luyện, đào tạo và tập trận quân sự chung... Lễ ký kết ban đầu dự kiến diễn ra tại Thủ đô Brasilia, nhưng cuối cùng đã chuyển sang Washington nhân dịp ông Jobim tháp tùng Tổng thống Lula da Silva đến Mỹ tham dự hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân trong hai ngày 12-13/4.

Lầu Năm Góc có lẽ muốn sử dụng sự kiện trên để xua đi những nghi ngờ đối với thỏa thuận tương tự giữa Mỹ và Colombia hồi năm ngoái. Nhưng không khó để thấy rằng về bản chất thì hai thỏa thuận này khác nhau. Thỏa thuận hợp tác quốc phòng với Brasilia không cho phép Mỹ đặt căn cứ quân sự tại Brazil, trong khi với Bogota, Mỹ được phép đưa binh sĩ tới 7 căn cứ ở Colombia. Thỏa thuận này cũng được cho là sẽ nâng cơ hội chiến thắng cho tập đoàn chế tạo vũ khí Boeing của Mỹ trong cuộc đua giành hợp đồng cung cấp máy bay chiến đấu thế hệ mới trị giá nhiều tỉ USD cho Brazil. Tháng 5 tới là thời hạn chót để Brasilia đưa ra quyết định chọn lựa mẫu máy bay cho lô hàng 36 chiếc, thậm chí có thể lên đến 100 chiếc. Hiện tại, Brazil đang cân nhắc giữa mẫu máy bay Rafale của Pháp, Saab AB của Thụy Điển và Super Hornet của Mỹ. Phát biểu trước ủy ban quân lực của Quốc hội Brazil mới đây, Bộ trưởng Jobim cho biết nước này thích chiếc Rafale hơn, cho dù giá của nó đắt hơn Super Hornet. Theo ông Jobim, Pháp là đối tác duy nhất đáp ứng yêu cầu chia sẻ công nghệ và xây dựng nhà máy lắp ráp tại Brazil. Ông cho rằng dù tiêu tốn nhiều tiền nhưng có quyền tiếp cận công nghệ vẫn hơn chi phí thấp mà không được chia sẻ công nghệ sản xuất máy bay chiến đấu hiện đại.

Ông chủ Lầu Năm Góc tỏ ra ve vuốt Brazil khi ca ngợi thỏa thuận hợp tác quốc phòng giữa hai nước là “mô hình đối tác minh bạch và tích cực cho toàn châu lục”. Ông Gates cũng tin rằng thỏa thuận hợp tác quốc phòng sẽ thúc đẩy hợp tác an ninh và tạo ra khuôn khổ xây dựng mối quan hệ chiến lược “giữa hai quốc gia có nền dân chủ lớn nhất châu Mỹ”. Một khi có được mối quan hệ như vậy, hẳn Washington hy vọng có thể thuyết phục Brazil hậu thuẫn Mỹ trong các vấn đề quốc tế nhạy cảm, nhất là chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran. Tổng thống Lula gần đây làm Chú Sam khó chịu khi tiếp đón Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad sang thăm và đang chuẩn bị thực hiện chuyến công du lịch sử tới Tehran vào tháng 5 tới.

Thỏa thuận hợp tác quốc phòng giữa Mỹ và Brazil vào thời điểm hiện tại rõ ràng là một quân bài chiến lược. Do đó, người ta tin rằng Mỹ sẽ tìm đủ mọi cách, kể cả nhượng bộ, để “thu phục” và kiềm chế Brazil.

KIẾN HÒA (Theo Reuters, AP, Xinhua)

KIẾN HÒA (Theo Reuters, AP, Xinhua)

Chia sẻ bài viết