28/04/2015 - 20:56

Quá khứ và hiện tại của “Đường tàu mùa xuân”

Bảy tập phim ký sự “Đường tàu mùa xuân”, do Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện, là hành trình ngược về quá khứ gian lao và hào hùng của đồng bào ta trong quá trình khôi phục đường sắt Bắc Nam. Tuyến đường ấy được ví như “dải lụa thép”, uốn lượn theo dáng hình đất nước, từng bị băm vằm, thiêu cháy dưới mưa bom đạn chiến tranh, nhưng hồi sinh một cách mãnh liệt vào năm 1976, khi hai chuyến tàu Thống Nhất khởi hành. Phim phát sóng lúc 7 giờ 30 các ngày trong tuần, trên kênh VTV1.

 Bà Đặng Thị Toán (ảnh, trái) kể lại sự sống kỳ diệu của mình tại chiến trường năm xưa.

Trong hồi ức về những chuyến tàu Thống Nhất, GS.TS Huỳnh Như Phương từng viết: “Ngày 31-12-1976, hai chuyến tàu Thống Nhất đầu tiên đưa đại biểu nhân dân hai miền đi thăm nhau đã cùng khởi hành ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Sau khi gặp nhau ở ga Đà Nẵng trong cờ hoa đón chào của đồng bào miền Trung, hai đoàn tàu đã đến ga cuối cùng vào ngày 4-1. Ngày đó, đưa tin về sự kiện này, hãng tin AFP viết: Con đường sắt Việt Nam phần nào cũng giống như đất nước này, nơi nó đã được sinh ra và đã bị băm vằm, thiêu cháy hàng ngàn lần dưới mưa bom bão đạn. Giờ đây con đường đó lại hồi sinh từ đống tro tàn”. Từ ý tưởng đó, “Đường tàu mùa xuân” là hành trình dọc miền đất nước trên chuyến tàu Thống Nhất, từ hiện tại ngược về quá khứ, đưa người xem qua những cung đường năm xưa với hồi ức, cảm xúc không thể lãng quên của những chứng nhân lịch sử. Bằng lối kể đồng hiện, quá khứ xen lẫn hiện tại cùng những cảnh quay bằng fly-cam tuyệt đẹp trên tuyến đường sắt Bắc – Nam, phim đem đến cái nhìn toàn diện và đầy cảm xúc về hành trình kết nối hai miền.

Ngược dòng lịch sử, là tiếng reo hò, cờ hoa của hàng triệu người dân vui mừng trong ngày đầu khởi hành chuyến tàu Thống Nhất, bởi lẽ đó là chuyến tàu đầu tiên sau 30 năm đất nước chia cắt (tháng 12- 1946 đến tháng 12-1976). Tiếng còi tàu, dòng người tấp nập đuổi theo- không khí đó được tái hiện bằng những thước phim tư liệu quý giá. Trở lại thực tại, đoàn phim đưa người xem qua những nhà ga, những địa điểm lịch sử từng là nơi khốc liệt nhất của cuộc chiến năm xưa, gặp những chứng nhân lịch sử- những con người gắn bó với tuyến đường sắt Bắc- Nam. Đó là câu chuyện của ông Lương Văn Nhờ, Thường trực thi đua Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội- người phụ trách trang trí chuyến tàu Thống Nhất (khởi hành từ Hà Nội); ông Nguyễn Minh Quang- đại biểu trên chuyến tàu Thống Nhất đầu tiên; ông Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Trọng Hạnh- những tài xế tàu Thống Nhất đầu tiên; là chuyện của những người mỗi ngày phải đi bộ 20km để kiểm tra an toàn đường ray… Cuộc chiến năm xưa hiện lên đầy khốc liệt, đau thương qua từng dòng hồi ức của những người còn sống. Đó là câu chuyện của cô Đặng Thị Toán- cựu thanh niên xung phong đường sắt Hoàng Mai. Trong một trận ném bom vào nhà ga, cô Toán cùng đồng đội bị trúng bom, chôn vùi trong hang nhỏ. Cô là người duy nhất sống sót kỳ diệu. Hay câu chuyện về sự hy sinh của 10 cô gái Ngã Ba Đồng Lộc, do anh Nguyễn Thế Linh- nguyên Đại đội trưởng C552 Thanh niên xung phong Hà Tĩnh kể lại.

Mỗi câu chuyện giúp người xem hiểu thêm về lịch sử và càng trân trọng hiện tại. Hơn 6 ngàn cán bộ, công nhân, bộ đội và nhân dân làm việc xuyên suốt ngày đêm trong hơn 1 năm để nối lại tuyến đường sắt Hà Nội- TP Hồ Chí Minh dài hơn 1.700 km. Ngày nay, đất nước phát triển, đường sắt không phải là phương tiện duy nhất kết nối Bắc Nam nhưng vai trò lịch sử của tuyến đường này chưa bao giờ bị lãng quên.

Ái Lam

Chia sẻ bài viết