Kỳ cuối: Giải pháp của Hàn Quốc và một số nước
|
Nam giới ở nông thôn Hàn Quốc thường chọn vợ qua các trang web môi giới hôn nhân quốc tế. Ảnh: AFP |
Mấy ngày qua, công luận Hàn Quốc phẫn nộ trước vụ thêm một cô dâu Việt bị chồng sát hại, và đồng loạt kêu gọi chính phủ nước này cần mạnh tay hơn nữa với các tổ chức môi giới hôn nhân để bảo vệ hình ảnh đất nước. Cục Xuất nhập cảnh và Bộ Tư pháp Hàn Quốc vừa đề ra một số qui định mới. Trước đó, Campuchia, Indonesia, Philippines... cũng đã có những động thái tương tự.
Theo Bộ Gia đình và Bình đẳng giới Hàn Quốc, gần 40% nông dân và ngư dân nước này cưới vợ ngoại, chủ yếu đến từ Trung Quốc, Mông Cổ, Việt Nam, Campuchia, Philippines... Năm 2009 có 1.987 cuộc hôn nhân giữa nam giới Hàn Quốc với phụ nữ châu Á, chiếm 35% các cặp đôi kết hôn ở nước này. Trong đó 46% cô dâu đến từ Việt Nam, 26% đến từ Trung Quốc, 10% đến từ Campuchia... Hiện nay, có khoảng 137.000 phụ nữ nhập cư lập gia đình với người Hàn Quốc, trong đó đa phần các cô dâu không biết gì về người phối ngẫu cho đến khi ván đã đóng thuyền. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến bi kịch hôn nhân: bạo hành gia đình, ly hôn hoặc tệ hơn là có không ít người đã tìm đến cái chết.
Nhằm phòng chống nạn bạo hành cô dâu ngoại cũng như ngăn chặn tái diễn những thảm kịch đau lòng như vụ sát hại cô dâu Việt T.T.H.N, hôm 11-7, Bộ Tư pháp Hàn Quốc công bố qui định mới, theo đó bắt buộc tất cả nam giới có ý định cưới vợ nước ngoài phải tham gia lớp học về “đạo đức hôn nhân”. Theo kế hoạch, trong tháng 8 tới, phòng quản lý xuất nhập cảnh ở các địa phương sẽ khai giảng lớp học dự kiến kéo dài 3-4 giờ, trong đó tập trung giáo dục nam giới rằng quan niệm “mua vợ” cũng như việc cố tình che giấu thông tin quan trọng về bản thân và các cuộc hôn nhân trước là sai trái. Chính phủ Hàn Quốc sẽ không cấp thị thực nhập cảnh cho những cô dâu ngoại mà chồng của họ chưa tham gia lớp học này.
Trong khi đó, Cục Xuất nhập cảnh Hàn Quốc ra qui định sẽ không cấp visa cho nam công dân có tiền sử bệnh tâm thần, tiền án, hoặc từng bị kết tội bạo hành gia đình, phá sản hoặc từng 3 lần kết hôn với người nước ngoài. Ngoài ra, đàn ông cưới vợ ngoại đáng tuổi con cháu mình cũng sẽ không được cấp visa.
Theo nhật báo Chosun, những biện pháp trên thể hiện sự thay đổi trong chính sách của Hàn Quốc. Trước nay, chính phủ nước này không hề can thiệp vào các cuộc hôn nhân đa văn hóa mà xem đó là vấn đề cá nhân. Đến nay, điều duy nhất Chính phủ Hàn Quốc làm là mở lớp bồi dưỡng văn hóa cho các cô dâu nhập cư. Trong khi đó, nhiều chuyên gia cho rằng các qui định mới chỉ là giải pháp tình thế và không đủ mạnh để chấm dứt thảm trạng đau lòng mà các cô dâu nước ngoài đối mặt. “Người dân Hàn Quốc trước hết phải xóa bỏ định kiến kỳ thị những người đến từ các nước đang phát triển. Nếu không, không ai có thể dám chắc rằng những vụ việc đáng tiếc như vụ mới xảy ra sẽ không tái diễn”, một giáo sư ngành nghiên cứu xã hội của Đại học Quốc gia Busan nhận định.
Tờ Thời báo Hàn Quốc thì cho rằng những biện pháp mới là cần thiết nhưng khó mà trị được tận gốc “căn bệnh trầm kha có nguy cơ để lại vết nhơ lâu dài cho đất nước”. Theo tác giả bài viết “Foreign brides death” (Cái chết của cô dâu ngoại) ra ngày 12-7, vấn đề không phải là các điều luật hay qui định mới mà là chính phủ và các địa phương cần siết chặt công tác quản lý và giám sát các tổ chức môi giới hôn nhân quốc tế. Theo thống kê, hiện có hơn 1.200 công ty hoặc cơ sở môi giới hôn nhân đăng ký hoạt động ở Hàn Quốc, trong đó 77% hoạt động chỉ với 1 hoặc 2 người.
DIỆP MAI
(Theo Chosun, AFP, Korea Times, JoongAng Daily)
Do lo ngại nạn buôn người, tháng 3 năm nay, Campuchia từng ra lệnh ngưng xử lý các hồ sơ đăng ký kết hôn giữa phụ nữ nước này với đàn ông Hàn Quốc. Biện pháp này được đưa ra sau khi cảnh sát Campuchia bắt một phụ nữ lừa 25 thôn nữ đến cho một người đàn ông Hàn Quốc xem mắt. Bà này sau đó bị kết án 10 năm tù. Sau khi bãi bỏ qui định trên hồi cuối tháng 4, Campuchia yêu cầu những người nước ngoài có ý định kết hôn với phụ nữ nước này phải đích thân đến Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ và các cơ quan địa phương nộp hồ sơ, đồng thời cung cấp chứng từ chứng minh họ không có tiền án cũng như tình trạng độc thân. Mới đây, Campuchia mở đường dây nóng hỗ trợ phụ nữ nước này kết hôn với người Hàn Quốc bằng 7 thứ tiếng.
Indonesia đang cân nhắc qui định: yêu cầu nam giới nước ngoài cưới vợ nước này phải đóng 55.000 USD (hơn 1 tỉ đồng) tiền “bảo đảm an toàn” . Trường hợp ly hôn, số tiền này sẽ thuộc về người vợ. Nếu cả hai duy trì hôn nhân ít nhất được 10 năm, số tiền này sẽ trở thành “tài sản chung”.
“Cô dâu đặt hàng” (qua các công ty môi giới) từng là hiện tượng phổ biến ở Philippines. Tuy nhiên, sau khi xảy ra nhiều vụ phụ nữ nước này bị chồng ngoại bạo hành khi sống ở nước ngoài, Chính phủ Philippines đã không còn cấp phép cho các cuộc hôn nhân dạng này nữa.
Năm ngoái, Đài Loan cũng đã đóng cửa các công ty mai mối quốc tế sau khi xảy ra một loạt vụ hành hung và sát hại cô dâu ngoại, trong đó có vụ một người Đài Loan bị bỏ tù vì thường xuyên tra tấn người vợ Việt Nam.
(Theo AFP, Phnom Penh Post) |