30/08/2017 - 10:42

Phụ huynh Trung Quốc đưa con đi cai nghiện Internet 

Tại Trung Quốc, quốc gia đầu tiên trên thế giới xem chứng nghiện Internet là một dạng rối loạn sức khỏe tâm thần, nhiều phụ huynh đang đưa con em đến các trung tâm điều trị với hy vọng có thể giúp chúng “cắt cơn”.

Xiong Chengzuo cùng với các “con nghiện” Internet khác tại trung tâm Xu Xiangyang. Ảnh: Guardian

Cách đây không lâu, cha mẹ của Xiong Chengzuo, 16 tuổi, một trong số khoảng 23 triệu người nghiện Internet ở Trung Quốc, đã đưa cậu đến một nơi trông giống như nhà tù nhưng trên thực tế là trung tâm điều trị Xu Xiangyang ở thành phố Hoài An, cách Thượng Hải khoảng 400km về phía Bắc, do một cựu binh có tên Xu Xiangyang thành lập để điều trị những người nghiện Internet nặng.

“Tôi nhất quyết chống lại các trò chơi trực tuyến. Chúng không những gây hại cho sức khỏe con người mà còn có thể khiến một người không thể kiếm tiền hoặc tự nuôi mình. Chúng hoàn toàn vô nghĩa và không đem lại bất kỳ điều gì tích cực đối với một gia đình hay một con người” – ông Xu nhấn mạnh. Hiện ông này là một trong những tình nguyện viên trong chiến dịch có quy mô toàn cầu nhằm giải cứu những người trẻ khỏi “địa ngục ảo”.

Tại Xu Xiangyang, các “con nghiện” Internet được cảm hóa bằng văn hóa, âm nhạc, vũ kịch và hài kịch. Một liệu pháp hữu hiệu khác là cho học viên đi bộ đường dài.

Được biết, Xu Xiangyang được thành lập vào năm 1997, thời điểm mà lượng người nghiện Internet còn ít. Khi đó, toàn Trung Quốc chỉ có 300.000 máy tính và chỉ khoảng 620.000 người truy cập Internet.

Tuy nhiên, chỉ sau 2 thập kỷ, số người dùng Internet tại đây bùng phát một cách nhanh chóng, đạt mức khoảng 710 triệu, đưa Trung Quốc trở thành cộng đồng trực tuyến lớn nhất thế giới. Số người nghiện Internet theo đó cũng bùng nổ một cách không kiểm soát.

Hồi tháng 4 vừa qua, một thanh niên 17 tuổi ở Quảng Châu đã đột tử sau khi chơi trò chơi King of Glory (tạm dịch: Vương Giả Vinh Diệu) liên tục trong 40 tiếng.

Trong một tài liệu được công bố hồi năm 2014 về chứng nghiện Internet ở Trung Quốc, lãnh đạo một trại cai nghiện ở Thủ đô Bắc Kinh cho biết, một số “con nghiện” thậm chí còn mặc tả để không phải rời khỏi màn hình máy tính bất kỳ giây phút nào.

Trung Quốc hồi năm 2008 trở thành quốc gia đầu tiên tuyên bố nghiện Internet là một rối loạn tâm thần. Từ đó, Bắc Kinh đã nỗ lực đối phó với “căn bệnh” thế kỷ 21 bằng nhiều biện pháp, kể cả những biện pháp gây tranh cãi.

Theo đó, nhiều trung tâm cai nghiện Internet lần lượt ra đời, trong đó có nơi trở nên “nổi tiếng” vì sử dụng liệu pháp điện giật để điều trị bất chấp lệnh cấm của chính phủ.

Trí Văn (Theo Guardian)

Chia sẻ bài viết