10/11/2008 - 08:03

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan

Thăm hỏi, động viên và tặng quà cho người dân hai xã Tân Châu, Văn Khế, huyện Mê Linh 

* Tích cực triển khai các biện pháp đối phó với cơn bão số 9

(TTXVN- Cổng TTĐT Chính phủ) - Chiều 9-11, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cùng lãnh đạo thành phố Hà Nội đã đến thăm hỏi, động viên và tặng quà cho nhân dân ở xã Tân Châu và Văn Khê (huyện Mê Linh) - hai xã có nhiều khu dân cư bị ngập úng, nước rút rất chậm và gần như bị cô lập với bên ngoài. Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Doan cũng đến thăm hỏi, chia buồn với 2 gia đình tại xã Mê Linh (huyện Mê Linh, Hà Nội) có nạn nhân chết do thiên tai những ngày qua.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan bày tỏ sự quan tâm và chia sẻ với những thiệt hại, mất mát của người dân huyện Mê Linh trong đợt mưa lớn ở Hà Nội trong những ngày qua. Phó Chủ tịch nước lưu ý lãnh đạo huyện Mê Linh: bên cạnh nỗ lực giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai, cứu trợ lương thực, thuốc men, cần nhanh chóng vệ sinh môi trường sau khi nước rút, phòng chống dịch bệnh cho nhân dân địa phương.

 

Khu vực chợ cá, vựa trái cây đường Nguyễn Huệ (TP Sóc Trăng) bị ngập nặng.
Ảnh: THANH VŨ - TTXVN. 

Theo thống kê của địa phương, trong đợt mưa vừa qua, huyện Mê Linh có gần 4.600 ha diện tích hoa màu không còn khả năng cho thu hoạch; gần 269 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị úng ngập; 1.782 gia súc, gia cầm bị chết; 5 hộ gia đình bị sập nhà; 10 công trình thủy lợi bị sập và hư hỏng. Đặc biệt, trận mưa lũ đã làm 5 người dân ở Mê Linh bị thiệt mạng.

* Tối 9-11, Quỹ phòng chống thiên tai của Hà Nội đã nhận được 1 tỉ 350 triệu đồng của các đơn vị và cá nhân ủng hộ nhân dân Thủ đô khắc phục hậu quả mưa lụt. Trong đó tập đoàn Nam Cường, Công ty cổ phần Tuần Châu Hà Tây mỗi đơn vị ủng hộ 500 triệu đồng, Tập đoàn Mai Linh 300 triệu và Tập đoàn Bảo Sơn 30 triệu đồng...

Chiều cùng ngày, UBND thành phố Hà Nội đã có công văn kêu gọi các cơ quan, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm tham gia đóng góp, ủng hộ Quỹ phòng chống thiên tai để chia sẻ khó nhăn, giúp nhân dân thành phố tiếp tục khắc phục những hậu quả của cơn mưa lớn vừa qua, ổn định sản xuất, đảm bảo đời sống nhân dân; trước hết là công tác phòng chống dịch bệnh. Số tiền ủng hộ của các đơn vị chuyển đến tài khoản 920.90.001 Kho bạc Nhà nước Hà Nội hoặc chuyển trực tiếp cho Quỹ phòng chống thiên tai thành phố.

* Bão số 9 với những di chuyển phức tạp, có thể gây ra nhiều hậu quả nếu vào đất liền, chính vì thế các tỉnh khu vực miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long đang tích cực triển khai các biện pháp đối phó với cơn bão này.

Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư, Ủy ban Quốc gia TKCN, Bộ Công an tiếp tục có công điện chỉ đạo các tỉnh ven biển từ Thanh Hóa đến Cà Mau triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho tàu thuyền đang hoạt động trên biển.

Các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận, TP Hồ Chí Minh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau tiếp tục nắm số lượng tàu thuyền và ngư dân còn trên biển, giữ liên lạc thường xuyên, hướng dẫn di chuyển theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư.

Theo báo cáo của các địa phương, tính đến 6 giờ ngày 9-11, đã thông báo, kêu gọi được 24.563 tàu với 133.516 ngư dân đang hoạt động trên các vùng biển biết hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh.

Tính đến 9 giờ sáng, tỉnh Quảng Bình đã có phương án sẵn sàng sơ tán di dời 2.000 hộ dân nằm trong vùng xung yếu khi bão số 9 đổ bộ vào đất liền.

Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam cũng đã tổ chức bắn pháo hiệu báo bão số 9 tại 3 điểm gồm: đảo Cù Lao Chàm, Cửa Đại (Hội An) và mũi Bàn Than (Cảng Kỳ Hà, Núi Thành) để thông báo tàu thuyền khẩn trương vào bờ trú ẩn. Ngoài ra, Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh yêu cầu tất cả các đồn biên phòng ven biển cấm tàu thuyền ngư dân ra khơi để đảm bảo an toàn.

100% di tích lịch sử văn hóa tại tỉnh Thừa Thiên-Huế đã được ngành văn hóa cũng như cán bộ nhân viên Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế tiến hành gia cố. Tỉnh đã hỗ trợ hàng trăm bao tải, lưới lọc để xử lý khẩn cấp khu vực sạt lở liên xã dọc theo sông Bạch Yến, qua địa phận thôn Lựu Bảo, xã Hương Hồ, huyện Hương Trà.

Bình Định là địa phương có số tàu thuyền đang hoạt động trên biển nhiều nhất. Đến 10 giờ đêm qua, cả tỉnh còn 1.670 tàu với gần 13.000 lao động chưa vào bờ, trong đó 50 tàu ở khu vực nguy hiểm. Hiện tất cả các tàu đều đã liên lạc được với đất liền và tìm nơi tránh bão. Cũng trong sáng nay, tỉnh Bình Định có văn bản yêu cầu BCH PCLB-TKCN tỉnh lên phương án di dời 4.000 hộ dân vùng ven biển, ven sông 12 giờ trước khi bão đổ bộ vào đất liền.

Tỉnh Quảng Ngãi đã kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển về nơi tránh bão an toàn; kiểm tra kiểm soát chặt chẽ việc ra khơi của tàu thuyền; hướng dẫn neo đậu tàu thuyền; thông báo cho Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất, Nhà máy lọc dầu, các doanh nghiệp trên địa bàn Khu kinh tế Dung Quất chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho người, phương tiện, thiết bị và công trình.

Tỉnh Phú Yên có hàng trăm lồng nuôi tôm hùm chưa thu hoạch, để hạn chế thiệt hại thấp nhất nếu bão vào đất liền, Bộ đội Biên phòng đang giúp ngư dân di chuyển lồng bè vào nơi an toàn và tranh thủ thu hoạch.

Theo Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh Bạc Liêu, tỉnh đang khẩn trương sơ tán gần 70.000 hộ dân tránh bão số 9 nhằm hạn chế thiệt hại về người và của.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 9 di chuyển chậm theo hướng Đông Nam sau đó đổi hướng di chuyển theo hướng giữa Nam và Nam Tây Nam mỗi giờ đi được khoảng 5-10 km.

Đến 13 giờ ngày 10-11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,8 độ Vĩ Bắc; 115,9 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa 390 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (tức là từ 89-102 km một giờ), giật cấp 11, cấp 12. Tính từ tâm bão vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 200 km.

Trong 24 đến 48 giờ tới, bão số 9 di chuyển theo hướng Nam Tây Nam mỗi giờ đi được khoảng 10-15 km. Đến 13 giờ ngày 11-11, vị trí tâm bão số 9 ở vào khoảng 14,1 độ Vĩ Bắc; 114,9 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (phía bắc quần đảo Trường Sa) khoảng 290 km về phía Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10 (tức là từ 75 km-102 km một giờ), giật cấp 11, cấp 12. Tính từ tâm bão vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 200 km.

Do ảnh hưởng của bão, khu vực Bắc Biển Đông, bao gồm cả phía Đông quần đảo Hoàng Sa có gió mạnh cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12. Biển động rất mạnh. Ngoài ra do ảnh hưởng kết hợp với không khí lạnh, ở vịnh Bắc Bộ, vùng biển ngoài khơi Trung Trung Bộ có gió đông bắc mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9. Biển động mạnh.

* Ngày 9-11-2008, tại tỉnh Sóc Trăng, một cơn mưa lớn kéo dài từ 11 giờ đến 11 giờ 30 đã làm nhiều tuyến đường trung tâm ở thành phố Sóc Trăng bị ngập nặng. Khu vực chợ cá, vựa trái cây (đường Nguyễn Huệ) mặc dù nằm cạnh kênh Cô Bắc (nơi có thể thoát nước ra) nhưng vẫn ngập trên 50cm; các tuyến đường: Nguyễn Du, Nguyễn Thị Minh Khai, Thủ Khoa Huân, đường 30-4, Lê Lợi (phường 3), khu vực công viên Hồ nước ngọt... ngập ứng kéo dài nhiều giờ liền.

THANH BÌNH - Mai Linh (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết