16/01/2013 - 14:19

Chiến dịch quân sự của Pháp tại Mali

Paris đang nhận được sự hỗ trợ từ nhiều phía

Binh lính Pháp tại căn cứ một không quân thuộc Thủ đô Bamako của Mali. Ảnh: Reuters

Hôm 14-1, bất chấp các cuộc oanh tạc của máy bay chiến đấu Pháp, phiến quân Hồi giáo tại Mali đã bất ngờ tràn xuống phía Nam và chiếm được một thị trấn. Sự phản công bất ngờ của quân nổi dậy diễn ra giữa lúc Pháp nhận được ngày càng nhiều sự hỗ trợ từ quốc tế cho chiến dịch chống khủng bố của họ tại quốc gia Tây Phi này.

Từ hôm 11-1, các cuộc không kích của Pháp đã giúp ngăn chặn đà tràn xuống phía Nam của phiến quân Hồi giáo, vốn nắm quyền kiểm soát miền Bắc Mali từ năm ngoái. Tuy nhiên, trong ngày 14-1, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian cho biết các tay súng Hồi giáo nổi dậy đã chiếm được thị trấn Diabaly, cách Thủ đô Bamako 400km về phía Bắc, sau cuộc giao tranh dữ dội với quân đội Chính phủ Mali.

Sau cuộc phản công trên, Omar Hamaha, lãnh đạo "Phong trào Thống nhất và Thánh chiến" ở Tây Phi, một trong những nhóm nổi dậy kiểm soát phía Bắc Mali đã lên tiếng đe dọa: "Nước Pháp đã rơi vào một cái bẫy còn nguy hiểm hơn cả Iraq, Afghanistan hay Somalie".

Tuy nhiên, tiềm lực của quân đội Pháp sắp tới sẽ càng mạnh hơn khi bộ trưởng quốc phòng các nước Tây Phi hôm 15-1 cho biết họ sẽ thông qua các kế hoạch nhằm đẩy mạnh việc triển khai quân đội châu Phi cho cuộc chiến chống lại các phiến quân Hồi giáo tại miền Bắc Mali.

Lực lượng đa quốc gia của châu Phi, dự kiến sẽ có mặt tại Mali trong tuần tới, được triển khai theo nghị quyết 2085 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ), vốn đã được thông qua hồi tháng 12 năm ngoái. Theo đó, lực lượng gồm 3.300 lính châu Phi sẽ can thiệp vào Mali nếu cuộc đàm phán với các phiến quân Hồi giáo không mang lại kết quả.

Hiện nay, Pháp đã điều 550 binh sĩ tới quốc gia Tây Phi này và theo Bộ Quốc phòng Pháp hôm 14-1, Paris dự kiến sẽ tăng con số trên lên khoảng 2.500 binh sĩ nhằm hỗ trợ quân đội Chính phủ Mali cũng như phối hợp với lực lượng đa quốc gia Tây Phi.

Cùng ngày, hãng tin Anh Reuters dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta cho biết Washington sẽ chia sẻ thông tin với lực lượng quân đội Pháp trong chiến dịch tại Mali cũng như xem xét cung cấp sự giúp đỡ ở 3 mặt là tiếp tế hàng không, tình báo và hậu cần.

Pháp đã kêu gọi Hội đồng Bảo an LHQ triệu tập cuộc họp hôm 14-1 để thảo luận về cuộc khủng hoảng tại Mali. Sau cuộc họp trên, Đại sứ Pháp tại LHQ Gerard Araud cho biết Mỹ, Canada, Bỉ, Đan Mạch và Đức đã đồng ý hỗ trợ hậu cần cho chiến dịch quân sự chống khủng bố của Pháp tại Mali.

Theo Bộ Ngoại giao Đức, Berlin sẽ hỗ trợ Paris thông qua các hoạt động nhân đạo, y tế, hậu cầu và chính trị, nhưng sẽ không gửi quân tham chiến.

Tương tự như Đức, Thủ tướng Canada Stephen Harper cho biết Ottawa sẽ không trực tiếp gửi quân đội của họ sang Mali chiến đấu, mà thay vào đó sẽ cung cấp sự hỗ trợ "hậu cần được xác định rõ ràng và có giới hạn" cho lực lượng quân đội đang can thiệp tại Mali. Theo yêu cầu của Pháp, một máy bay vận tải C-17 của Canada sẽ có mặt và dỡ hàng tại Thủ đô Bamako của Mali trong tuần tới.

THANH BÌNH (Theo Reuters, AP)

Binh lính Pháp tại căn cứ một không quân thuộc Thủ đô Bamako của Mali. Ảnh: Reuters

Chia sẻ bài viết