17/09/2024 - 06:51

Ông Trump bị nhắm mục tiêu trong vụ ám sát thứ 2 

Trong vụ việc “gây sốc” mới nhất của năm bầu cử đầy biến động ở Mỹ, Cục Điều tra Liên bang (FBI) đang điều tra vụ việc được cho là nỗ lực ám sát bất thành nhằm vào ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa Donald Trump. Nếu được xác nhận, đây sẽ là lần thứ hai kể từ tháng 7, tỉ phú New York đối mặt âm mưu hạ sát mình.

Nghi phạm Ryan Wesley Routh bị bắt giữ sau khi nỗ lực ám sát ông Trump hôm 15-9. Ảnh: NYPOST

Ngày 15-9, trong lúc cựu Tổng thống Trump chơi golf tại câu lạc bộ Trump International Golf Club West Palm Beach ở bang Florida, các đặc vụ đã bắn ít nhất 4 viên đạn sau khi họ phát hiện nòng khẩu súng trường tấn công kiểu AK-47 bên hàng rào sân golf và cách ông Trump gần 500 mét. Tay súng đã bỏ lại vũ khí cùng 2 chiếc ba lô và nhiều vật dụng khác trong lúc chạy trốn khỏi hiện trường trên chiếc SUV Nissan màu đen. Một nhân chứng nhìn thấy nghi phạm nhảy ra khỏi bụi cây đã chụp ảnh chiếc xe, cũng như biển số xe của hắn.

Cảnh sát trưởng quận Palm Beach Martin William D. Snyder cho biết, nghi phạm giữ im lặng và không biểu lộ cảm xúc, thậm chí không thắc mắc tại sao bị cảnh sát chặn. Theo công tố viên quận, sự bình tĩnh này cho thấy nghi phạm có thể quen những sự việc tương tự, không nhất thiết là tội ác nhưng khả năng y đã nhiều lần tương tác với cơ quan thực thi pháp luật. 

Trong khi đó, tờ New York Times và Fox News trích lời các quan chức giấu tên tiết lộ nghi phạm là Ryan Wesley Routh, 58 tuổi. Thông qua “lời lẽ bất thường” đăng trên mạng xã hội, Routh được định hình như một nhà thầu tư nhân về nhà ở giá rẻ ở Hawaii, tính cách bốc đồng và sẵn sàng mạo hiểm mạng sống vì lý tưởng. Có tiền sử rắc rối trong kinh doanh và bị kiện tụng, Routh từng chỉ trích ông Trump gay gắt và ủng hộ Ukraine nhiệt thành. Routh tuyên bố từng đến Ukraine vài tháng trong năm 2022 nhưng không rõ ông này có chiến đấu tại đây không.  Y thậm chí nỗ lực tuyển binh lính cho các cuộc chiến tranh ở nước ngoài. Nghi phạm cũng từng có bài đăng ám chỉ đến vụ ám sát cựu Tổng thống Trump hồi tháng 7.

Sau khi được đưa về khu nghỉ dưỡng tư nhân Mar-a-Lago, ông Trump trong email gửi đến các nhà tài trợ khẳng định bản thân rất an toàn và không hề hấn gì, đồng thời tuyên bố  ông “sẽ không bao giờ đầu hàng”. Được biết, ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa trở về Florida sau chuyến vận động tranh cử và không có sự kiện công khai nào trong ngày 15-9. Trận golf vừa rồi là lịch trình được thêm vào phút chót, nhưng việc ông dành buổi sáng để chơi golf trước khi ăn trưa tại câu lạc bộ là thói quen lâu nay được nhiều người biết đến.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và cấp phó Kamala Harris đã được thông báo vụ việc và cả 2 cảm thấy nhẹ nhõm khi biết tin ông Trump an toàn. Trong tuyên bố, chủ nhân Nhà Trắng nêu rõ bạo lực chính trị hoặc bất kỳ hình thức bạo lực nào đều không có chỗ ở nước Mỹ. Ông Biden còn chỉ đạo các cố vấn tiếp tục đảm bảo Sở Mật vụ có mọi nguồn lực, khả năng và biện pháp bảo vệ cần thiết để đảm bảo an toàn liên tục cho ông Trump. Viết trên mạng xã hội X, ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Harris cũng bày tỏ: “Tôi mừng vì ông ấy an toàn. Không có chỗ cho bạo lực tại Mỹ”.

Hồi tháng 7, ông Trump bị thương ở tai phải khi một viên đạn sượt qua mặt trong vụ ám sát ở Pennsylvania. Sau vụ việc, quy trình bảo vệ ông Trump vận động tranh cử ngoài trời đã được tăng cường. Theo đó, kính chống đạn vốn chỉ dùng cho Tổng thống và Phó Tổng thống Mỹ đã được lắp đặt mỗi khi vị ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa bước lên sân khấu. Bên ngoài tòa nhà Trump Tower ở New York, người ta cũng hay thấy hàng xe ben đỗ bên ngoài mỗi khi ông Trump ngụ tại đây. Còn ở West Palm Beach, các đặc vụ và sĩ quan mật vụ thường đi trước bảo vệ khu vực này trước và khi ông Trump chơi golf. Xe bọc thép cũng được điều vào sân phòng trường hợp có mối đe dọa xảy ra.

Bất chấp các nỗ lực trên, vụ ám sát bất thành mới nhất lần nữa khiến Sở Mật vụ bị giám sát chặt chẽ, đặc biệt câu hỏi về năng lực bảo vệ các ứng viên tranh cử tổng thống.

Khác với chính quyền Biden, ông Trump hồi tháng 6 cho rằng Ukraine đang xin viện trợ “không có điểm dừng” và đe dọa sẽ chấm dứt tình trạng này ngay khi đắc cử. Trong cuộc tranh luận với bà Harris hôm 10-9, cựu tổng thống Mỹ không trả lời khi được hỏi liệu có muốn Ukraine giành chiến thắng hay không, mà chỉ nói sẽ tìm cách chấm dứt xung đột thông qua đàm phán. Giới quan sát nhận định điều này cho thấy nếu quay lại Nhà Trắng, ông Trump sẽ không đối đầu Nga nhiều như chính quyền đương nhiệm và có xu hướng thỏa hiệp hơn.

MAI QUYÊN (Theo Nikkei, USA Today)

Chia sẻ bài viết